(Dân trí) – Ở làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hiện còn 12 ngôi nhà có tuổi đời từ 100 đến 200 năm tuổi.
Nằm bên bờ sông Mã, làng Đông Sơn là một trong những làng cổ đẹp nhất Việt Nam. Ngôi làng được bao quanh bởi các dãy núi, rộng gần 4km2, có khoảng 400 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu sinh sống.
Trải qua hàng trăm năm, làng cổ Đông Sơn vẫn gìn giữ được nét đẹp của làng quê vùng Bắc Trung bộ. Xen kẽ giữa những căn nhà cao tầng mọc lên san sát, tại làng cổ vẫn còn lưu giữ nhiều con ngõ mang đậm dấu ấn làng quê.
Đặc biệt, tại đây còn có 12 ngôi nhà cổ từ 100 đến hơn 200 năm tuổi.
Trong số đó có ngôi nhà của gia đình ông Lương Trọng Duệ ở ngõ Trí, được xây dựng từ khoảng hơn 200 năm trước.
Ngôi nhà có lối kiến trúc 5 gian, 2 chái, lợp ngói âm dương. Các vì, kèo, cột gỗ được chạm trổ công phu.
Theo ông Lương Thế Tập (con trai ông Duệ), ngôi nhà vốn được ông cụ tổ họ Lương xây dựng từ thời nhà Nguyễn.
Năm 2006, ngôi nhà được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh.
Trong nhà, gia đình ông Tập còn lưu giữ các đồ thờ và bức đại tự, câu đối được làm bằng gỗ. Tất cả còn khá nguyên bản và mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa.
Những cánh cửa gỗ trong ngôi nhà cổ còn khá chắc chắn.
Cách nhà ông Duệ không xa, ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Tần (SN 1952, số 10, ngõ Miếu Nhị) có tuổi đời hơn 100 năm.
Anh Nguyễn Văn Tân (người đang chăm sóc ngôi nhà) cho biết, trải qua thời gian, ngôi nhà nhiều lần bị xuống cấp, đặc biệt là phần mái ngói. Vì vậy gia đình đã tu sửa phần mái ngói nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính của ngôi nhà.
“Chúng tôi rất trân quý những giá trị lịch sử cũng như tài sản quý giá mà cha ông để lại. Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện sinh hoạt ngày càng thay đổi, nếu không cải tạo sẽ không thể sử dụng được”, anh Tân nói.
Ông Nguyễn Văn Vệ, Trưởng làng cổ Đông Sơn cho biết, trước đây có 13 ngôi nhà cổ, nhưng hiện chỉ còn lại 12 ngôi nhà. Hầu hết các ngôi nhà cổ ở địa phương đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Để gìn giữ nét đẹp làng cổ, chính quyền địa phương đang lên kế hoạch hỗ trợ người dân tu sửa, bảo tồn những ngôi nhà này.
“Chúng tôi mong muốn địa phương và ngành chức năng cần đánh giá lại hiện trạng một cách chi tiết để có biện pháp gìn giữ những ngôi nhà cổ. Nếu để người dân tự ý tu sửa sẽ mất đi giá trị lịch sử vốn có của nhà cổ”, ông Vệ nói.
Bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, cho biết nhiều năm qua, địa phương vẫn thường xuyên tuyên truyền đến người dân cần gìn giữ nét đẹp văn hóa và những giá trị lịch sử vốn có của làng và 12 ngôi nhà cổ.
“Bên cạnh việc tuyên truyền người dân cố gắng gìn giữ những ngôi nhà cổ, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đang lên kế hoạch thực hiện đề án phát triển làng cổ Đông Sơn để phát huy hết những thế mạnh và tiềm năng du lịch”, bà Thanh chia sẻ.