Ở nhiều ngôi làng vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam trước cổng hoặc hiên mái nhà đều có câu khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đặt trang trọng. Không đơn giản chỉ là khẩu hiệu, đó là lời nguyện ước chung về hòa bình, tự do.
Chúng tôi ghé nhà của người đàn ông Cơ Tu tên là Zơrâm Đa, 33 tuổi, ở thôn A Liêng, xã Tà Bhing (huyện Nam Giang).
Nhà của ông Đa bề thế, mới được cất dựng bằng bê tông, mái lợp ngói theo mẫu của người Kinh thay thế cho gian nhà gỗ xưa cũ, ọp ẹp, nhưng phần cổng thì vẫn giữ nguyên hai trụ gỗ đứng với dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do“.
Thông điệp của hòa bình
Nghe hỏi chuyện về câu chữ trên cổng, ông Đa gãi đầu và bảo rằng không biết xuất phát từ ai nhưng từ lúc lớn lên đã thấy trong, trước cổng mỗi nhà bà con ở A Liêng đều chưng câu nói bất hủ này của Bác Hồ.
A Liêng là một làng của người Cơ Tu nằm bên đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua Bến Giằng – một địa danh lịch sử hào hùng của mặt trận Khu 5 xưa. Làng A Liêng không chỉ sạch sẽ, ngăn nắp, được đặt tên đường vào tận ngõ nhỏ mà gần như mỗi ngôi nhà ở đây đều được chăm chút kỹ lưỡng.
Chủ tịch UBND huyện Nam Giang A Viết Sơn nói bà con ở đây rất ý thức giữ gìn truyền thống làng mình, nhiều hộ dân còn đón được cả khách du lịch. Điều đặc biệt, ông Sơn nói rằng không ai bảo nhưng từ trước tới nay mỗi nhà ở A Liêng hay những thôn láng giềng đều có những tấm bảng đặt trước cổng với nội dung “Không có gì quý hơn độc lập tự do“, “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”…
Già làng Zơrâm Năng, năm nay 75 tuổi, khẳng định rằng việc làm cổng hoặc dán khẩu hiệu trên kèo gỗ trước cửa chính là truyền thống nhiều năm nay của người Cơ Tu. “Không riêng A Liêng mà anh đi bất cứ ngôi làng vùng cao nào của người Cơ Tu, Xơ Đăng, Ca Dong ở Quảng Nam đều như thế.
Bà con khi làm nhà đều rất cẩn thận làm cổng vào, trước cổng trang trí đèn hoa đăng, nhà nào cũng cắm cờ Đảng, cờ Tổ quốc trước cổng và kế bên là dòng chữ Không có gì quý hơn độc lập tự do”, ông Năng nói.
Trước nhà của ông Zơrâm Năng cũng làm một câu khẩu hiệu này. Ông nói trước đây khi đói khổ, nhà còn lợp lá, phên lồ ô thì cánh cổng chỉ có hai cây tre dựng lên rồi quấn lá bên ngoài. Nhưng mất công sức thế nào thì bà con cũng tìm cho được tấm gỗ rồi về chà nhẵn, lấy than hoặc nhọ nồi viết khẩu hiệu trang trọng gác lên trước cổng.
“Người Cơ Tu chúng tôi giáo dục nhau theo kiểu người lớn tuổi dạy lại cho thanh niên, con cháu. Sống hôm nay phải nhớ ơn những gì mà vì nó tổ tiên cha ông đã ngã xuống. Xưa mình đói, mình khổ, mình bị Pháp, Mỹ giội bom, chiến tranh tàn hại, nay mình có hòa bình con cháu phải nhớ, phải gìn giữ và quý trọng.
Đi qua chiến tranh như thế hệ chúng tôi mới hiểu thế nào là gian khổ, mất tự do. Giờ còn nghèo nhưng so với xưa là sướng lắm rồi, cho nên chúng tôi tự nghĩ rằng ý nghĩa câu nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Bác Hồ là một chân lý”, ông Năng nói.
Những ngôi làng “thời bao cấp”
Không chỉ ở làng vùng cao, những cổng chào có chưng khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” hoặc những câu nói có từ thời xưa như “Đổi mới để tiếp tục tiến lên” còn được bắt gặp dày đặc ở cổng nhà các huyện miền xuôi Quảng Nam như Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn…
Nhiều người ở xa tới Quảng Nam khi nhìn các cánh cổng đặc biệt này đều rất ấn tượng. Trên cổng là khẩu hiệu được đặt, treo trang trọng, bên cạnh là lá cờ Tổ quốc tươi rói, dù sau cánh cổng đó là tòa nhà kiên cố hay mái gỗ đơn sơ. Những hình ảnh gợi nhớ tới một thời bao cấp, thời của mô hình hợp tác xã.
Ông Châu Chín, 63 tuổi, nhà ở thôn Ngọc Thạch (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), háo hức khoe chúng tôi gian cổng mà tự tay ông đục đẽo, giữ gìn suốt từ 1996 tới nay.
Ông Chín cho biết nhà mình trước kia ở vùng ngập lũ ven sông Vu Gia, sau đó được chính quyền vận động dời về nơi ở hiện tại. Khi làm nhà, ông đã cất công tìm một tấm gỗ lim chắc chắn rồi nhờ thợ bào đục, cắt gọt để tự tay sơn lên dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Ông Chín nói rằng hằng ngày ông ra vào, chứng kiến con cái khôn lớn thì khẩu hiệu như lời nhắc nhở về sự biết ơn với lịch sử gia đình. Nhà ông là một câu chuyện điển hình về nỗi đau chiến tranh ở vùng “da beo” ngày quốc gia – đêm cộng sản.
Mẹ ông sinh năm người con, anh đầu đi bộ đội rồi hy sinh ở vùng Trà My, hai anh trai của ông bị ép vào lính cộng hòa. Hòa bình trở lại, mẹ như đứt đoạn khúc ruột khi thờ con trai đầu liệt sĩ nhưng lại có hai con là cựu binh Việt Nam cộng hòa. Ông Chín rớt nước mắt khi nhớ về lúc mẹ mình còn sống, bà luôn khóc vì nỗi trái ngang trong chính gia đình mình.
Dọc bên đường mòn Hồ Chí Minh ngược lên Tây Nguyên, nhà dân dựng san sát nhau, các hội trường thôn, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng cũng làm cổng bề thế và cổng nào cũng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Cạnh nhà văn hóa cộng đồng thôn Hòa Hữu Đông (Đại Hồng, Đại Lộc) chúng tôi phát hiện dày đặc những cánh cổng rêu mốc, xỉ vôi cũ trước lối vào nhà dân. Tất cả đều có chung khẩu hiệu về tự do, độc lập, tuy cũ nhưng nét chữ vẫn rõ ràng, thẳng ngay.
Ông Phan Đình Quang kể rằng đa phần cổng của các hộ dân đều đắp bằng vôi, làm từ thời điểm làng dời về nơi ở mới vào năm 2002. “Chữ “độc lập tự do” ở cổng nhà là tôi tự tay đắp lúc sinh đứa con út năm 2002, giờ nó hơn 20 tuổi rồi.
Vùng chúng tôi từng trải qua chiến tranh ác liệt, bên này vùng giải phóng nhưng cách bên kia đồi là đồn Thượng Đức của địch nên bộ đội hy sinh rất nhiều. Chúng tôi tự làm các khẩu hiệu trước nhà để nhắc nhở nhau sống tốt, xây dựng cuộc sống, giữ gìn hòa bình tự do. Mỗi dịp lễ Tết mình cắm lên lá cờ bên cạnh thì tự nhiên thấy đẹp, trang trọng hơn”, ông Quang nói.
Bàn thờ Tổ quốc của người Cơ Tu
Lên các huyện vùng cao Quảng Nam như Nam Giang, Tây Giang… đều dễ dàng bắt gặp những gian bàn thờ của bà con Cơ Tu đặt ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và phía sau là lá cờ Tổ quốc.
Già làng A Lăng Nhít (xã Ga Ry, huyện Tây Giang) nói ở trong mỗi nhà dân và đặc biệt là nhà cộng đồng ở Ga Ry đều có ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc trên bàn thờ. Vào ngày Quốc khánh và đêm giao thừa, bà con đều tổ chức thắp hương, tưởng nhớ Bác và đón lễ trang trọng.
Tuoitre.vn