(ĐS 21/6) – Tôi có nhiều người bạn Quảng, có người gốc Quảng cũng có người định cư lâu năm nên mang đậm tính cách Quảng. Tôi quen biết họ từ những nguyên do hoàn cảnh khác nhau, vậy mà với ai tôi cũng được dành những tình cảm ấm áp lâu bền.
Người Quảng “không hay cãi”
Lớp tôi học đại học rất đông. Đó là những năm vừa sau chiến tranh nên có rất nhiều người xuất ngũ trở lại giảng đường đại học. Cả khóa học của tôi “xanh màu áo lính”, chỉ có một số gương mặt non choẹt của mấy cô cậu học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông.
Bạn xứ Quảng – Hồ Xuân Tịnh nằm trong số ít ấy, như tôi. Bạn là cậu trai có phần lặng lẽ, gương mặt trầm tĩnh với cặp kính cận không có gì nổi bật. Chỉ đến khi cùng học ngành khảo cổ tôi mới biết nhiều hơn về bạn.
Tôi nhớ mãi chuyến đi thực tập ở khu đền tháp Mỹ Sơn vào khoảng năm 1979. Cả lớp đi xe đò từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, rồi tất cả đến ở nhờ nhà của bạn một đêm. Đó là một ngôi nhà phố nhỏ bé, có cái gác lửng cũng nhỏ xíu, vậy mà gia đình bạn đã rộng lòng đón tiếp chúng tôi. Lần đầu tiên tôi được ăn mỳ Quảng là ở đây “ngộ ghê, mỳ gì mà nước có chút xíu, lại ăn với bánh tráng?”.
“Hình như người Quảng nào cũng có sẵn cả 3 cá tính: sự quyết liệt của một nhà báo, tính cần mẫn của một nhà nghiên cứu lại vừa có gì đó lãng mạn như một nhà thơ”.
Sáng sớm hôm sau cả lớp đi Mỹ Sơn, có đoạn đi xe đò chạy bằng than củi bụi đen mù mịt, nhiều đoạn đi bộ mang vác lỉnh kỉnh ba lô, cuốc xẻng… Trên con đường mòn đi vào Mỹ Sơn (hồi đó chưa có đường lớn như bây giờ), giữa trưa nắng gắt, thỉnh thoảng bạn xách đồ giùm cho chúng tôi – hai bạn nữ trong một lớp toàn nam giới – để chúng tôi đi kịp mọi người. Những ngày thực tập ở đó vô cùng vất vả, nhưng rảnh rỗi bạn lại ôm cây đàn ghi ta chơi nhạc… Lúc đó trông bạn thật lãng tử…
Tốt nghiệp đại học bạn về lại xứ Quảng và làm công tác bảo tàng – khảo cổ. Những dấu ấn đặc biệt của khảo cổ học xứ Quảng đều có phần công sức của bạn trong đó. Từ các cuộc khai quật di tích văn hóa Sa Huỳnh đến nghiên cứu tháp cổ Champa, từ khai quật tàu đắm Cù Lao Chàm đến bảo tồn phố cổ Hội An…
Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau trong các dịp hội thảo, hội nghị của ngành. Dù cũng là một “quan chức” nhưng bạn vẫn không thay đổi với nụ cười hiền lành như cậu sinh viên ngày xưa… Có lần tôi hỏi vui: “Này, sao cũng người Quảng mà ông “hiền” quá vậy, chẳng thấy ăn to nói lớn, cũng không “hay cãi”?”. Bạn lại cười ánh mắt vui vui lấp lánh sau cặp kính.
Người Quảng gốc Huế
Trong cuộc hội thảo cách đây khoảng 20 năm, có một người dáng cao gầy, da ngăm đen, tóc tai bù xù đến trước mặt tôi và nói: “Bà Hậu khảo cổ phải không? Tui mới đọc bài “nhà cổ Bình Dương” của bà, hay quá! Tui cũng đang làm về nhà cổ nè”.
Tôi hơi ngơ ngác nhưng rồi nhận ngay ra anh, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ – người “đóng đô” ở Mỹ Sơn hàng chục năm, dù gốc Huế nhưng tính cách của anh lại đậm chất Quảng. Tôi đã được biết nhiều công trình của anh nhưng đến lúc đó mới gặp mặt.
Những lần sau đó, nói chuyện với anh bao giờ tôi cũng ngơ ngơ mất một lúc vì không hiểu anh nói gì, và anh lại đùa tôi: “Có bằng B tiếng Duy Xuyên chưa mà ra Mỹ Sơn làm việc?”.
Một người ham đi và đi mải miết suốt bao năm tháng trong thời gian là “cán bộ nhà nước”, không chỉ đi bằng đôi chân dẻo dai của người làm công tác bảo tồn di sản, mà anh còn “đi” từ những kiến thức học được trong dân gian, từ lý thuyết của những người thầy Nhật Bản đến thành quả cụ thể: Tự phục dựng một ngôi nhà mái lá khung tre vách đất ở gần di tích Mỹ Sơn – một kiểu mẫu về bảo tồn kiến trúc sinh thái, môi trường, mang ý nghĩa văn hóa bản địa đặc sắc.
Anh không thể nhớ anh đã đi bao nhiêu lần đến các tỉnh thành trong cả nước, nhất là khu vực miền Trung, để đo, vẽ, chụp hình, khảo tả những ngôi nhà cổ mà anh tìm thấy, hoặc nghe ai mách bảo nơi nào có nhà cổ là anh lại tìm đến ngay. Có bao nhiêu kinh nghiệm, kiến thức về nhà cổ truyền, anh đều nhiệt tình truyền dạy cho thế hệ đàn em, cho học trò.
Có lần anh nhắn “bà ra Quảng Nam ở đi, tui làm cho bà một cái nhà y vậy, tha hồ mà ngồi mơ màng viết lách”. Nhưng chưa kịp nghe theo lời rủ rê ấy thì biết anh vừa nghỉ hưu sớm. Nghỉ hưu nhưng muốn gặp anh còn khó hơn, vì nhiều nơi mời anh đến nghiên cứu nhà cổ, rồi phục dựng nhà cổ để bảo tồn hay để làm du lịch…
Tình yêu của anh với nhà cổ không chỉ là một họa sĩ nhận ra và chiêm ngưỡng sự hoàn mỹ của những công trình dân gian, mà sâu xa hơn là từ tình yêu di sản văn hóa. Mỗi chi tiết của ngôi nhà cổ cũng chứa đựng biết bao thông tin, tri thức mà cha ông nhắn gửi cho thế hệ sau – anh luôn nói với chúng tôi như thế.
Người Quảng “giải mã giọng Quảng”!
Có lần tôi hỏi một bạn người xứ Quảng: “Này, sao người Quảng thường trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác mà ít khi trả lời thẳng? Ví dụ: Có phải đi đường đó không? – Chớ không đi đường đó thì đi đường mô?”, thì bạn trả lời ngay: “Chớ không nói rứa thì nói răng?”
Câu trả lời của bạn càng làm cho tôi thấy đây là một hiện tượng văn hóa rất lý thú.
Tôi đã đọc “Có 500 năm như thế” của anh Hồ Trung Tú (quê Đại Lộc), công trình mang lại góc nhìn mới, lý giải một hiện tượng ngôn ngữ từ góc độ lịch sử – hoàn cảnh đặc thù của xứ Quảng từ thế kỷ 15. Ngắn gọn là sự hình thành hay nguồn gốc tiếng Quảng Nam là do người Chăm nói tiếng Việt trong một hoàn cảnh đặc thù.
Trong các thành tố văn hóa, tìm về nguồn gốc của ngôn ngữ và ẩm thực là thú vị nhất, bởi sự giao lưu tiếp nhận hay loại bỏ đôi khi không theo “quy luật khoa học, hàn lâm” mà mang đậm dấu ấn cuộc sống.
Ngôn ngữ cũng như nhiều hiện tượng văn hóa, không phát triển đơn tuyến và đơn giản, nhất là trong bối cảnh lịch sử xứ Quảng là nơi tiếp nhận/giao thoa/tranh chấp/đối chọi/hòa nhập/phân biệt… văn hóa của hai tộc người Việt (Thanh/Nghệ là chủ yếu) và Chăm, trong đó nổi bật là ngôn ngữ – phương tiện giao tiếp hàng ngày. Vì vậy ngôn ngữ cần được đặt vào đời sống thực tiễn trong các trạng huống khác nhau.
Thắc mắc của tôi “vì sao người Quảng Nam hay trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi” phải chăng là một hiện tượng ngôn ngữ phản ánh sự giao lưu – đối lập – hòa hợp – phân biệt văn hóa của hai tộc người Chăm – Việt trong một giai đoạn nhất định, để rồi theo thời gian, được “di truyền” lại như một cá tính văn hóa xứ Quảng.
Vì vậy, công trình của anh Hồ Trung Tú đáng được quan tâm khi nghiên cứu về “tiếng Quảng Nam” nói riêng và xứ Quảng nói chung.
Tôi và anh Hồ Trung Tú chưa gặp nhau mặc dù đã biết nhau rất lâu, từ thời còn mạng xã hội Yahoo! 360. Vậy nhưng ở cả anh và hai ông bạn Hồ Xuân Tịnh, Nguyễn Thượng Hỷ, tôi luôn cảm nhận được ở các anh những tính cách có vẻ “đối lập” nhau: sự quyết liệt của một nhà báo, tính cần mẫn của một nhà nghiên cứu lại vừa có gì đó lãng mạn như một nhà thơ! Mà hình như người Quảng nào cũng đã có sẵn trong mình cả 3 cá tính ấy.