Những nữ tướng tài của nghĩa quân Tây Sơn

Người Lao ĐộngNgười Lao Động01/02/2025

(NLĐO) – Ngoài Thất hổ tướng, trong đoàn quân nhà Tây Sơn còn có 5 vị nữ tướng tài nổi bật nhất thời ấy được người đời xưng danh là Ngũ Phụng thư.


Hơn 250 năm trước, khi phong trào nông dân Tây Sơn nổ ra, có 5 cô gái nổi bật rất giỏi võ nghệ, côn kiếm; có tài tổ chức, huấn luyện đạo tượng binh, được người đời xưng danh là Ngũ Phụng thư (tức là năm con chim phượng hoàng). Đó là Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc và Nguyễn Thị Dung.

Những nữ tướng tài của nghĩa quân Tây Sơn- Ảnh 1.

Vẻ đẹp kiều diễm và uy nghiêm của Bùi Thị Xuân qua bức tượng tạc hình bà.

Đứng đầu Tây Sơn Ngũ Phụng thư là Đô đốc Bùi Thị Xuân, vợ của Thái phó Trần Quang Diệu - những cái tên rất quen thuộc trong sử sách. Bà là người thôn Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). 

Thuở thiếu thời, Bùi Thị Xuân vừa xinh đẹp lại dũng mãnh, nữ công khéo, chữ viết đẹp nhưng thích "làm con trai", đi quyền, múa kiếm. Nghe kể chuyện bà Triệu, bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, Bùi Thị Xuân háo hức muốn noi gương.

Năm 12 tuổi, Bùi Thị Xuân đến trường học chữ. Một hôm, bà bị bạn bè diễu cợt bằng câu đối "Ngoài trai trong gái, dưa cải dưa môn". Bực mình, bà đánh vào mặt bạn học rồi bỏ về nhà. Từ đấy, bà thôi học văn, ở nhà chuyên học võ.

Thầy dạy đầu tiên của bà tên Ngô Mãnh, là ông của Ngô Văn Sở, được gia đình cho tạm trú trong vườn nhà. Cảm ơn sự giúp đỡ, võ sư Ngô Mãnh chăm dạy cô học trò thông minh. Được ba năm thì thầy mất, Bùi Thị Xuân phải tự rèn luyện.

Một đêm nọ, trong lúc luyện võ thì có một bà lão đến đứng coi, Bùi Thị Xuân liền niềm nở tiếp đón. Từ đó, đêm đêm bà lão đến dạy võ cho Bùi Thị Xuân nhưng không ai rõ lai lịch của bà.

Suốt 3 năm trời, trừ những khi mưa gió, đêm nào bà lão cũng đến dạy quyền, song kiếm, luyện công… cho Bùi Thị Xuân. Đến năm 18 tuổi, tài nghệ của Bùi Thị Xuân đã điêu luyện thì bà lão không đến dạy nữa.

Những nữ tướng tài của nghĩa quân Tây Sơn- Ảnh 3.

Voi chiến của nghĩa quân Tây Sơn - nỗi khiếp đảm của giặc phương Bắc. Ảnh: Bảo tàng quân sự Việt Nam.

Theo cuốn Võ nhân Bình Định, sau khi luyện tập võ nghệ thuần thục, Bùi Thị Xuân rủ một số chị em khác trong vùng đến nhà mình luyện quyền, múa kiếm. Đệ tử của bà ban đầu còn ít, dần dần lên đến vài chục người. Trong đó, có một đệ tử khá xuất sắc tên là Bùi Thị Nhạn, cô ruột Bùi Thị Xuân nhưng nhỏ tuổi hơn.

Vì vậy, khi Bùi Thị Xuân theo nhà Tây Sơn, bà Nhạn cũng xin theo và trở thành tay kiếm giỏi trong các chị em. Sau khi vợ là bà Phạm Thị Liên qua đời, Nguyễn Huệ kết duyên cùng Bùi Thị Nhạn rồi sanh hạ được 3 con trai là Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thiệu, Nguyễn Quang Khanh và 2 con gái. Quang Trung lên ngôi hoàng đế thì bà Nhạn được phong Chánh cung Hoàng hậu. Khi Quang Toản lên ngôi, bà được tôn làm Hoàng thái hậu.

Ngoài ra, trong nhóm đệ tử của Bùi Thị Xuân còn có bà Trần Thị Lan, em ruột bà Trần Thị Huệ (vợ Nguyễn Nhạc), cháu của võ sư Trần Kim Hùng. Bà Lan được ông nội là võ sư Trần Kim Hùng truyền dạy võ công. Bà có biệt tài về kiếm thuật và luyện thân lanh lẹ như chim én, nên tự hiệu là Ngọc Yến. Khi nghe tiếng Bùi Thị Xuân võ nghệ cao cường, bà Lan tìm đến kết bạn và cùng chí hướng giúp nhà Tây Sơn.

Những nữ tướng tài của nghĩa quân Tây Sơn- Ảnh 4.

Du khách chụp ảnh lưu niện tại đền thờ đô đốc Bùi Thị Xuân ở huyện Tây Sơn

Cùng trong "ngũ phụng thư" còn có hai bà Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc, người tỉnh Quảng Ngãi. Nghe danh Bùi Thị Xuân nên hai bà này tìm đến xin thụ nghiệp. Về tuổi tác và tài nghệ, 4 bà Dung, Nhạn, Cúc, Lan đều tương đương. Tất cả đều tôn nữ tướng Bùi Thị Xuân làm thầy, gắn bó với nhau như tình ruột thịt. Người đương thời gọi 5 bà Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc và Nguyễn Thị Dung là Tây Sơn Ngũ Phụng thư. Ngũ Phụng thư cùng nhau huấn luyện, tổ chức đoàn tượng binh hàng trăm thớt voi và đoàn nữ binh trên 2.000 người.

Các bà trong Ngũ Phụng thư về sau đều lấy chồng là các tướng nhà Tây Sơn, chỉ có Huỳnh Thị Cúc không xuất giá, mà theo phò tá Bùi Thị Xuân. Khi nhà Tây Sơn lâm vào thế suy tàn, 2 nữ tướng Bùi Thị Xuân và Huỳnh Thị Cúc cùng các nữ binh liều chết mở đường máu, phá tan vòng vây quân Nguyễn Ánh ở Đâu Mâu (Quảng Bình), đưa vua Cảnh Thịnh qua sông Nhật Lệ an toàn. Bà Huỳnh Thị Cúc đã anh dũng hy sinh tại đây.



Nguồn: https://nld.com.vn/nhung-nu-tuong-tai-cua-nghia-quan-tay-son-196250124124143752.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

Nhân vật

Tết Trong Mơ: Những nụ cười giữa 'xóm ve chai'
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Hình ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng hoa cúc chi vào vụ thu hoạch
Giới trẻ xếp hàng từ 6h30, chờ 7 tiếng để chụp ảnh ở quán cà phê cổ trang

No videos available