(Dân trí) – Nhiều ngôi chùa ở ĐBSCL không chỉ nổi danh về lịch sử hình thành mà còn được biết đến với các tên gọi như chùa dơi, chùa cò… Lý do là những ngôi chùa ấy cũng là mái nhà của nhiều loài vật hoang dã.
Chùa DoungLeySiRiVanSa, còn gọi là chùa Đường Xuồng Mới (xã Định Hòa, huyện Gò Quao, Kiên Giang) không chỉ nổi danh với lịch sử hơn 100 năm mà còn là nơi trú ngụ của hàng trăm con cò, vạc suốt hơn hai thập kỷ qua.
Với diện tích hơn 1,6ha, khuôn viên chùa có nhiều cây sao, dầu cao từ 30-50m, là nơi cư trú lý tưởng cho loài vạc và cò.
Đại đức Danh Tỉ, Trụ trì chùa Đường Xuồng Mới, cho biết, đàn vạc đã sống tại chùa hơn 20 năm. Ban đầu, khi chùa cũ chưa trùng tu xong, chúng sống tại khuôn viên chùa Đường Xuồng Cũ. Sau khi chuyển chánh điện qua chỗ mới, chúng cũng di cư theo và ở lại đến nay.
Loài vạc trắng sinh sống tại đây có kích thước lớn, con lớn nhất nặng tới 4kg và sải cánh rộng khoảng 50cm. Ngoài vạc, còn có các loài chim như còng cọc cộng sinh. Nhờ sự bảo vệ của nhà chùa và người dân xung quanh, đàn chim đã phát triển đến khoảng 300 cá thể.
Các ngọn cây bị phân chim bám đầy, làm chết nhiều nhánh cây, tạo nên dấu vết lãnh thổ của các loài chim.
Tương tự, chùa Dơi (Mahatup) tại phường 3, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, nổi tiếng với hàng vạn con dơi từng trú ngụ, che kín cả sân chùa và bầu trời vào buổi chiều.
Loài dơi tại chùa Dơi chủ yếu là dơi quạ và dơi ngựa, có trọng lượng từ 0,5-1kg. Tuy nhiên, số lượng dơi đã giảm đi nhiều trong những năm gần đây.
Du khách Nguyễn Văn Hùng cho biết, anh cảm thấy tiếc nuối khi thấy số lượng dơi giảm đi nhiều so với lần thăm trước.
Tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang, chùa Hưng Long đã trở thành nơi trú ngụ của cả nghìn con dơi quạ trong hơn 50 năm qua, khiến người dân địa phương ngạc nhiên và tò mò về lai lịch loài dơi này.
Chùa Hưng Long có khoảng 1.000 cây sao, dầu là nhà của đàn dơi. Dơi thường thay đổi vị trí ở, có khi trước chánh điện, có khi bên hông chùa.
Ông Huỳnh Văn Bảy, phật tử tại chùa Hưng Long, cho biết, từ thập niên 80 của thế kỷ trước, ông đã chứng kiến đàn dơi bay đến đậu trên các ngọn sao, dầu. Ban đầu chỉ có vài chục con, nhưng sau vài tháng, số lượng tăng lên hàng trăm con.
“Chúng không phá phách cây trái của bà con mà chỉ tìm ăn cây gáo trắng. Nhiều năm theo dõi, tôi nhận thấy vùng này cứ đến mùa nước nổi là đàn dơi bay đến để ăn gáo trắng. Chúng hiền lành nên chính quyền địa phương, nhà chùa và người dân quyết tâm bảo vệ, ngăn cấm săn bắt,” ông Bảy cho biết.
Theo ông Bảy, từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, dơi di cư đến chùa, sau đó thì bay đi. Ban ngày, chúng bay hàng trăm kilomet để kiếm ăn, tối trở về chùa ngủ. Dù số lượng lên đến cả nghìn con nhưng dưới tán cây nơi chúng sống không phát mùi hôi, duy chỉ ngọn cây bị trơ trụi lá.
Dơi tại chùa Hưng Long có kích thước không quá lớn, trọng lượng khoảng 1,2kg, sải cánh mỗi bên 60cm.
Có thông tin cho rằng trước kia chuyên gia đã gắn thiết bị định vị vào một số con dơi, và kiểm tra được đàn dơi này xuất phát từ chùa Dơi (Sóc Trăng). Mỗi năm, đến mùa nước nổi, chúng phải di tản để kiếm ăn, và một trong những điểm đến là chùa Hưng Long.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/nhung-ngoi-chua-mien-tay-thu-hut-chim-doi-ve-tru-ngu-suot-nhieu-thap-ky-20240920112200077.htm