Một chuyến du lịch qua đêm ngay trong thành phố để cha mẹ và các con được khám phá và vẽ phố cổ về đêm và sáng sớm với muôn vàn điều thú vị đã khiến cả người lớn lẫn trẻ con đều háo hức ngóng Tết Thiếu nhi năm nay.
Ý tưởng tổ chức Tết Thiếu nhi độc đáo năm nay nhận được sự ủng hộ của Ban quản lý phố cổ Hà Nội.
Vì vậy không gian Trung tâm Thông tin phố cổ Hà Nội ở 50 Đào Duy Từ (quận Hoàn Kiếm) được dành cho các hoạt động triển lãm, workshop dạy vẽ của nhóm trong suốt ba ngày từ 31-5 đến 2-6.
Khi bố mẹ cũng là nhân vật chính trong Tết Thiếu nhi
50 bức tranh vẽ những di tích của Hà Nội như nhà cổ, các khu tập thể, bốt Hàng Đậu, nhà thờ Lớn, nhà thờ Hàm Long, cà phê phố cổ… của các em nhỏ trong Nhóm ký họa Đô thị Hà Nội được lựa chọn trưng bày trong triển lãm Bé vẽ Hà Nội tại Trung tâm Thông tin phố cổ Hà Nội.
Đây là triển lãm thường niên đã được nhóm tổ chức trong suốt tám năm qua cho các con.
Điều đặc biệt, các triển lãm đều do các bố mẹ tự tổ chức cho các con mình. Nhóm lại rặt những người yêu văn nghệ, từ người lớn đến trẻ con. Nên năm nào triển lãm cũng đi kèm một chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” thật vui.
Ở các đêm văn nghệ ấy, bố mẹ cùng hát với các con, hoặc cháu đàn bác hát, hay mẹ biên đạo múa, dựng kịch cho con diễn, có mẹ tự thiết kế, tự may đồng phục biểu diễn cho con…
Những ông bố bà mẹ ấy không chỉ tổ chức cho các con chơi Tết Thiếu nhi mà chính họ cũng tham gia vào đó như các con, họ cũng là “nhân vật chính”.
Cùng con làm khách du lịch ở chính thành phố mình đang sống
Năm nay còn đặc biệt hơn khi Tết thiếu nhi của họ không dừng lại sau đêm văn nghệ khai mạc triển lãm rồi ai về nhà nấy.
Dù ở trong thành phố, họ thuê phòng cộng đồng của khách sạn ngay khu phố cổ để bố mẹ con cái được kéo nhau đi khám phá và vẽ phố cổ về đêm rất khác biệt với cảnh tấp nập ban ngày.
Rồi sáng hôm sau các bố mẹ lại cùng con cái khám phá một Hà Nội cổ kính chất chứa bao điều thú vị vào buổi sáng sớm mà chính những người Hà Nội như họ sống xa khu phố cổ chưa có dịp biết tới.
Hồ Gươm sáng sớm bỗng biến thành một sân vận động lẫn… sàn nhảy khổng lồ, với từng tốp thanh niên, người già chạy, nhảy, đi bộ, tập dưỡng sinh lẫn ngồi thiền, yoga cười… khiến những đứa trẻ lẫn bố mẹ đều thích thú nhập cuộc.
Và không thể thiếu một vòng food tour phố cổ vốn nổi tiếng là thiên đường đồ quà sáng rất ngon và tinh tế của người Hà Nội.
Chỉ một lúc sáng sớm, họ được khám phá từ bánh mì gia truyền Hàng Gai; phở gà đặc biệt, bánh bao phố Lương Văn Can; cháo sườn, bánh xèo, há cảo Hàng Bồ; bánh cuốn Thanh Trì – món quà sáng thanh mát khiến nhiều người Hà Nội mê, ở ngã ba Hàng Gai – Tô Tịch; và xôi cốm trên những gánh hàng rong…
Khi đã thấm mệt thì họ trở về Trung tâm Thông tin phố cổ, cha mẹ cùng chơi các trò chơi truyền thống với các con như đánh chuyền, nhảy dây, ô ăn quan…
Những ông bố giỏi vẽ, có năng khiếu hội họa thì “đứng lớp” truyền dạy kỹ năng vẽ ký họa cho đám trẻ.
Tất nhiên đây chẳng phải chỉ là một chuyến du lịch thông thường mà các cha mẹ tổ chức cho con mình nhân dịp Tết của các con.
Đó là cách mà các ông bố bà mẹ “nghiện” Tết Thiếu nhi mà “tỉnh thức” này kéo các con mình ra khỏi các loại màn hình, để khám phá vô vàn điều thú vị ở chính nơi thành phố các em sống, từ kiến trúc, di sản, văn hóa, tập tục, lối sống…
Đáng kể, những ông bố bà mẹ này không chỉ tổ chức Tết Thiếu nhi một lần trong năm.
Suốt tám năm qua, chiều chủ nhật nào, bất kể mưa, nắng, giá lạnh họ đều cùng con ra phố vẽ những mảnh xinh đẹp của Hà Nội và đôi khi là ở những nơi khác trên quê hương Việt Nam.
Nên Tết Thiếu nhi đối với những ông bố bà mẹ này luôn là một dịp rất đặc biệt, không phải chỉ là Tết của các con.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-ong-bo-ba-me-nghien-tet-thieu-nhi-20240601211659481.htm