Cuối tuần qua, tại Đường sách TPHCM, Thái Hà Books đã tổ chức giao lưu ra mắt ấn phẩm Tiếng Việt ân tình (NXB Thế giới). Đây được xem như một sự tiếp nối trong việc khơi dậy tình yêu tiếng Việt đến bạn đọc từ các tác giả trẻ.
Cách tiếp cận gần gũi
Tác giả của Tiếng Việt ân tình là Lê Trọng Nghĩa (sinh năm 1995), cũng là người quản lý của trang mạng xã hội “Tiếng Việt giàu đẹp”. Với 340 trang, hơn 140 mục từ, ấn phẩm này không khai thác quá sâu về một đề tài, cũng cũng không đi vào chi tiết với những lý luận chặt chẽ, khô khan, mà chỉ cố gắng trình bày ngắn gọn, súc tích nhất có thể, đủ cho người đọc cảm thấy hứng thú và nếu cần, họ sẽ tự tìm hiểu thêm.
Ngoài Lê Trọng Nghĩa, thời gian qua, một số tác giả trẻ cũng dành mối quan tâm đến tiếng Việt, trong số đó, tác giả Thùy Dung được biết đến đầy năng nổ và tâm huyết. Ngoài viết bài cho trang “Ngày ngày viết chữ”, đến nay chị đã xuất bản 4 ấn phẩm về ngôn ngữ, gồm: Từ vay hay dùng, Chữ xưa còn một chút này, Hôm nay phải mở mang và gần đây là Cổ mỹ từ, tập hợp những từ có sắc thái cổ, ý nghĩa đẹp nhưng hiện nay ít dùng.
Với mong muốn khơi dậy tình yêu tiếng Việt, khuyến khích tinh thần học hỏi và nâng cao hiểu biết, khả năng sử dụng tiếng Việt, đặc biệt với bạn đọc trẻ, NXB Kim Đồng đã thực hiện loạt sách mang tinh thần “Tiếng Việt mến yêu” với các tựa sách tiêu biểu: Chuyện kể thành ngữ, Vào đời bằng lời ca dao, Chuyện kể thành ngữ Anh – Việt, Từ vay hay dùng, Miền Tây lạ lắm à nghen, Sống cùng nước… và mới đây nhất là Từ những tên riêng. Đa phần tác giả của các ấn phẩm này có tuổi đời còn trẻ, từ thế hệ 8X trở về sau.
Tất cả ấn phẩm trong loạt sách này đều thể hiện dưới hình thức sách tranh hoặc sách in màu kèm minh họa, phần mỹ thuật của sách được chăm chút kỹ lưỡng. Việc đầu tư chất lượng cho loạt sách này cho thấy sự quan tâm của NXB Kim Đồng đến việc học hỏi và rèn luyện tiếng Việt. Hình thức sách hấp dẫn, đẹp mắt còn giúp sách dễ dàng tiếp cận công chúng, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi.
Anh Phan Cao Hoài Nam, biên tập viên của NXB Kim Đồng, người phụ trách loạt sách “Tiếng Việt mến yêu”, cho biết: “Các tác phẩm trong dòng sách này không chỉ giúp bạn đọc hiểu rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của các từ ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tên riêng, lối ví von… mà còn hướng dẫn cách sử dụng chúng một cách chính xác, linh hoạt trong cả giao tiếp hàng ngày và trong việc viết lách”.
Ngoài ra, theo anh Hoài Nam, các tựa sách trên còn đào sâu khám phá các khía cạnh văn hóa phong phú, đa dạng của tiếng Việt. Mỗi từ ngữ, thành ngữ đều đi kèm với các sự tích, truyền thuyết, lịch sử… đầy bất ngờ và thú vị. Bạn đọc sẽ được khám phá những câu chuyện hấp dẫn, đáng ngạc nhiên ẩn chứa trong mỗi từ ngữ, mở ra góc nhìn mới về văn hóa Việt Nam.
Góp phần lan tỏa tình yêu tiếng Việt
Thông thường, khi nói đến công việc nghiên cứu, biên soạn về ngôn ngữ, độc giả thường mặc định đó phải là những chuyên gia, những nhà nghiên cứu lão làng. Tuy nhiên, theo anh Hoài Nam, loạt sách mà NXB Kim Đồng đã và đang thực hiện mang đậm tính thực tiễn, gần gũi với thẩm mỹ đọc sách của bạn đọc ngày nay. Do đó, tác giả có thể là các chuyên gia, tác giả nhiều kinh nghiệm lẫn tác giả trẻ có khả năng. Nội dung sách phù hợp với hầu hết các độ tuổi và gu đọc. Bạn đọc sẽ tìm thấy những từ ngữ xưa cũ, hiếm gặp, ít dùng lẫn các từ ngữ mới mẻ, hiện đại, gần gũi.
Ngoài ra, các tựa sách cũng theo dõi, phản ánh sự biến đổi không ngừng của tiếng Việt nói chung, đặc biệt là trong thời đại mạng xã hội. Các tác giả trẻ, là những người sống và hoạt động trong môi trường mạng, sẽ đóng góp vào sách những ý tưởng tươi mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc hiện đại. “Về lâu dài, chúng tôi mong muốn thu hút thêm nhiền cây bút tài năng, đóng góp đa dạng hơn về đề tài, phong cách, có thêm nhiều tựa sách hấp dẫn và đặc sắc về tiếng Việt”, anh Hoài Nam cho biết.
Còn theo nhà thơ Lê Minh Quốc, việc có thêm những bạn trẻ tham gia viết sách về tiếng Việt bên cạnh những chuyên gia là một điều rất đáng mừng. Các bạn trẻ có cách tiếp cận của họ, có cách diễn đạt riêng cho các bạn đồng lứa hiểu và yêu tiếng Việt hơn. Chúng ta cần ghi nhận đó là một cách lan tỏa tình yêu tiếng Việt.
Nhà thơ Lê Minh Quốc nói thêm: “Tất nhiên, không phải ai cũng có thể nghiên cứu và viết đúng về tiếng Việt, việc này đòi hỏi cần có một quá trình. Nhưng trước hết chúng ta ghi nhận, ủng hộ việc làm này từ các bạn trẻ. Những ấn phẩm viết về tiếng Việt nếu có vấn đề này, vấn đề kia chưa đúng thì chúng ta sẽ chỉnh sửa”.
Theo biên tập viên Phan Cao Hoài Nam, NXB Kim Đồng, mạng xã hội bùng nổ đã tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của tiếng Việt, cả tích cực lẫn tiêu cực. Một trong những điểm đáng chú ý là tình trạng dùng pha trộn từ, sai từ, sai nghĩa trong tiếng Việt. Nhưng đồng thời, nhu cầu của độc giả muốn hiểu đúng, dùng đúng tiếng Việt cũng lớn hơn bao giờ hết. Những cuốn sách về tiếng Việt của chúng tôi mong muốn góp phần đáp ứng nhu cầu ấy, trở thành một kênh tham khảo về tiếng Việt đáng tin cậy, hữu ích, kịp thời. Từ đó góp phần bảo tồn và phát triển tiếng Việt, cũng chính là góp phần bảo vệ và xây dựng văn hóa dân tộc. Đây là nhiệm vụ quan trọng của những người làm sách nói chung.
HỒ SƠN