(Dân trí) – Sống làm việc giữa đại ngàn Cúc Phương, các kiểm lâm luôn trong cảnh không điện, không sóng điện thoại, không internet. Họ xem rừng là ngôi nhà thứ 2, bám trụ ngày đêm canh giữ cho rừng già mãi xanh.
Vườn Quốc gia Cúc Phương có diện tích hơn 22.400ha nằm trên địa bàn 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Vườn có hệ động thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới.
Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây. Vì thế, công tác bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên này trong hàng chục năm qua luôn được đặt lên hàng đầu.
Cách đây 60 năm, Vườn Quốc gia Cúc Phương được thành lập, đây cũng là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. Lực lượng kiểm lâm nơi đây cũng được thành lập và hoạt động song hành để bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng đặc biệt này.
Lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết, Hạt Kiểm lâm của vườn hiện có 12 Trạm Kiểm lâm nằm rải rác xung quanh khu vực vùng đệm, 1 Trạm Kiểm lâm cơ động.
Toàn Hạt hiện có tổng số 52 Kiểm lâm viên, trực tiếp quản lý bảo vệ 22.408ha. Tại khu vực tỉnh Ninh Bình có 5 Trạm Kiểm lâm; Hòa Bình 3 Trạm; Thanh Hóa 4 Trạm và 1 Trạm cơ động.
Phần lớn các cán bộ Kiểm lâm của Vườn Quốc gia Cúc Phương đều công tác xa nhà, xa gia đình, vợ con. Có những người gắn bó với rừng già 20 năm qua, xem rừng như “ngôi nhà thứ 2” của mình. Họ sinh sống, làm việc, bám trụ ở rừng để canh giữ, bảo vệ cho cánh rừng mãi xanh tươi.
Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, vườn có 2 Trạm Kiểm lâm nằm trong khu vực vùng lõi của rừng không có điện, không sóng điện thoại và không internet là Trạm Số 1 (Trạm Đăn) và Trạm số 9 (Trạm Đang). Vì thế, các cán bộ Kiểm lâm sống và làm việc tại hai trạm này gặp nhiều khó khăn.
Nằm cách cửa rừng khoảng 15km, Trạm Kiểm lâm số 1 (hay còn gọi là Trạm Đăn) nằm lọt giữa những cây rừng cổ thụ, xung quanh phủ kín màu xanh ngút ngàn. Trạm không có điện lưới, không sóng điện thoại, không mạng internet. Vì thế, các kiểm lâm viên nơi đây không thể nắm bắt các thông tin thời sự hằng ngày.
Ông Đỗ Tiến Dũng (SN 1969) – Trạm trưởng Trạm Đăn cho biết, ông công tác tại trạm đến nay hơn 20 năm, cũng chừng ấy thời gian sống quen với cảnh “3 không”.
“Do không có điện nên chúng tôi chủ yếu dùng đồ khô làm thức ăn, có thực phẩm tươi rất khó bảo quản nên chỉ sử dụng trong ngày. Những ngày nắng nóng, không có quạt điện, anh em rủ nhau ra suối ngồi cho mát, việc nấu nướng chủ yếu dùng bếp củi hoặc bếp ga”.
Khó khăn là thế, song các cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Cúc Phương luôn hoành thành tốt các nhiệm vụ được giao. Ông Dũng chia sẻ thêm, trạm có 6 cán bộ, được giao quản lý, bảo vệ hơn 7.000ha rừng.
Hiện nay mức độ xâm hại tài nguyên rừng ở Cúc Phương đã được kiểm soát tốt, an ninh rừng được đảm bảo. Vì thế, các cán bộ kiểm lâm hiện nay chủ yếu giám sát các hoạt động của khách du lịch để khách không tác động đến môi trường.
Ngoài việc giữ rừng, các cán bộ Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương còn thường xuyên gần gũi với người dân sống ở vùng đệm, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên vốn có như: nuôi ong lấy mật từ hoa rừng, phát triển du lịch dựa vào hệ sinh thái rừng, trồng các loại cây đem lại lợi nhuận kinh tế cao…
Nội dung: Thái Bá
Ảnh: Vườn Quốc gia Cúc Phương
Dantri.com.vn