Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch. Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có quyền và nghĩa vụ như: hỗ trợ khách du lịch làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, hải quan.
Sử dụng hướng dẫn viên du lịch quốc tế để đưa khách du lịch ra nước ngoài theo hợp đồng lữ hành; chịu trách nhiệm về hoạt động của hướng dẫn viên du lịch trong thời gian đưa khách du lịch ra nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn với đối tác Việt Nam để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Thực hiện các thủ tục về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lữ hành có các quyền và nghĩa vụ quy định.
Về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là một trăm triệu đồng, đối với mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là hai trăm năm mươi triệu đồng. Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài là năm trăm triệu đồng.
Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: là năm trăm triệu đồng. Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Đối chiếu với quy định này, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ký quỹ với mức ký quỹ là hai trăm năm mươi triệu đồng Về phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng được xử phạt theo quy định cụ thể: phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như không mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch theo quy định. Không sử dụng dịch vụ do tổ chức, cá nhân thuộc Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch theo quy định.
Sử dụng hướng dẫn viên du lịch có hành vi cung cấp, giới thiệu cho khách du lịch các nội dung thông tin mang tính chất xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch, sử dụng người sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch giả để hướng dẫn cho khách du lịch.
Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: không thực hiện đúng quy định về ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; không bổ sung đủ số tiền ký quỹ đã sử dụng theo quy định; sử dụng người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành không bảo đảm điều kiện theo quy định. Đối chiếu với quy định này, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ký quỹ không đúng mức quy định sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
Có thể phạt tối đa lên đến 140.000.000 đồng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ký quỹ không đúng mức quy định còn bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 06 tháng đến 12 tháng.
Bên cạnh đó thì đối tác Việt Nam tham gia đầu tư: doanh nghiệp Việt Nam có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế chỉ được thực hiện tổ chức tour du lịch cho khách nước ngoài vào Việt Nam và du lịch nội địa Việt Nam. Không được đưa khách Việt Nam ra nước ngoài.
Đối với dịch vụ đại lý lữ hành thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ được nhận bán chương trình du lịch của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cho khách du lịch để hưởng hoa hồng; không được tổ chức thực hiện chương trình du lịch.
Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Chuyên ngành về lữ hành gồm các chuyên ngành như: quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; quản trị lữ hành, điều hành tour du lịch; marketing du lịch; du lịch; du lịch lữ hành; quản lý và kinh doanh du lịch; quản trị du lịch MICE; đại lý lữ hành; hướng dẫn du lịch./.
Vương Thanh Tú