Tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực tháo gỡ các nút thắt pháp lý đã tồn tại nhiều năm đối với “đất ở không hình thành đơn vị ở” và căn hộ condotel, nhằm khơi thông dòng chảy của các loại hình bất động sản.
Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã xóa “đất ở không hình thành đơn vị ở” tại 15 dự án và đang tích cực thực hiện đối với các dự án khác.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước đây, việc cấp đất như vậy chưa đúng quy định, vì thế, thời gian qua, tỉnh phải “sửa sai” theo yêu cầu của các cơ quan Trung ương.
Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô từng được tỉnh Khánh Hòa cấp phép “đất ở không hình thành đơn vị ở” |
Theo đó, đối với những dự án chưa tiến hành hoặc đang trong quá trình triển khai, ông Tuân cho biết, tinh thần là cần giải quyết tạm trú cho người dân để các cháu nhỏ có điều kiện vào học tại các trường. Còn đối với các dự án chuyển cho nhà đầu tư thứ cấp, Khánh Hòa đang chờ nghị quyết riêng của Quốc hội, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị về việc giải quyết những vấn đề tồn đọng sau thanh tra, kiểm tra…
“Với những dự án này, tỉnh Khánh Hòa phải chờ ý kiến của Trung ương, chứ không thể chuyển ngay sang đất ở trong điều kiện hạ tầng mới chỉ bố trí cho căn hộ du lịch”, ông Tuân thông tin.
Không chỉ “đất ở không hình thành đơn vị ở”, Khánh Hòa cũng đang rối khi xử lý các dự án condotel. Mới đây, ngày 15/7, Đoàn Giám sát của Quốc hội, do bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát, Trưởng đoàn công tác số 2 dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Nha Trang từ năm 2015 đến năm 2023.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty TNHH Lan Anh phản ánh, Dự án Nha Trang City Central (đường Phan Châu Trinh, TP. Nha Trang) của Công ty đã hoàn thành 4 năm, nhưng đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa trả lời lý do tại sao không cấp giấy chứng nhận đối với căn hộ condotel.
Ông Cao Thanh Vũ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho hay, quy định của pháp luật hiện nay chưa rõ ràng về điều kiện, tiêu chí cấp giấy chứng nhận cho dự án không phải là nhà ở. “Việc này rất phức tạp, buộc chúng tôi phải tham mưu UBND tỉnh hỏi các cơ quan Trung ương nhiều lần”, ông Vũ nêu thực tế.
Theo ông Vũ, Dự án Nha Trang City Central kéo dài là do trước khi có Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 20/5/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường không có cơ sở giải quyết. Khi áp dụng Nghị định số 10/2023/NĐ-CP vào dự án này cũng gặp vướng mắc, bởi mục tiêu của dự án không thể hiện chủ trương bán hoặc cho thuê đối với loại hình này. Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và mục tiêu đầu tư, trong đó thể hiện chủ trương bán căn hộ để có cơ sở cấp giấy chứng nhận cho từng căn hộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, đối với căn hộ du lịch, tuy Nghị định số 10/2023/NQ-CP đã được ban hành, nhưng tỉnh Khánh Hòa rất khó khăn khi cấp tài sản trên đất (căn hộ du lịch). Hơn nữa, việc cấp giấy chứng nhận cho căn hộ du lịch cũng phải đảm bảo đúng với thời gian hoạt động của dự án.
“Không thể tự nhiên có tòa nhà cao đến 40 tầng, với 2.000 hộ dân, mà nay chuyển qua đất ở được. Vì nếu như vậy, thì xe để ở đâu, dân cư sinh sống ra sao, rồi y tế, chợ dân sinh thế nào…”, ông Tuân nêu thực tế.
Được biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, sớm có văn bản hướng dẫn để tỉnh tháo gỡ các vướng mắc khi cấp giấy chứng nhận cho người mua bất động sản trong các dự án kinh doanh bất động sản không phải dự án phát triển nhà ở.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/nhung-nut-that-kho-go-cua-bat-dong-san-khanh-hoa-d221427.html