Việt dạy Toán lệ thuộc vào sách, cung cấp công thức để nhanh chóng giải bài tập mà thiếu sự dẫn dắt, khiến nhiều học sinh không yêu thích môn học này.
Các ý kiến trên được nêu tại sự kiện “Ngày Toán học quốc tế: Playing with Math”, hôm 14/3 do Viện Toán học tổ chức.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhận định nhiều trẻ dù chưa biết gì về Toán đã thấy môn học này rất khó, do cách nhìn nhận của người lớn. Vì thế, các em sợ và không chịu học. Nhiều em thì chỉ cố học vì thành tích, làm hài lòng người lớn.
“Khi dạy các lớp chuyên Toán, tôi phát hiện nhiều em không biết bản thân say mê điều gì trong Toán học, chỉ biết đỗ vào lớp chuyên Toán là điều gì đó mà mọi người rất ngưỡng mộ”, bà Thơ nói. Bà là tiến sĩ Toán học, nguyên giảng viên khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Việc học sinh sợ Toán, theo bà Thơ, còn đến từ môi trường giáo dục. Khi đến một số trường tiểu học tại Hà Nội, bà ngạc nhiên vì giáo viên chỉ giảng và giao bài, những gì học sinh được tiếp cận là các bài toán in trong sách hoặc phiếu bài tập.
“Cách dạy và học này không đúng quy trình, khiến trẻ không yêu thích môn Toán”, bà nói.
TS Toán học Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, cũng nhận thấy học sinh yêu thích môn Toán ngày càng ít và càng lớn thì sự yêu thích của các em với môn học này càng giảm.
Ông Dũng chỉ ra một số nguyên nhân như chương trình học càng lên cao càng khó, khắc nghiệt hơn, thời gian được “chơi với Toán” ít đi. Bên cạnh đó, việc dạy Toán ở các bậc học cao vẫn theo lối diễn dịch, tức thầy cô giảng, học sinh học và áp dụng làm bài tập. Thay vì dẫn dắt để học sinh tìm ra công thức nào đó, giáo viên thường cung cấp luôn để các em giải quyết nhanh vấn đề, khiến học sinh thụ động, nhớ theo kiểu cơ học.
“Đây là điều chống chỉ định trong sự phát triển tư duy về Toán học”, ông Dũng nói, cho biết ngay cả ở các lớp chuyên Toán, đáng lẽ học sinh phải chủ động nhưng do một vài yếu tố, ví dụ học thêm nhiều, học sinh trở nên thụ động. Cũng có em vì cảm thấy bị áp đặt nên chán Toán.
Từ thực tế trên, ông Dũng cho rằng phải thay đổi cách tiếp cận với Toán của học sinh, bằng cách cho các em tham gia hoạt động trải nghiệm, khám phá nhiều hơn.
“Phải để các em playing with Math (chơi với Toán) mới có thể vừa phát triển tư duy, vừa có niềm vui khám phá”, ông Dũng nói và cho biết đây cũng là chủ trương chung trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng tình, bà Chu Cẩm Thơ cho rằng cách học thông qua các trò chơi không chỉ để tìm đến chiến thắng, vượt qua thử thách, phát triển tư duy mà còn giúp trẻ bộc lộ thái độ, tính cách.
Theo GS Phùng Hồ Hải, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, vai trò của Toán học không phải quan trọng ở chỗ giúp biết cách tính tích phân, đạo hàm mà là thông qua việc học, chúng ta có khả năng tư duy để tồn tại, cạnh tranh được. Đây là năng lực quan trọng trong xã hội ngày càng phát triển.
Ông Hải cho rằng cần thể hiện được sự thân thiện của Toán học với xã hội, khiến mọi người không sợ học Toán, có thái độ tích cực với Toán, từ đó phát hiện ra năng lực của bản thân.
Trước đó, tại hội nghị Toán học toàn quốc hồi tháng 8/2023, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn từng nói Toán học và giáo dục Toán học “cần một phen đổi mới”.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng Toán học cần tích cực đổi mới theo hướng phát triển tư duy cho người học, hướng học sinh đem tư duy Toán học để giải quyết các vấn đề cuộc sống, giải quyết những vấn đề phát sinh để phát triển tư duy.