Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp kể lại những giờ phút ‘gay cấn’ và ‘chưa có tiền lệ’ trong bão số 3 (Yagi) ngay trên sóng chương trình truyền hình trực tiếp Hướng về đồng bào nơi bão lũ.
Chương trình Hướng về đồng bào nơi bão lũ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 tối 14-9, cùng khán giả nhìn lại trận bão lũ vừa qua, về sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp, những mất mát của bà con, những tấm gương hy sinh và những nghĩa cử cao đẹp thấm đượm tình dân tộc, nghĩa đồng bào.
Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ phát động ngay trên sóng truyền hình trực tiếp, Quỹ Tấm lòng Việt do Đài truyền hình Việt Nam phát động để ủng hộ tái thiết Làng Nủ sau cơn bão số 3, chương trình nhận được 12,8 tỉ đồng từ khán giả xem truyền hình.
Bão số 3 là cơn bão lịch sử
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp – thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – bão số 3 là cơn bão (mang tính) lịch sử “vì có những điều chưa từng xảy ra” trong lịch sử. “Có thể nói đây là một trận cuồng phong, không còn là một cơn bão”, ông nói.
Đây là cơn bão mạnh nhất về tốc độ gió trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Chỉ trong vòng 48 tiếng khi đổ bộ vào Biển Đông, bão đã tăng liền 4 cấp – lên cấp cuồng phong (siêu bão).
Đây là cơn bão đầu tiên với sức gió giật cấp 15, đổ bộ vào Việt Nam (cụ thể là Hải Phòng, Quảng Ninh).
Thứ trưởng nói, thông thường bão khi đổ vào đất liền sẽ di chuyển 15 – 20km/giờ, nhưng cơn bão này đứng yên tại Hải Phòng, Quảng Ninh hơn 5 tiếng đồng hồ, không di chuyển, sức tàn phá rất lớn.
“Chúng tôi cứ nghĩ bão tan rồi nhưng nó vẫn tiếp tục”, ông kể.
Một điều chưa từng có nữa đó là cơn bão gây mưa trên diện rộng, gây ra một đợt lũ lụt, tương đương với trận lũ lụt lịch sử năm 1971. Trong đó có nhiều sông ở miền Bắc đã lên mức báo động. Chẳng hạn sông Thao ở Yên Bái có thời điểm vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1968 1,39m.
Dấu mốc mới trong phòng chống thiên tai
Chính vì những lẽ đó, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, cơn bão này cũng tạo ra một dấu mốc lịch sử mới trong công tác phòng chống thiên tai ở nước ta.
Vì là cơn bão có nhiều yếu tố lịch sử nên có nhiều vấn đề mà cần Chính phủ quyết định, chưa có tiền lệ.
Ông ví dụ chuyện ở nhà máy Thủy điện Thác Bà. Sau khi khánh thành một năm, lũ về, lưu lượng về hồ xả 3.200m3/s. Nhưng trong sáng 10-9, tới 5.600m3/s. Đó là lý do vì sao Thủy điện Thác Bà rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay giữa trưa phải họp với các địa phương liên quan di dời hơn 10.000 dân trong 4 tiếng đồng hồ.
Thủ tướng cũng ra lệnh trong tình hình khẩn thiết, sẵn sàng phá đập phụ để cứu đập chính. Bởi nếu đập chính vỡ, nước tràn xuống sông Chảy ra sông Lô thì mức nước ở Yên Bái tăng ít nhất 3m. Sức tàn phá sẽ rất khủng khiếp. Chính phủ phải đưa ra lựa chọn cái nào ít thiệt hại hơn.
Hay một ví dụ khác, tối 12-9, mực nước sông Hoàng Long lên cao, nếu cần có thể sẽ phải phá đê sông Hoàng Long.
“Khi chúng tôi báo cáo tình hình, Thủ tướng yêu cầu nhà máy Thủy điện Hòa Bình dừng phát điện để giảm lũ cho sông Hồng, sông Đáy, không phải phá đê. Có thể nói đó cũng là hai trong những tình huống ‘gay cấn’ trong lịch sử”, ông Hiệp kể.
Theo ông, cũng vì đây là cơn bão có nhiều yếu tố lịch sử, nên dẫu chúng ta đã cố gắng nhưng thiệt hại vẫn rất lớn.
“Song nếu không có những chỉ đạo quyết liệt, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đây là cơn bão được đánh giá là cấp cao nhất trong thảm họa thiên tai”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cho rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ngay trong bão lũ, Bộ Chính trị ra kết luận chỉ đạo các cấp, các ngành cùng hệ thống chính trị vào cuộc.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trực tiếp đi chỉ đạo ở một số địa phương, trong đó có Tuyên Quang, Phú Thọ… Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công từng đồng chí đi từng địa phương để vừa chia sẻ với đồng bào ở đó, vừa có những chỉ đạo kịp thời.
Thủ tướng trực tiếp vào tâm bão, đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái… đồng thời cũng phân công các phó thủ tướng đi các nơi chỉ đạo trực tiếp.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, tới thời điểm hiện tại, ta đã huy động 450.000 cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và di dời khoảng 150.000 người dân trên đất liền, hơn 50.000 người dân sống gần biển.
Đây cũng là điều chưa từng có trong lịch sử.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/nhung-phut-giay-can-nao-va-chua-co-tien-le-trong-bao-so-3-20240915063250721.htm