Tôi quyết định theo chân lực lượng kiểm lâm (LLKL) Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên trong một chuyến tuần tra, bởi bị thôi thúc vì câu chuyện còn nóng hổi. Đó là vào đầu tháng 3.2023, một nhóm săn bắt thú rừng đã liều lĩnh tấn công gây thương tích cho 4 KL viên (KLV) VQG Cát Tiên. Trước đó mấy ngày, một KLV tại đây cũng bị một nhóm lâm tặc chặn xe hành hung gây thương tích nặng.
Đường tuần tra gian nan
5 giờ rưỡi sáng, anh Nguyễn Văn Bình, Trưởng trạm KL cơ động (Hạt KL VQG Cát Tiên), đã gọi điện giục tôi chuẩn bị theo nhóm vào rừng tuần tra và nhắc: “Nhà báo phải ăn sáng thật no để có sức đi rừng”. Hơn 6 giờ tôi đến trạm KL, mọi người đã nai nịt chỉnh tề và chuẩn bị hành trang đầy đủ. Hôm nay khu vực tuần tra là lô 11, thuộc tiểu khu 42. Anh Bình cho biết VQG Cát Tiên có rất nhiều động vật hoang dã (ĐVHD), trong đó có những loài nằm trong diện nguy cấp cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Vì vậy, bên cạnh công tác bảo vệ rừng nói chung, bảo vệ ĐVHD là công việc thường xuyên của LLKL.
Từ trạm KL cơ động, tổ tuần tra gồm 5 người được trang bị công cụ, vũ khí cần thiết lên xe máy xuất phát. Ngồi xe tầm 5 km, đến vị trí đã lên kế hoạch, xe máy được đem giấu ở bìa rừng, mọi người bắt đầu hành trình cuốc bộ xuyên rừng. “Có thể gặp lâm tặc tấn công. Nhưng anh đừng lo, sẽ có chúng em bảo vệ”, KLV Chìu Văn Hai, người vừa bị những kẻ săn thú tấn công gây thương tích nặng mới đây, trấn an tôi.
Anh Bình nói chọn khung giờ ban ngày và quãng đường tuần tra xuyên rừng tầm 10 km như hôm nay là vì không muốn “hành nhà báo”. Dù vậy, với tôi chuyến đi này cũng đã rất vất vả rồi. Rừng nguyên sinh Cát Tiên cây cối um tùm ken kín lối đi. Tổ tuần tra phải vạch cây, luồn lách, vượt địa hình gập ghềnh để đi. Ai nghĩ ở giữa rừng mát mẻ thì lầm to. Mùa nóng, trong rừng không một chút gió, nên ai cũng mồ hôi đầm đìa. Có lẽ do toát mồ hôi quá nhiều, tôi đột ngột bị tụt huyết áp. Nhờ thủ sẵn gói điện giải và mấy viên sâm Ngọc Linh để dùng mà tôi nhanh chóng hồi phục sức khỏe để tiếp tục hành trình. “Chuyến tuần tra hôm nay có xi nhê gì so với nhiều chuyến tuần tra suốt đêm, hoặc tuần tra dài 3-4 ngày, quãng đường đi bộ có thể hàng chục cây số đường rừng. Những chuyến đi đó phải mang theo gạo, cá khô, thịt ướp muối vào rừng nấu ăn. Đêm xuống mắc võng ngủ giữa rừng để mai phục lâm tặc. Trúng mùa mưa, muỗi, vắt, đường trơn trượt, leo dốc, lội suối… thì càng vất vả”, Hoan, KLV sinh năm 1995, cho biết.
Đi được chừng 4 km, tổ tuần tra phát hiện dấu vết khả nghi. Nhìn những dấu chân in trên đám lá mục, tàn thuốc, các nhánh cây bị bẻ…, anh Nguyễn Văn Bình nhận định: “Đây là dấu vết của bọn săn bắt thú rừng, nhưng có lẽ họ đi lâu rồi. Nhìn vết tích những cành cây bị bẻ thì biết”. Tuy nhiên, tổ tuần tra vẫn cảnh giác cao độ. Dưới sự chỉ huy của trưởng trạm, họ thận trọng lần theo dấu vết và trong tư thế sẵn sàng đối phó với lâm tặc.
Đối mặt hiểm nguy
Gian nan, vất vả trong những chuyến tuần tra bảo vệ rừng, bảo vệ ĐVHD đã là mặc định đối với LLKL. Chàng KL mới 24 tuổi Lại Trung Kiên còn ví von “chuyện đó nhỏ như con thỏ”. Đối diện những hiểm nguy bất ngờ mới thực sự là chuyện lớn khó quên.
Đầu năm 2023, tổ tuần tra thuộc trạm KL Đà Lắc đã trải nghiệm “cảm giác mạnh” khi đối diện với một con bò tót đực hung dữ. Lần đó, sau khi tuần tra xong, tổ tuần tra ra bìa rừng lấy xe máy khởi động chuẩn bị về thì bất thình lình một con bò tót với cặp sừng nhọn hoắt từ đâu chạy tới phi thẳng vào. Rất may hai KLV kịp quăng xe chạy vào rừng ẩn nấp. “Người bảo toàn được tính mạng nhưng chiếc xe máy thì tan tành”, KLV Chìu Văn Hai kể.
Chuyện bị bò tót ở VQG Cát Tiên tấn công không phải là hy hữu, và không phải lần nào LLKL cũng có thể thoát nạn. Các KLV ở đây kể lại một đồng nghiệp của họ ở Trạm KL Sa Mách từng bị bò tót húc gãy xương đùi.
Chuyện bị voi khủng bố tinh thần, thậm chí tấn công cũng không phải hiếm. Các chuyến tuần tra dài ngày, phải ngủ trong rừng và phục đêm để bắt lâm tặc ở những khu vực có voi rất nguy hiểm. “Voi đi rất nhẹ nhàng khi vào lán trại của LLKL. Nếu không cảnh giác, chúng sẽ phá lán để lấy thức ăn của anh em. Có khi chúng còn rượt đuổi anh em chạy té khói”, KLV Nguyễn Văn Tuấn cho biết. Mới năm ngoái, trong chuyến tuần tra dài ngày, một nhóm KL đã phải nhịn đói vì một con voi đực. “Nó lù lù tiến đến trạm dừng chân của đội tuần tra. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, nên cả đội hô nhau chạy. Khi quay lại thì voi đã làm hư hết tăng, võng và ăn hết gạo, muối, thức ăn rồi”, Tuấn kể.
VIỆC NẶNG, LƯƠNG THẤP
Anh Nguyễn Văn Bình, Trưởng trạm Kiểm lâm cơ động Hạt kiểm lâm VQG Cát Tiên, cho biết nghề kiểm lâm rất vất vả và đối diện nhiều hiểm nguy tiềm ẩn. Anh em kiểm lâm ở VQG Cát Tiên mỗi tháng chỉ được về với gia đình 8 ngày, còn 22 ngày ở tại trạm trực 24/24. Trong khi đó, lương và chế độ đãi ngộ thấp. Anh Bình là trưởng trạm và công tác 22 năm trong ngành nhưng lương chỉ hơn 8 triệu đồng, các KLV có bằng đại học mới vào làm thì tổng thu nhập chỉ hơn 4 triệu.
Tuy nhiên, đối diện với sự liều lĩnh, manh động của những nhóm săn bắt thú rừng mới là thử thách nguy hiểm nhất. VQG Cát Tiên có nhiều loài động vật, trong đó nhiều loài quý hiếm, giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, một số loài rất dễ tiếp cận như nai, chồn, nhím, heo rừng và khu vực sinh sống của chúng khá gần các khu dân cư. Vì thế, nạn săn bắt thú rừng tại VQG Cát Tiên vẫn thường xuyên xảy ra. “Gần đây những nhóm săn bắt thú rừng rất manh động. Vì thế LLKL luôn chuẩn bị tinh thần để đối phó, đem lại bình yên cho ĐVHD”, anh Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Câu chuyện đối phó với những nhóm săn bắt thú ở VQG Cát Tiên vào đầu tháng 3.2023 vẫn còn nóng hổi khi tôi gặp những người hùng trong vụ việc này. Vào khoảng 3 giờ sáng 2.3.2023, tổ tuần tra trạm KL cơ động phối hợp với trạm KL Núi Tượng và trạm KL Tà Lài đi tuần tra. Khi phát hiện một nhóm thợ săn 6 người, anh em KL truy bắt thì bị chống trả bằng dao và bình xịt hơi cay. “Một KLV bị thương từ tai xuống cằm, một người bị thương ở má, một người bị thương ở tay và vùng ngực… Dù vậy, chúng tôi quyết tâm truy bắt, thu giữ tang vật gồm 3 bao tải và 1 ba lô, trong đó có 1 con heo rừng, 1 con nai, 7 con cheo, 1 con chồn hương, 1 khẩu súng tự chế, 3 con dao, 6 chiếc đèn”, KLV Chìu Văn Hai kể lại.
(còn tiếp)