Tại các trường học hiện nay, bên cạnh các đội tuyển HSG TDTT được thành lập mỗi năm, còn có sự tồn tại cùng lúc của khá nhiều các CLB thể thao khác, như: CLB võ thuật, CLB cầu lông, CLB bóng đá, CLB bóng chuyền, CLB cờ vua… thu hút hàng nghìn học sinh tham gia sinh hoạt thường xuyên. Phong trào đó có sự đóng góp tâm sức không nhỏ của đội ngũ những giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất các cấp học không chỉ giỏi về nghiệp vụ mà còn thực sự năng động, sáng tạo.
Nói đến Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý), không chỉ sự ghi nhận về chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng cao, thường xuyên dẫn đầu khối các trường tiểu học của TP Phủ Lý, mà còn là dấu ấn về thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi (HSG) thể dục, thể thao và các giải thể thao phong trào. Qua đó, nhà trường đã có được một đội ngũ giáo viên làm nhiệm vụ huấn luyện thể thao đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, luôn nỗ lực hết mình cho việc phát triển mạnh mẽ các phong trào thể dục thể thao (TDTT) trong nhà trường.
Thầy giáo Nguyễn Văn Sỹ chính là một trong những giáo viên như thế. Vốn được đào tạo bài bản về nghiệp vụ sư phạm dạy môn thể dục, có không ít kinh nghiệm trong huấn luyện nên thầy giáo Nguyễn Văn Sỹ đã đảm nhiệm tốt vai trò một “huấn luyện viên” thể thao cho nhà trường. Công tác tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong và có nhiều thời gian gắn bó với công việc vừa dạy môn Giáo dục thể chất, vừa tham gia tuyển chọn, bồi dưỡng HSG thể thao của nhà trường, thầy giáo Sỹ đã nỗ lực hết mình để hướng tới mục tiêu hoàn thành tốt công tác chuyên môn, đẩy mạnh phát triển các phong trào thể thao trong trường học.
Thầy giáo Nguyễn Văn Sỹ tâm sự: Khi được phân công vừa giảng dạy môn Giáo dục thể chất, vừa tham gia cùng các đồng nghiệp trong tổ chuyên môn thực hiện bồi dưỡng HSG các môn thể thao, bản thân tôi lúc đầu cũng gặp phải không ít khó khăn, nhưng chúng tôi đều xác định tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong việc góp phần nâng cao chất lượng môn học và phong trào. Trong trường học, chúng tôi đề cao tính kế cận, thay thế của các đội tuyển HSG TDTT, luôn quan tâm tìm kiếm, phát hiện học sinh có tố chất ngay từ khi các em mới vào trường và có phương pháp tập trung bồi dưỡng. Theo từng năm học, tôi chủ động nắm bắt kế hoạch tổ chức thi HSG TDTT của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố; tham mưu với lãnh đạo nhà trường trong việc xây dựng các phương án chọn học sinh các môn để tập luyện và thi đấu. Với môn bóng đá, ngay vào dịp tháng 5 kết thúc năm học, tôi đã tổ chức CLB bóng đá cộng đồng sinh hoạt vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần, từ đó phát hiện ra các nhân tố triển vọng để vào đầu năm học tiếp tục tập luyện và thành lập đội bóng thi đấu giải bóng đá cấp thành phố. Đồng thời, phát hiện, lựa chọn được các học sinh lớp bé để có nguồn cho các năm học tiếp theo.
Được biết, trong điều kiện còn nhiều khó khăn do cơ sở vật chất của nhà trường chưa đáp ứng đủ yêu cầu của môn học Giáo dục thể chất, như: diện tích sân bóng chưa đủ kích cỡ, chưa có nhà đa năng để phục vụ tập luyện các môn cầu lông, bóng bàn… nhưng thầy giáo Nguyễn Văn Sỹ luôn tìm mọi cách khắc phục những khó khăn đó để có được chất lượng dạy và học tốt nhất. Theo đó, thầy Sỹ đã luôn động viên tinh thần các học sinh có năng khiếu; tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc tạo thuận lợi để học sinh tập luyện các môn thể thao. Nếu như khi tập luyện môn bóng đá, nhưng điều kiện sân bóng ở trường không bảo đảm thì trong các buổi tập ở trường, thầy Sỹ chú trọng tập cho học sinh kĩ thuật cơ bản chuyền bóng và đến các buổi tập cuối tuần phối hợp cùng cha mẹ học sinh thuê sân cỏ nhân tạo để tập chiến thuật. Với môn bóng bàn, có sự kết hợp tập ở trường với cho học sinh tập luyện tại các CLB ngoài nhà trường. Môn cầu lông không có sân tập trong nhà, thầy Sỹ vận dụng mượn sân để tập luyện. Từ đó, nhà trường luôn có đội hình tốt để thi đấu và có lớp kế cận cho các năm học tiếp theo. Với sự nỗ lực đó, chỉ tính trong năm học 2022-2023, các đội tuyển do thầy Nguyễn Văn Sỹ huấn luyện đã đạt được nhiều thành tích thể thao đáng nể, với 6 học sinh đạt giải cấp thành phố, 2 học sinh giành Huy chương Vàng môn bóng đá nam cấp tỉnh; ở giải thể thao nhi đồng cấp tỉnh, đội bóng của nhà trường xếp hạng Nhất toàn đoàn.
Với thầy giáo Nguyễn Tiến Lâm (Trường THPT Lý Thường Kiệt, Kim Bảng), việc duy trì và phát triển phong trào thể thao trường học nói chung, thể thao thành tích cao trong học sinh nói riêng, ngoài các yếu tố hỗ trợ tích cực về điều kiện sân bãi, dụng cụ tập luyện, về thể chất, thể lực của học sinh, nếu thiếu vai trò huấn luyện đúng hướng, bài bản của giáo viên sẽ không thể có được thành tích như mong muốn. Muốn học sinh, các bậc cha mẹ hiểu và có ý thức xây dựng phong trào TDTT trong trường học, người giáo viên phải nỗ lực hơn rất nhiều. Phát hiện được một học sinh có tố chất, có năng khiếu thể thao không khó, nhưng để gọi được các em vào đội tuyển tập luyện, thi đấu lại không hề đơn giản. Chính thế, thầy Lâm và các giáo viên trong tổ chuyên môn đã vận động học sinh, cha mẹ học sinh cho con em tham gia các đội tuyển TDTT của nhà trường; chủ động nghiên cứu các bài giảng, bài tập phù hợp với từng đối tượng học sinh, với từng môn thể thao, hướng học sinh trước hết luyện tập để rèn sức khỏe, nuôi dần đam mê và nâng cao thành tích cho các em. Đồng thời, tham mưu, phối hợp tổ chức các giải thi đấu cấp trường, giúp những học sinh có tố chất được giao lưu, tạo thêm tinh thần thi đấu, cũng như cơ hội cọ sát cho các em. Nhiều năm qua, phong trào TDTT của nhà trường vẫn luôn được duy trì, từng bước nâng cao chất lượng.
Tại các trường học hiện nay, bên cạnh các đội tuyển HSG TDTT được thành lập mỗi năm, còn có sự tồn tại cùng lúc của khá nhiều các CLB thể thao khác, như: CLB võ thuật, CLB cầu lông, CLB bóng đá, CLB bóng chuyền, CLB cờ vua… thu hút hàng nghìn học sinh tham gia sinh hoạt thường xuyên. Phong trào đó có sự đóng góp tâm sức không nhỏ của đội ngũ những giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất các cấp học không chỉ giỏi về nghiệp vụ mà còn thực sự năng động, sáng tạo.
Thanh Hà
Source link
Bình luận (0)