Tai biến khi phẫu thuật thẩm mỹ: Những nguy cơ cần được lưu ý
Bên cạnh những lợi ích, phẫu thuật thẩm mỹ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tai biến nghiêm trọng, cần được người dân chú ý và cân nhắc kỹ lưỡng.
Trong những năm gần đây, phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành một xu hướng phổ biến, với nhiều người tìm kiếm cách cải thiện vẻ bề ngoài để tăng cường tự tin. |
Những tai biến phổ biến nhất khi phẫu thuật thẩm mỹ
Một trong những tai biến phổ biến nhất là phản ứng không mong muốn với thuốc gây mê. Việc gây mê không đúng cách có thể dẫn đến các vấn đề như suy hô hấp hoặc sốc.
Ngoài ra, nhiễm trùng cũng là một mối đe dọa lớn, có thể xảy ra nếu dụng cụ phẫu thuật không được tiệt trùng đúng cách hoặc trong quá trình hồi phục không được chăm sóc tốt.
Theo các chuyên gia y tế, mỗi loại phẫu thuật thẩm mỹ đều có những nguy cơ riêng. Ví dụ, trong phẫu thuật nâng ngực, có thể xảy ra tình trạng rò rỉ hoặc vỡ túi độn.
Trong phẫu thuật hút mỡ, có nguy cơ hình thành huyết khối, làm tắc nghẽn mạch máu, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Những biến chứng này không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý của bệnh nhân.
Nhiều người sau phẫu thuật thẩm mỹ có thể gặp phải vấn đề về sẹo, đặc biệt là ở những vùng nhạy cảm như mặt hoặc ngực.
Hơn nữa, không phải lúc nào kết quả phẫu thuật cũng đạt được như mong đợi. Nhiều trường hợp bệnh nhân cảm thấy thất vọng với hình ảnh sau phẫu thuật, dẫn đến trầm cảm hoặc lo âu.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai biến là lựa chọn bác sĩ không có đủ chuyên môn và kinh nghiệm. Việc tìm kiếm cơ sở thẩm mỹ không rõ nguồn gốc hoặc giá quá rẻ so với thị trường có thể dẫn đến những quyết định sai lầm và hậu quả nghiêm trọng.
GS-TS.Trần Thiết Sơn, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai), Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội cho biết, biến chứng trong làm đẹp là điều dễ gặp khi những kỹ thuật làm đẹp không được thực hiện bởi những bác sỹ được đào tạo chuyên nghiệp, không được thực hiện tại cơ sở được cấp phép. Những tai biến này làm xấu đi hình ảnh của ngành thẩm mỹ.
“Bất kỳ can thiệp nào cũng đều chứa rủi ro. Trong phẫu thuật thẩm mỹ, biến chứng thường gặp là nhiễm trùng, dị dạng, biến dạng ở vị trí thẩm mỹ, chảy máu và nguy hiểm nhất là tử vong”, GS.Sơn cho biết thêm.
Theo thống kê của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, tỷ lệ ca xảy ra biến chứng là 14%, tương đương 25.000 – 35.000 ca trên tổng số khoảng 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ hàng năm.
Các cơ sở y tế thời gian gần đây ghi nhận rất nhiều trường hợp tai biến thẩm mỹ do hậu quả của những spa “chui” này, hầu hết do tâm lý ham giá rẻ, tin vào những lời chèo kéo “ngọt ngào” trên mạng để rồi “tiền mất tật mang”.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ, 44 tuổi, vào cấp cứu sau khi tiêm thuốc tê để tiêm filler mũi tại một cơ sở thẩm mỹ chui.
Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi phản vệ độ III với Lidocain và được xử trí đồng thời theo cả hai phác đồ phản vệ và ngộ độc với thuốc tê, sử dụng vận mạch adrenalin và nhũ tương lipid 20% cùng các biện pháp hồi sức cấp cứu khác.
Bác sỹ Nguyễn Tiến Sơn, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trường hợp kể trên, bệnh nhân may mắn được cấp cứu đúng cách, kịp thời và tích cực nên tránh được những hậu quả đáng tiếc.
Tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, số ca tai biến do làm đẹp cấp cứu cũng có xu hướng tăng.
Còn tại Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, TS.Tống Hải, Chủ nhiệm Khoa Vi phẫu và Tái tạo cho biết, tại Trung tâm thời gian qua ghi nhận các trường hợp bệnh nhân đến điều trị sau khi gặp tai biến thẩm mỹ.
Các bệnh nhân thuộc 2 nhóm chính.
Nhóm đầu tiên là những trường hợp sử dụng dịch vụ bởi các bác sỹ tay ngang hoặc bác sỹ còn ít kinh nghiệm không tầm soát những biến chứng.
Nhóm hai là các trường hợp thực hiện tại spa, thẩm mỹ không phải là phòng khám, được thực hiện bởi các bạn nhân viên không phải là bác sỹ và nhân viên y tế. Nhóm này thường để lại những hậu quả di chứng khó có thể khắc phục.
Bác sỹ Hải nói rằng, ông rất lo ngại vì một số biến chứng có thể để lại di chứng lâu dài cho bệnh nhân, gây ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà còn đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Theo đó, nhiều bệnh nhân đến với tâm lý hoảng loạn và lo lắng khi gặp phải tai biến. Việc phải trải qua quá trình điều trị không chỉ tốn kém mà còn làm tổn thương tâm lý của người bệnh.
Thực tế phẫu thuật thẩm mỹ cũng giống như bất kỳ loại phẫu thuật nào đều có rủi ro. Các thủ tục thẩm mỹ có thể dẫn đến các biến chứng khác nhau, từ kết quả dao kéo không như ý, không tự nhiên, tới để lại sẹo, thậm chí tử vong.
Ngoài các rủi ro chung của phẫu thuật, theo bác sỹ Hải, các biến chứng liên quan đến gây mê là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong phẫu thuật thẩm mỹ. Nguy cơ là rất nhỏ nhưng vẫn có và đó là lý do vì sao bệnh nhân cần lựa chọn các cơ sở uy tín để thực hiện thẩm mỹ.
Làm thế nào để phẫu thuật đẹp mà an toàn
Để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ an toàn, chuyên gia khuyến cáo khách hàng nên tìm đến các phòng khám, trung tâm chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ – nơi có đội ngũ bác sỹ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại.
Những cơ sở này thường phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn. Những bệnh viện này thường có đội ngũ bác sỹ chuyên nghiệp và có khả năng xử lý các biến chứng nếu xảy ra.
Mọi người cũng nên tham khảo ý kiến từ bác sỹ chuyên khoa thẩm mỹ. Bác sỹ có thể tư vấn về các phương pháp, rủi ro, và giúp xác định phương pháp nào là phù hợp nhất với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của từng người.
Đồng thời, tìm hiểu về các thuốc, hoá chất, vật liệu cấy ghép khi đưa vào cơ thể có tác dụng chính là gì, tác dụng phụ không mong muốn, nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra. (Chú ý đến những thành phần có thể gây phản ứng dị ứng hay gặp, nơi sản xuất, thời hạn sử dụng…).
Trước hết bác sỹ phải được đào tạo chính quy có bằng cấp đại học, có chứng chỉ hành nghề, cần thêm học các chuyên khoa sâu (CKI, CKII, Thạc sỹ, Tiến sỹ), có kinh nghiệm và đủ thời gian thực hành 36 tháng (nếu làm tư nhân) làm trong bệnh viện cần có các bác sỹ hướng dẫn đảm bảo.
Thực hiện thành thục các kỹ năng chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ đạo đức y khoa, bảo vệ người bệnh, liên tục cập nhật kiến thức chuyên ngành chuyên sâu.
Với người dân đang có mong muốn làm đẹp theo bác sỹ Tống Hải, trước hết, nếu muốn phẫu thuật là người trưởng thành có đầy đủ năng lực hành vi và tự chịu trách nhiệm trước những quyết định của bản thân khi phẫu thuật thẩm mỹ:
Những người không nên phẫu thuật thẩm mỹ là người mắc các bệnh mãn tính nan y như suy tim, suy thận, xơ gan; mắc các bệnh máu (bạch cầu tủy cấp – mãn), thiếu máu kéo dài, đái tháo đường khó kiểm soát, rối loạn đông máu (duy trì thuốc liên tục); mắc các bệnh hệ thống đang trong thời kỳ tiến triển. Chẳng hạn người bị lupus ban đỏ, xơ cứng bì… khi phẫu thuật sẽ bùng phát gây nặng nề trầm trọng các bệnh lý.
Những người không ổn định về tâm lý, rối loạn trầm cảm lo âu, tâm thần phân liệt hoặc phụ thuộc vào các chất kích thích kéo dài cũng chống chỉ định.
Nguồn: https://baodautu.vn/tai-bien-khi-phau-thuat-tham-my-nhung-nguy-co-can-duoc-luu-y-d227340.html