Mary từng không dám báo cảnh sát khi con gái bị hãm hại ở bang Manipur, nhưng quyết định lên tiếng vì sợ không còn cơ hội để trừng trị kẻ ác.
Cách đây hai tháng, con gái 18 tuổi của Mary bị nhóm người lạ mặt bắt cóc, hãm hiếp tập thể. Sáng hôm sau, cô gái bị ném lại trước cửa nhà trong tình trạng bị đánh đập dã man.
“Những kẻ tấn công đe dọa sẽ giết con gái tôi nếu con bé nói ra chuyện này”, Mary nói bên ngoài trại trú ẩn, nơi gia đình cô đã nương náu kể từ khi xung đột sắc tộc bùng phát giữa cộng đồng người Meitei và Kuki ở Manipur, bang đông bắc Ấn Độ từ hồi tháng 5.
Trong hai tháng, Mary không dám hé răng trình báo cảnh sát về những gì đã diễn ra với con gái mình. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau khi một video lan truyền trên mạng và khiến dư luận Ấn Độ cũng như thế giới phẫn nộ.
Trong video, hai phụ nữ người Kuki, theo đạo Cơ đốc, bị nhóm đàn ông áp giải trong tình trạng trần truồng, có lúc còn bị sàm sỡ trên đường làng ở B Phainom, quận Kangpokpi, bang Manipur, ngày 4/5. Trưởng làng B Phainom cáo buộc những kẻ tấn công thuộc tộc Meitei theo đạo Hindu.
Video đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và biểu tình ở Manipur. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23/7 gọi sự việc là “tàn bạo” và “khủng khiếp”, đồng thời cho biết Washington bày tỏ cảm thông với các nạn nhân. Giới chức Ấn Độ đã bắt 6 nam nghi phạm liên quan đến sự việc.
Câu chuyện đã thúc đẩy Mary hành động. “Tôi nghĩ nếu không làm điều này ngay bây giờ, tôi sẽ không còn cơ hội khác. Tôi sẽ luôn hối hận vì đã không cố gắng khiến những kẻ tấn công con gái mình phải chịu trừng phạt”, cô nói.
Mary nói rằng con gái đã nghĩ tới việc tự tử, nhưng cô đã cố trấn an rằng cô bé vẫn có thể làm lại cuộc đời.
Chiin Sianching, 19 tuổi, sợ rằng cô có thể phải đối mặt số phận tương tự. Cô và một người bạn đã bị phân biệt đối xử vì thuộc cộng đồng Kuki và bị tấn công trong ký túc xá mà họ ở khi học điều dưỡng ở thủ phủ Imphal của bang Manipur.
“Đám đông liên tục đập cửa phòng và hét lên rằng những người đàn ông Kuki đã hãm hiếp phụ nữ của họ, nên giờ họ sẽ làm điều tương tự với chúng tôi”, cô nói.
Chiin gọi cho mẹ và nói rằng đây có thể là lần cuối họ nói chuyện cùng nhau. Vài phút sau, hai cô gái bị kéo ra đường và bị đánh đập tới bất tỉnh. Đám đông chỉ tháo chạy khi nghĩ rằng họ đã chết. Cảnh sát nhận ra hai cô gái còn sống sau khi kiểm tra mạch đập của họ.
Những thông tin chưa xác thực về một số phụ nữ tộc Meitei bị đàn ông Kuki tấn công tình dục đã thúc đẩy đám đông người Meitei tấn công Chiin và bạn cô.
Tình hình nghiêm trọng hơn sau khi xung đột bùng phát, khiến hai cộng đồng từng sống cạnh nhau trở thành kẻ thù. Căng thẳng bắt đầu tăng lên sau khi một tòa án ra phán quyết rằng chính quyền nên cân nhắc triển khai các phúc lợi người Kuki đang được hưởng cho cả người Meitei.
Người Kuki cùng một số sắc tộc khác như người Naga, Zomi, chiếm hơn 40% dân số bang Manipur, đã tổ chức cuộc tuần hành ngày 3/5 để phản đối phán quyết trên. Hàng nghìn người tham gia tuần hành được cho đã tấn công người Meitei, châm ngòi cho các cuộc đụng độ trả đũa kéo dài.
Cộng đồng Meitei và Kuki đã dựng rào chắn tại các lối ra vào làng và đàn ông thuộc hai sắc tộc tham gia vào các cuộc đụng độ đẫm máu, khiến hơn 130 người thiệt mạng, 352 người bị thương, khoảng 60.000 người phải rời bỏ nhà cửa tới các trại trú ẩn.
Tuy nhiên, video hai phụ nữ Kuki bị ép khỏa thân diễu phố đã thúc đẩy cả phụ nữ Meitei xuống đường biểu tình phản đối, trong đó nổi bật là nhóm Meira Peibi, hay còn được gọi là “những người mẹ của Manipur”.
Nhóm này từng biểu tình phản đối lại tình trạng vi phạm nhân quyền và những vụ ngược đãi phụ nữ trong bang. Sinam Surnalata Leima, người lãnh đạo Meira Peibi, nói rằng chính dân làng đã tự bàn giao cho cảnh sát nghi phạm chính trong vụ ép hai phụ nữ khỏa thân diễu phố. Các thành viên của Meira Peibi thậm chí còn tập trung đốt nhà anh ta.
“Hành động đốt nhà là biểu tượng cho sự lên án của cộng đồng với tội ác ghê tởm mà những người đàn ông đó gây ra. Hành vi của họ không thể làm hoen ố danh dự của toàn bộ cộng đồng Meitei”, bà Leima nói.
Vợ và ba người con của nghi phạm đã bị trục xuất khỏi làng.
Lý giải hành động của những người đàn ông Meitei trong cộng đồng vốn coi trọng phụ nữ, bà Leima cho biết “đó xuất phát từ nỗi đau buồn và mong muốn trả thù cho những phụ nữ Meitei bị đàn ông Kuki tấn công”.
Bà Leima cho biết bản thân không ghi nhận vụ tấn công nào như vậy, nhưng nói rằng phụ nữ Meitei sẽ không bao giờ kể về chuyện này vì họ coi là đó điều đáng xấu hổ.
Cảnh sát bang cho biết chưa ghi nhận báo cáo nào về tình trạng bạo lực với phụ nữ Meitei kể từ khi xung đột bùng phát, song một phát ngôn viên của cộng đồng nói rằng có nhiều vụ tấn công không được trình báo.
“Phụ nữ Meitei sợ rằng khi trình báo những vụ bạo lực nhắm vào mình, phẩm giá của họ sẽ bị hoen ố”, Khuraijam Athouba, thành viên tổ chức người Meitei có tên Cocomi, nói.
Anh trai của một trong hai phụ nữ Kuki bị ép diễu hành khỏa thân cảm thấy đau khổ vì những gì đã xảy ra. Đám đông lột đồ và tấn công tình dục em gái anh cũng đã giết chết bố và em trai của họ. Anh và mẹ thoát chết vì đi thăm một gia đình ở làng khác khi đụng độ xảy ra.
Người đàn ông 23 tuổi muốn tất cả đám đông bị bắt, đặc biệt những người đã giết bố và em trai. “Tôi muốn cả hai cộng đồng được đối xử công bằng”, anh nói.
Niềm tin vào chính phủ và chính quyền địa phương dường như suy yếu ở cả hai cộng đồng. N. Biren Singh, thủ hiến bang Manipur và người thuộc cộng đồng Meitei, cam kết “trừng phạt nghiêm khắc những nghi phạm và không loại trừ án tử hình”. Song khi được hỏi về những lời kêu gọi từ chức do không giải quyết được xung đột, ông nói “công việc của tôi là mang lại hòa bình cho bang và trừng phạt những kẻ sai trái”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chỉ lên tiếng về xung đột sắc tộc giữa người Kuki và Meitei sau khi video về hai phụ nữ gây ra làn sóng phẫn nộ khắp đất nước. “Những gì đã xảy ra với phụ nữ ở Manipur không thể tha thứ”, ông nói.
Song với bà Leima, tuyên bố đó khiến hình ảnh cộng đồng Meitei của bà trở nên xấu xí và cho thấy họ không được quan tâm từ khi bạo lực bùng phát hồi tháng 5.
“Thủ tướng chỉ phát biểu khi phụ nữ Kuki bị tấn công. Thế tất cả những gì chúng tôi đang phải đối mặt thì sao? Phụ nữ Meitei chúng tôi không phải công dân Ấn Độ ư?”, bà nói.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng video gây sốc trên đã giúp dư luận Ấn Độ quan tâm tới xung đột sắc tộc đang diễn ra ở Manipur.
“Nếu không có video này, chúng tôi sẽ không nhận được nhiều chú ý từ chính phủ và các đảng chính trị khác”, Gracy Haokip, nhà nghiên cứu hỗ trợ nạn nhân xung đột, trong đó có Chiin Sianching, nói.
Bà nói rằng nó sẽ giúp nạn nhân các vụ tấn công có can đảm chia sẻ câu chuyện của họ, trong khi cố gắng làm lại cuộc đời.
Chiin đã có bài phát biểu trước các phụ nữ trong cộng đồng người Kuki của cô, trong đó cô nói “mẹ bảo tôi rằng Thượng đế có lý do khi giữ lại mạng sống cho tôi, nên tôi đã quyết định không từ bỏ ước mơ của mình”.
Thanh Tâm (Theo BBC)