Hệ thống tản nhiệt gặp trục trặc
Một phần nhiệt lượng sinh ra khi động cơ hoạt động sẽ được hệ thống tản nhiệt xả ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, nếu quạt tản nhiệt làm mát gặp vấn đề, luồng khí nóng trong khoang động cơ không thể thoát ra ngoài, dẫn tới nhiệt độ động cơ tăng cao. Đôi khi, bộ điều nhiệt do bị hỏng hóc, cặn khoáng hoặc có vật thể lạ cản trở chất lỏng chảy qua bộ phận tản nhiệt, khiến quá trình phân tán nhiệt bị gián đoạn.
Ngoài ra, quạt gió không hoạt động cũng làm giảm hiệu quả làm mát, gây nên hiện tượng nước sôi, nóng máy. Khi bơm yếu hoặc do dây đai dẫn động kém, lưu lượng và áp suất nước trong hệ thống không đảm bảo yêu cầu, dẫn đến động cơ bị quá nhiệt.
Van hằng nhiệt bị bó kẹt
Van hằng nhiệt (thermostat) là một bộ phận quan trọng của hệ thống làm mát, có nhiệm vụ điều phối lượng dung dịch làm mát đến các bộ phận của động cơ.
Khi nhiệt độ động cơ ô tô nóng lên đến ngưỡng nhất định, van hằng nhiệt sẽ mở ra để nước làm mát chảy đến bộ phận động cơ đang bị nóng. Nếu van hằng nhiệt bị bó kẹt, nước làm mát sẽ không thể được điều phối đến khu vực động cơ để làm mát, dẫn đến tình trạng quá nhiệt.
Chất làm mát bị ngưng tụ
Hiện tượng này thường xảy ra vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống quá thấp làm cho nước làm mát bị ngưng tụ. Nếu sử dụng các loại chất làm mát kém chất lượng, chúng có thể bị đông đặc và gây tắc nghẽn trong động cơ, khiến động cơ quá nóng và dễ làm hỏng bộ tản nhiệt.
Mức dầu quá thấp
Dầu động cơ có công dụng làm mát và ngăn ngừa sự tích tụ nhiệt năng quá mức, giúp loại bỏ từ 75% đến 80% lượng nhiệt dư thừa bên trong động cơ. Dầu động cơ cũng bôi trơn các bộ phận khác trong ô tô, giảm ma sát và ngăn chặn hiện tượng quá nhiệt. Mức độ làm mát không đủ trong động cơ có thể gây ra lỗi quạt.
Máy bơm nước bị hỏng
Máy bơm nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình lưu thông dung dịch làm mát. Nếu máy bơm bị hỏng, nước làm mát không thể lưu thông để hạ nhiệt cho động cơ, dẫn đến quá nhiệt.
Rò rỉ hệ thống làm mát
Không khí lọt vào bên trong hệ thống làm mát có thể khiến động cơ ô tô bị quá nhiệt. Chất làm mát có thể bị rò rỉ qua các lỗ thủng, tạo khoảng trống cho không khí bị hút vào. Khi không khí đi vào, nó sẽ tạo ra những “bong bóng” cản trở chất làm mát đi đến động cơ, gây nên hiện tượng quá nhiệt.
Cách xử lý khi động cơ ô tô quá nhiệt
Ngay sau khi phát hiện động cơ bị quá nhiệt, tài xế cần tìm chỗ dừng xe an toàn, tấp vào lề và bật đèn báo khẩn cấp để các phương tiện khác nhận biết xe gặp trục trặc. Sau khi cho xe nghỉ khoảng 10-15 phút, tài xế nên mở nắp ca-pô để kiểm tra động cơ, kiểm tra két nước bằng cách mở hé ra, đợi hơi nóng thoát ra rồi mới mở hẳn. Tuyệt đối không nên mở ngay vì nước sôi trong két rất dễ bắn lên tay gây bỏng.
Nếu thấy lượng nước làm mát không đủ, hãy tiếp thêm nước vào bộ phận này để có thể tiếp tục hoạt động. Mỗi tài xế nên chuẩn bị các chai nước dự phòng trên xe. Tuy nhiên, cách sử dụng nước chỉ là phương án tạm thời. Sau khi đến gara sửa chữa hoặc về nhà, chủ xe cần rửa bình nước và sử dụng nước làm mát chuyên dụng để tránh bám cặn bẩn, gây hư hại cho hệ thống làm mát.
Để tránh tình huống không may xảy ra khi di chuyển, chủ xe cần để tâm đến đồng hồ báo nhiệt. Khi có dấu hiệu bất thường, nên tắt máy, dừng xe mở nắp ca-pô kiểm tra. Trường hợp không tự xử lý được, nên gọi cứu hộ để đảm bảo an toàn cho cả chủ xe và các bộ phận trên ô tô.
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhung-nguyen-nhan-khien-dong-co-o-to-khong-tan-nhiet-duoc-post305559.html