(BLC) – Năm 2022, huyện Tam Đường có 803 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trong các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đây là niềm tự hào, minh chứng cho thành quả của những người nông dân không cam chịu đói nghèo, năng động, sáng tạo đầu tư phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi về bản Km2, xã Bình Lư (huyện Tam Đường) tìm gặp ông Nguyễn Văn Duyệt là một trong những hộ nông dân dám nghĩ, dám làm, đầu tư hàng trăm triệu đồng phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Không quá khó để chúng tôi tìm đến nhà ông Duyệt vì nhắc tới ông, ai cũng trầm trồ thán phục, gọi ông là “triệu phú nông dân”.
Trong căn nhà khang trang, ông kể cho chúng tôi nghe về quá trình bắt tay khởi nghiệp làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau 20 năm gắn bó với nghề lái xe đến năm 2015 ông lui về cùng vợ bắt tay làm kinh tế nông nghiệp. Thời gian đầu do không có kiến thức về nông nghiệp nên vợ chồng ông chỉ tập trung trồng cây lúa, cây ngô. Thấy hiệu quả kinh tế đem lại không cao, vì vậy, khi có thời gian rảnh ông lại lên mạng tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; từ đó “nghề nông” cứ thấm dần vào máu, ông quyết tâm thực hiện mơ ước xây dựng mô hình VAC. Nhận thấy chè là cây trồng chủ lực của tỉnh, năm 2017 ông bàn với vợ dồn hết tiền tiết kiệm cộng với vay thêm tiền của người thân mua đất đầu tư trồng 5ha chè Kim Tuyên ở xã Nà Tăm. Sau nhiều năm chăm sóc, nay cây chè phát triển tốt, trung bình mỗi lứa thu về hơn 3 tấn chè búp, trừ chi phí mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng.
Cùng với đó, ông bắt tay xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu, lợn với quy mô hàng trăm con. Không chỉ tập trung phát triển nông nghiệp ông còn mở xưởng sản xuất gạch bi, mỗi năm sản xuất hơn 60 vạn gạch tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương với mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng. Bước ngoặt lớn nhất đối với ông là năm 2022 khi thấy phát triển chăn nuôi có nhiều rủi ro không mang lại lợi nhuận cao ông chuyển sang mô hình sản xuất miến dong.
Thay vì sản xuất miến theo phương pháp thủ công, ông đầu tư hơn 400 triệu đồng mua máy móc, cải tiến công nghệ sản xuất nhằm giảm công lao động, nguồn nhiên liệu, tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng, hương vị của miến dong Bình Lư. Trung bình mỗi năm xưởng miến của gia đình ông sản xuất hơn 12 tấn miến, miến sản xuất đến đâu thương lái từ các tỉnh: Vũng Tàu, Đắc Lắc, Hà Nội… gọi điện đặt mua tới đó với giá bán từ 45 -50kg. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu về hơn 300 triệu đồng.
Đến với bản vùng cao Gia Khâu, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) nhắc tới anh Tẩn A Thi – ai cũng biết bởi ý chí và nghị lực không cam chịu đói nghèo. Từ hai bàn tay trắng với bản tính cần cù, mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh; đến nay, anh đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Với lợi thế khí hậu, đất đai phù hợp trồng các loại quả ôn đới, năm 2013 được cán bộ nông nghiệp xã vận động đưa cây mận tam hoa vào trồng, anh Thi mạnh dạn trồng thử nghiệm 30 cây mận. Sau hai năm tích cực chăm sóc, cây mận đã cho thu hoạch, quả to, đẹp, ngọt nên giá bán từ 25 – 35 nghìn đồng/kg. Thấy trồng mận mang lại thu nhập cao hơn trồng lúa, anh tiếp tục nhân rộng với diện tích 4ha, hiện gia đình anh trồng hơn 500 cây mận, 100 cây bưởi, 150 cây lê, 600 cây mắc-ca.
Không chỉ thành công với mô hình trồng cây ăn quả, anh Thi còn thành công với mô hình nuôi lợn đen. Anh đầu tư rất nhiều thời gian đi tham quan, học hỏi các mô hình chăn nuôi ở trong và ngoài tỉnh. Đến nay, trong chuồng lúc nào cũng có hơn 50 con, đàn lợn của gia đình sinh trưởng phát triển tốt không bị dịch bệnh nhờ thực hiện tốt quy trình tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại. Ngoài ra, anh còn kinh doanh vật liệu xây dựng, mua máy xát. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, công sức để làm đường giao thông nội bản, chia sẻ kinh nghiệm giúp bà con trong bản vươn lên làm giàu.
Đây là hai tấm gương điển hình trong hàng trăm hộ nông dân vượt khó làm giàu trên quê hương Tam Đường. Chính những đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm cùng sự chịu khó tìm tòi, học hỏi đã giúp bà con nông dân phát triển các mô hình kinh tế tăng thu nhập cho gia đình. Tại những nơi chúng tôi có dịp đến đều dễ dàng tìm gặp những người nông dân với các mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Ngọc Chuyền ở bản Sân Bay (thị trấn Tam Đường), không cam chịu đói nghèo ông mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên diện tích 1.000m2, ông tập trung trồng rau: bắp cải, su hào, cà chua… Tháng 8/2022, ông còn trồng hơn 200 gốc chanh leo bước đầu đã cho thu hoạch. Từ trồng rau, chanh leo, chăn nuôi trâu, lợn mỗi năm trừ chi phí ông thu nhập 100 triệu đồng, năm 2022 ông vinh dự đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.
Theo báo cáo của Hội Nông dân huyện Tam Đường, năm 2022 toàn huyện có 956 hộ đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 68 hộ so với năm 2021. Qua bình xét có 803 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 42 hộ so với năm 2021, chủ yếu ở các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Có được kết quả này, ngoài nỗ lực của các hộ nông dân, vai trò “bà đỡ” của các cấp Hội Nông dân là rất quan trọng, bởi hơn ai hết, cán bộ hội chính là những người gần gũi nông dân, hiểu rõ nông dân cần cái gì, thiếu cái gì. Vì vậy, hàng năm ngoài tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hội viên, Hội Nông dân huyện còn là “cầu nối” giúp nông dân tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi, qua đó có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Năm 2022, Hội Nông dân huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện 13/17 chương trình cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với số tiền trên 108.570,54 triệu đồng, thuộc 46 tổ tiết kiệm vay vốn với 1.892 hộ vay vốn. Triển khai, quản lý, điều hành có hiệu quả 21 dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số tiền 9.878 triệu đồng với 206 hộ vay vốn. Ngoài ra, hội quản lý, điều hành có hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp, hiện tại, quỹ đang cho 40 hộ vay vốn, với tổng số tiền 469 triệu đồng tại 4 xã: Nà Tăm, Giang Ma, Sơn Bình, Nùng Nàng. 100% hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn; xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân.
Có thể khẳng định, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã tạo được sức lan tỏa, động lực để các hộ nông dân phát huy tinh thần tự lực, vượt khó vươn lên thi đua phát triển kinh tế, góp phần vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương.