(Dân trí) – Ở lòng hồ thủy lợi Cửa Đạt (Thanh Hóa) có 50 lao động làm nghề chăm sóc cá lồng thuê. Nghề “bảo mẫu” cho cá này tuy lênh đênh theo dòng nước nhưng mang lại thu nhập tương đối ổn định.
Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa hơn 50km về phía Tây, hồ chứa nước Cửa Đạt tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa là hồ thủy lợi và thủy điện lớn. Hồ Cửa Đạt có dung tích 1,45 tỷ m3 nước, diện tích mặt hồ rộng 31km2.
Những năm qua, với cảnh quan đẹp, làn nước trong xanh, ngoài việc phục vụ thủy lợi và thủy điện, hồ Cửa Đạt đang được khai thác phát triển nghề nuôi cá lồng gắn với dịch vụ du lịch tham quan.
Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân, hiện nay tại hồ Cửa Đạt có 138 lồng nuôi cá, ước tính sản lượng hơn 250 tấn cá/năm, tổng doanh thu hơn 25 tỷ đồng.
Nghề nuôi cá lồng ở hồ Cửa Đạt không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hiện tại ở đây có 50 lao động thường xuyên và 35 lao động thời vụ làm công việc chăm, nuôi cá lồng thuê.
Công việc chăm cá lồng có thu nhập ổn định nhưng đòi hỏi những lao động làm nghề này phải có sức khỏe, kinh nghiệm sông nước và đặc biệt là nắm vững các kỹ thuật chăm sóc cá.
Đã có thâm niên trong nghề chăm sóc cá ở hồ Cửa Đạt, anh Vi Văn Hà (35 tuổi, trú tại xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân) hiện là “bảo mẫu” chăm sóc 20 lồng cá của Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt.
Công việc thường ngày của anh Hà là chăm sóc, cho đàn cá ăn, mỗi ngày anh cho cá ăn 3 lần. Anh Hà cho biết, cá được nuôi ở hồ Cửa Đạt chủ yếu là cá lăng và cá diêu hồng. Ngoài cho cá ăn, anh Hà thường xuyên theo dõi nguồn nước, thói quen sinh hoạt của đàn cá.
Theo anh Hà, công việc chăm sóc cá vô cùng vất vả, đặc biệt vào những ngày mưa bão. “Đặc thù của nghề là lênh đênh theo dòng nước, chúng tôi ở dưới nước nhiều hơn trên bờ. Có những hôm mưa to, gió lớn, nước mặt hồ nổi sóng khiến cả lồng bè và khu chòi ở của tôi lắc lư. Ngày nắng thì hơi nước từ mặt hồ bốc lên, rất nóng nực.
Tuy nhiên, thời tiết thất thường cũng là lúc người chăm cá phải thường xuyên theo dõi để xem lồng cá có bị hư hỏng, lưới có bị rách hay không, sức khỏe của con cá có bị ảnh hưởng, để kịp thời xử lý”, anh Hà chia sẻ.
Cũng theo anh Hà, cá ở lòng hồ thủy điện Cửa Đạt thường hay mắc các bệnh như xơ mang, nấm da. Những người nuôi cá phải nắm vững các kỹ thuật để thường xuyên kiểm tra, có phác đồ điều trị kịp thời mỗi khi cá mắc bệnh.
Ngoài việc cho cá ăn, chăm sóc nguồn nước cũng là công việc hết sức quan trọng. Vào những hôm trời nắng nóng, anh Hà phải túc trực xử lý nguồn nước, lắp máy bổ sung oxy cho đàn cá.
Đặc thù nghề lênh đênh trên hồ, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của những người chăm sóc cá lồng thiếu thốn đủ bề. Họ chủ yếu dùng điện năng lượng mặt trời. Ngoài thiếu thốn trong sinh hoạt, người nuôi cá lồng còn chịu nhiều áp lực về tinh thần.
“Do công việc ở dưới sông nước nên ít khi chúng tôi về nhà. Có những đêm, một mình ngồi ở chòi mà nhớ nhà, nhớ gia đình. Những lúc như vậy, tôi thường gọi điện về hỏi thăm gia đình”, anh Hà tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt, cho biết, mỗi khu nuôi cá lồng sẽ có từ 1 đến 3 lao động làm công việc chăm sóc, cho cá ăn. Mỗi lao động sẽ được chu cấp thực phẩm ăn uống hàng ngày, mức lương cố định trung bình 7 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay trên lòng hồ Cửa Đạt có 50 lao động làm việc thường xuyên. Công việc chăm, nuôi cá lồng tuy vất vả nhưng đem lại nguồn thu nhập ổn định.