Có những người trẻ nguyện dành cả thanh xuân để sống và làm việc vì cộng đồng; mong ước lớn nhất của họ không dành cho bản thân mà hướng về những điều tốt đẹp cho xã hội. Với họ, sống vì cộng đồng là sứ mệnh cao quý của thanh niên.
Trong chương trình giao lưu trực tuyến “Tuổi trẻ Việt Nam – Những câu chuyện đẹp” với chủ đề “Hành trình lan tỏa những giá trị tốt đẹp” do T.Ư Đoàn chỉ đạo triển khai, Báo Thanh Niên tổ chức thực hiện, bạn trẻ khắp mọi miền đất nước được nghe kể và giao lưu về câu chuyện của những người trẻ sống đẹp.
Nếu mình không làm thì ai sẽ làm ?
Với câu hỏi và cũng là lời tự nhắc nhở bản thân ấy, các bạn trẻ này đã góp cho đời những câu chuyện thật đẹp.
Nguyễn Ngọc Ánh, sáng lập viên cộng đồng Xanh Việt Nam, từng nghĩ mình chỉ là một cô gái bé nhỏ, bình thường thì đâu thể làm được việc lớn lao cho cộng đồng. Thế rồi trong một lần du lịch ở Vũng Tàu, thấy các em nhỏ xây lâu đài rất lớn trên bãi biển nhưng không phải bằng cát mà bằng rác, Ngọc Ánh thắc mắc: “Tại sao các em lại xây lâu đài bằng rác như vậy?”, thì các bé đáp lại rất ngây thơ: “Tụi em thấy gì thì xây vậy thôi”.
Lúc đó, Ngọc Ánh chợt nghĩ: “Nếu mình không làm thì ai sẽ làm? Nếu hôm nay không hành động thì biết đến khi nào?”. Và cô bạn bắt đầu hành trình đó bằng việc thay đổi những thói quen hằng ngày như không dùng ống hút nhựa, mang theo giỏ đi chợ…
Từ những hành động nhỏ đó, Ánh nuôi dưỡng tình yêu môi trường và sáng lập nên Xanh Việt Nam. Lúc đầu chỉ vài chục người, rồi lên đến hàng trăm, hàng ngàn và hiện nay là hơn 100.000 thành viên. Điều làm Ánh hạnh phúc nhất là có một chiến dịch lớn đã được Xanh Việt Nam tổ chức và trong 1 ngày, ở 63 tỉnh thành, các đảo của VN, hơn 120.000 bạn trẻ VN và bạn bè các nước cùng mặc áo in cờ đỏ sao vàng tham gia nhặt rác, trả lại màu xanh cho môi trường. Trong ngày hôm đó, hơn 700 tấn rác đã được dọn.
“Những chiến dịch như vậy đã truyền cảm hứng rất lớn cho người trẻ, bắt đầu với những hành động nhỏ như dọn rác xung quanh mình”, Ánh hạnh phúc kể.
Còn với thiếu úy, bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (Bệnh viện Quân y 175), hành trình sống đẹp bắt đầu từ việc không ngừng trau dồi kiến thức và đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Những nghiên cứu hướng tới góp phần nâng cao chất lượng, làm sao để ngành y tế TP.HCM cũng như cả nước tiến gần hơn với chất lượng y tế thế giới. Đồng thời áp dụng được vào thực tiễn để giải quyết những bài toán về y tế cộng đồng, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe…
Đối mặt áp lực dường như mỗi ngày, tới khi “xả stress”, nữ bác sĩ quân y cũng nghĩ đến những việc có ích cho cộng đồng. Bác sĩ Nguyệt Thanh kể: “Mình rất thích trẻ con nên cuối tuần dành thời gian dạy tiếng Anh cho các em khó khăn tại nơi mình sinh sống. Đó cũng là cách để cân bằng cuộc sống vì chơi với trẻ con mình thấy rất vui”.
Và khi nghe câu chuyện của anh Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.HCM, Đội trưởng Đội tuần tra hỗ trợ giao thông Hướng Nam, mọi người gọi anh là “người hùng trong đại dịch Covid-19”.
Trong thời điểm dịch bệnh nguy hiểm nhất, anh cùng đồng đội đã làm những công việc ít ai dám làm, trong đó có vận chuyển tử thi bệnh nhân Covid-19. Một nhiệm vụ không chỉ đòi hỏi sự dũng cảm mà còn là sự hy sinh, bởi trực tiếp đối mặt với hiểm nguy.
Khi được hỏi những lúc đó có sợ không, anh Hoàng Anh liền nói: “Nếu nói sợ thì thành viên trong đội ai cũng sợ. Nhưng khi đó nhiệt huyết của thanh niên dâng cao nên mọi người động viên nhau quyết tâm làm. Và khi bắt tay vào làm, có những thời điểm nảy sinh nỗi sợ thì mọi người nắm tay nhau tạo thành sợi dây liên kết”.
Và kỷ niệm đáng nhớ thời điểm đó với anh Hoàng Anh là: “Có lần tôi chuyển một nạn nhân đã mất vài ngày trên một gác nhỏ. Bằng động lực nào đó, chỉ một mình tôi vẫn có thể vác nạn nhân từ trên gác xuống dưới. Giờ ngồi nghĩ lại vẫn không hiểu tại sao lúc đó mình có thể làm được”.
Dành ước mơ cho hạnh phúc của cộng đồng
Làm việc vì cộng đồng, những người trẻ này cũng gặp không ít khó khăn và thách thức. Với Ngọc Ánh thì khó khăn là khi tham gia nhặt rác phải đối mặt với nhiều nguy cơ như ô nhiễm, mùi hôi thối, ngoài ra là phải hy sinh làn da, quỹ thời gian của mình. Tuy nhiên Ánh khẳng định: “Thời gian hiện tại của mình dành cho cộng đồng nhiều hơn là bản thân”.
Ánh cũng cho biết khi cô làm công việc này, có nhiều người bảo là “bao đồng”, nói ra nói vào. Với Ánh thì chuyện này không quá khó khăn để vượt qua nhưng không phải bạn trẻ nào cũng được như vậy. Ánh cho rằng: “Làm những công việc này phải trang bị cho mình một tinh thần thật tốt. Luôn xác định tâm thế là mong muốn mình được làm chứ không phải làm để được ghi nhận”.
Không chỉ miệt mài trên hành trình sống vì cộng đồng, các bạn trẻ còn chú trọng lan tỏa điều tích cực để cùng nhau nhân lên những câu chuyện đẹp. Với nữ bác sĩ Nguyệt Thanh thì cô lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp với chính người thân của mình và sau đó đến cộng đồng ở quy mô nhỏ như khu phố, nơi làm việc…
“Chỉ cần mỗi người lan tỏa được với 10 người thôi thì câu chuyện đẹp sẽ được nhân lên rất nhiều. Từ những cộng đồng nhỏ, dần dần sẽ lan tỏa cho toàn xã hội. Như trong đại dịch Covid-19, ban đầu mình rủ gia đình làm tấm chắn chống giọt bắn, sau đó cả khu phố cùng làm và lan rộng mô hình tới những địa bàn khác trong thành phố”, bác sĩ Nguyệt Thanh chia sẻ.
Khi được hỏi về ước mơ, nữ bác sĩ thổ lộ: “Mình mong ước mọi người khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc. Khỏe mạnh ở cả sức khỏe tinh thần lẫn sức khỏe thể chất. Cũng kỳ vọng là thời gian tới VN sẽ là một quốc gia khỏe mạnh và có chỉ số hạnh phúc nằm trong top của thế giới”.
Còn mong ước của Ngọc Ánh là sớm… thất nghiệp. Vì khi đó môi trường đã được trong lành, không còn rác thải và ô nhiễm. Để ước mơ ấy thành sự thật, Ngọc Ánh cho biết trong thời gian tới cộng đồng Xanh Việt Nam dự định có thêm nhiều giải pháp bền vững cho môi trường, trong đó chủ yếu hướng đến việc chia sẻ, tuyên truyền, lan tỏa cảm hứng đến người trẻ, học sinh, sinh viên trên cả nước về tình yêu môi trường. “Khi mà số lượng người dọn rác nhiều hơn số người xả rác thì VN sẽ nhanh xanh, sạch, đẹp”, Ánh tâm niệm.
Còn mong muốn lớn nhất của anh Hoàng Anh là ai cũng có kỹ năng sơ cấp cứu để bảo vệ bản thân và giúp đỡ những người xung quanh. “Thời gian tới, mình và đồng đội sẽ tiếp tục chia sẻ và tuyên truyền về văn hóa giao thông cho mọi người. Mình tin khi tuyên truyền nhiều hơn thì sẽ cải thiện, nâng cao ý thức của người dân”, Hoàng Anh nói.