Đã vài năm nay, khi đi chúc Tết họ hàng, Mai Phương dừng lại ở đám cháu đang chơi trong sân, hỏi han, chơi đùa với chúng chứ không lì xì.
“Có những cháu vẫn vui vẻ, bám chân, bám cổ tôi. Có đứa không vui, nhưng tôi không quan tâm”, cô gái 28 tuổi ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nói.
Trước đây, Mai Phương luôn coi những bao lì xì đỏ mang ý nghĩa cầu chúc năm mới bình an, may mắn. Song một lần cháu trai 10 tuổi xé bao lì xì ngay trước mặt và chê “ruột ít” vì tờ 50.000 đồng vài năm trước, cô thay đổi quan điểm.
“Tôi cảm thấy tục lì xì ngày nay đã mất đi vẻ đẹp vốn có. Người nhận trông chờ mệnh giá tiền lớn, trong khi người đi trao cũng áp lực, sợ bị đánh giá keo kiệt, tài chính yếu”, Phương nói. Cô quyết định không lì xì tiền hay hiện vật cho bất kỳ ai, kể cả người thân. Phương cho rằng khi giá trị và thành ý gửi trong bao lì xì lệch bản chất thì không cần giữ.
Ở TP HCM, Tết Giáp Thìn là năm thứ ba Phương Thảo, 32 tuổi, không lì xì. Nữ nhân viên văn phòng giải thích việc này là áp lực. Mừng ít bị đánh giá là “keo”, nhưng mỗi phong bao để 50.000 đồng trở lên cô không đủ khả năng bởi gia đình có đến 30 cháu nhỏ, chưa kể hàng chục trẻ con của hàng xóm, bạn bè.
Mỗi lần về Tết cô phải chi 10 triệu đồng tiền vé máy bay, quà cáp. Nếu phải thêm 2-3 triệu tiền mừng tuổi thì chỉ có vay nợ bởi lương mỗi tháng 8 triệu đồng. “Hai năm nay tôi còn không có thưởng Tết”, Thảo nói.
Thảo thuộc nhóm 74% số người coi mừng tuổi là áp lực tài chính khi Tết có nhiều khoản phải chi trong khảo sát hơn 1.000 độc giả của VnExpress. Chỉ 26% cảm thấy hào hứng, vui vẻ với truyền thống này.
Phó giáo sư Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết lì xì nguồn gốc từ chữ “lợi thị”, tức phần lợi nhuận được sinh ra trong quá trình kinh doanh, buôn bán. Hàng năm những nhà buôn trích một phần lợi nhuận lì xì cho con trẻ. Người nông dân xưa không có lì xì. Vài chục năm trở lại đây, khi kinh tế phát triển, tục lì xì mở rộng ra nhiều tầng lớp nhân dân.
“Nguyên tắc của lì xì là tiền mới, mệnh giá nhỏ”, nhà văn hóa nói.
Tuy nhiên từ một phong tục đẹp, nay đã bị biến tướng, lợi dụng, thậm chí trở thành tệ nạn đến mức khiến một số người tài chính hạn chế bị áp lực, không dám về quê, hoặc về mà không dám đi chúc Tết.
“Vốn là chuyện nhỏ, nhưng lì xì đang gây hậu quả lớn. Ví dụ tạo ra tâm lý thích tiền ngày Tết và coi trọng đồng tiền của một bộ phận trẻ em hay là dịp gia đình giàu có khoe ảnh hưởng, vị thế; còn là sự so bì giá trị phong trào, tạo ra tâm lý xấu cho trẻ”, phó giáo sư Bùi Xuân Đính nói.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (TP HCM) cho biết tâm lý “sợ lì xì” có thể hiểu được do vài năm nay kinh tế tăng trưởng chậm, thu nhập giảm, nhiều lao động mất việc, khiến khoản tiền mừng này có thể trở thành gánh nặng. Bên cạnh đó, tâm lý sợ bị đánh giá, không vượt qua áp lực từ dư luận khiến nhiều người cố gắng phải tăng mệnh giá.
“Chính bởi việc không biết liệu cơm gắp mắm, cân đối với tài chính của bản thân mà chỉ chú tâm đến tính sĩ diện khiến nhiều người buộc phải chi nhiều tiền cho các khoản mừng tuổi, thậm chí vượt quá thu nhập”, bà Minh nói.
Trong một khảo sát khác của VnExpress năm 2023, 11% người được hỏi nói phải chi trên 30% lương trung bình hàng tháng cho mừng tuổi, 19% chi từ 10-30% và nhóm chi dưới 10% lương trung bình hàng tháng là 70%.
Khi mệnh giá tiền trong bao lì xì được kỳ vọng tăng cao, ngược lại thu nhập sụt giảm khiến nhiều người nảy sinh tâm lý ngại hoặc trốn gặp họ hàng, bạn bè. “Hoặc có những người trẻ chọn cách đối diện, vẫn đi chúc Tết nhưng không lì xì”, bà Minh nói.
Như với Phương Thảo, để tránh những ánh mắt trông chờ từ trẻ nhỏ, sợ bị người lớn đánh giá, suốt 5 ngày nghỉ cô chỉ ở trong phòng, trốn gặp mọi người nhằm “bảo toàn” số tiền lương, thưởng ít ỏi.
Còn với Mai Phương, quyết định không lì xì trẻ nhỏ khi gặp mặt khiến cô gái trẻ bị người lớn chỉ trích keo kiệt, đi ngược lại giá trị văn hóa.
“Tôi luôn muốn duy trì nét văn hóa ý nghĩa, trao gửi lời chúc đầu năm, nhưng nếu mọi người xung quanh đang thay đổi, ý nghĩa tốt đẹp ban đầu bị biến tướng thì không cần miễn cưỡng làm theo”, Phương nói.
Ủng hộ việc không mừng tuổi của những thanh niên này, song ông Đính cho biết việc bị áp lực hoặc bỏ lì xì không hẳn đúng, bởi ngày Tết là cơ hội để gặp nhau đoàn viên, hàn huyên chứ không phải để lì xì, biếu xén, nịnh nợ. Nó không nằm ở số tiền mừng, mà nằm ở thiện chí, ý nghĩa tốt đẹp, nên có thể làm theo khả năng của bạn.
“Quan trọng nhất các bố mẹ phải phải nhắc nhở con cái hiểu đúng về bản chất của lì xì, đó là sự động viên nhau, chúc cho đứa trẻ mạnh khỏe, học hành tấn tới”, ông Đính nói.
Phan Dương – Quỳnh Nguyễn