Triển lãm là cuộc hội ngộ của 5 hoạ sĩ tài hoa, họ là những người bạn ngày xưa trên giảng đường đại học. Ðây không chỉ là dịp để họ gặp lại nhau, mà còn là cơ hội để mỗi người đánh thức ngọn lửa sáng tạo tưởng chừng đã ngủ quên sau những năm tháng dài...
Từ những bức tranh trong không gian trưng bày đã gợi lại những kỷ niệm xưa cũ của chàng sinh viên ngành mỹ thuật một thời, hay ánh mắt xa xăm của người bạn năm nào giờ đã không còn nữa, những cô gái tuổi đôi mươi tha thướt trong tà áo dài, e lệ bên chiếc nón lá, bến nước, con đò... Triển lãm là dịp để những người bạn đam mê nghệ thuật sắc màu, đường nét kể những câu chuyện của riêng mình.
Hoạ sĩ, PGS, TS Nguyễn Văn Minh là hình ảnh tiêu biểu của sự cân bằng và phát triển trong nghệ thuật. Suốt thời gian công tác tại Trường Ðại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ông duy trì ngọn lửa sáng tạo qua những bức tranh sơn mài truyền thống. Những tác phẩm sơn mài của ông ban đầu như khúc ca êm đềm về cuộc sống miền quê Nam Bộ. Càng về sau, vẫn với vỏ trứng, son đỏ, then đen, vàng, bạc, nhưng cách thể hiện đã có diện mạo mới.
Sống tại mảnh đất Sóc Trăng giàu truyền thống văn hoá, di sản nghệ thuật Khmer Nam Bộ, trong tranh của Hoạ sĩ Hồ Văn Hưng, với mảng màu rực rỡ, chói chang và tương phản bằng ngôn ngữ thị giác đặc trưng, người xem dễ dàng nhận thấy sự thẩm thấu sâu sắc về di sản nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Mỗi tác phẩm là câu chuyện kể về cội nguồn, giá trị văn hoá, thể hiện qua lăng kính nghệ thuật cá nhân đầy đam mê và nhiệt huyết.
Hoạ sĩ Lý Cao Tấn với góc nhìn nghệ thuật độc đáo thể hiện trên những bức tranh đồ hoạ bút sắt. Chính sự quan sát sâu sắc, ghi chép cần mẫn, tranh của ông là kho tàng lưu giữ chân thực và sống động hình ảnh, sinh hoạt, nếp sống của con người vùng sông nước miền Tây. Nét bút vừa gãy gọn, dứt khoát, thể hiện sự mạnh mẽ và quyết đoán, vừa có sự nhấp nhả, buông bỏ đầy ngẫu hứng, nhịp nhàng và tự do, tạo nên cảm xúc thú vị cho người xem.
Với Hoạ sĩ Nguyễn Tiến Lên, tranh của ông nhẹ nhàng đến bất ngờ, như người đã thấu hiểu lẽ đời, nhìn nhận mọi thứ bình thản. Ông đem cuộc sống vào tranh sơn mài bằng những góc nhìn tự nhiên, chân thật đến mức người thưởng ngoạn như bắt gặp hình ảnh của mình trong tranh.
Nổi bật với sự mạnh mẽ trong từng nét cọ và cách sử dụng màu sắc, hội hoạ như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Hoạ sĩ Phan Thái Hoàng. Hình ảnh căn nhà sàn ven sông, miền quê xanh mát, xuất hiện nhiều trong tranh của ông như cách để ông thể hiện tình yêu quê hương qua nét vẽ. Ở Phan Thái Hoàng, tư duy nghệ thuật không ngừng vận động và khám phá. Sự chuyển đổi linh hoạt giữa hiện thực và trừu tượng trong tác phẩm của ông không bó buộc trong khuôn khổ nào mà luôn tìm tòi, thử nghiệm những cách biểu đạt mới, mang đến cho người xem trải nghiệm thị giác phong phú và thú vị...
Cuộc hội ngộ của "Những người bạn" là sự kiện nghệ thuật ý nghĩa, hội tụ những cá tính sáng tạo độc đáo và đa dạng. Mỗi hoạ sĩ mang đến phong cách riêng biệt, thế giới quan khác nhau, phản ánh trải nghiệm và con đường nghệ thuật mà họ đã đi qua. Ẩn sau sự độc lập trong phong cách là sợi dây gắn kết vô hình, bằng ngọn lửa đam mê cháy bỏng, tinh thần sáng tạo không ngừng và rung cảm sâu sắc. Ðây là lời khẳng định về sự bền bỉ của đam mê và sức mạnh của tình bạn trong hành trình nghệ thuật đầy gian nan nhưng cũng rất vinh quang.
Triển lãm diễn ra từ ngày 12-22/4/2025, tại Maii Art Space, Số 72/7 Trần Quốc Toản, Quận 3, TP Hồ Chí Minh.
“Không gian miền quê”, tác giả Phan Thái Hoàng.
“Những điệu múa”, tác giả Hồ Văn Hưng.
“Cửa sổ 4 mùa”, tác giả Nguyễn Văn Minh.
“Ðợi hoa”, tác giả Nguyễn Tiến Lên.
“Ngõ hẻm 69”, tác giả Lý Cao Tấn.
Kiều Loan giới thiệu
Nguồn: https://baocamau.vn/-nhung-nguoi-ban-hoi-ngo-a38434.html
Bình luận (0)