Nghi lễ cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ
Lễ đón được tổ chức trang trọng tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Wellington theo nghi thức cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ nước ngoài thăm chính thức New Zealand, đặc biệt có các nghi thức chào đón khách quý theo truyền thống của thổ dân Maori.
Thủ lĩnh Maori (Kaikorero) và Trưởng Kaikaranga (Trưởng nghi lễ) đón và mời Thủ tướng Chính phủ và phu nhân vào khu vực tiến hành nghi thức lễ đón.
Chiến binh Maori múa vũ khí chào đón khách sau đó đặt dao gỗ xuống đất phía trước Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân. Thủ tướng Chính phủ nhận dao và cầm trong suốt buổi lễ. Trong lúc nhặt dao gỗ, Thủ tướng Chính phủ không rời mắt khỏi chiến binh Maori.
Sau khi Đội trưởng Kaikaranga nói lời chúc phúc và cầu nguyện; nghệ sĩ Maori biểu diễn màn múa truyền thống; tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân làm lễ Hongi (chạm mũi) và kết thúc lễ đón truyền thống.
Tư lệnh quân đội New Zealand đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân trước bục danh dự.
Khi Thủ tướng Chính phủ bước lên bục danh dự, quân nhạc cử quốc thiều Việt Nam, quốc kỳ Việt Nam được kéo lên và tung bay, 19 loạt đại bác rền vang chào mừng Thủ tướng cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Đội trưởng đội danh dự quân đội New Zealand mời Thủ tướng Việt Nam duyệt đội danh dự; sau đó một lần nữa quốc thiều Việt Nam được cử lên và kết thúc lễ đón.
Chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân diễn ra từ ngày 10-11/3. Sau lễ đón, hai Thủ tướng tiến hành hội đàm; chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác; gặp gỡ báo chí thông báo kết quả hội đàm.
Vì sao có nghi thức chào đón khách quý theo truyền thống của thổ dân Maori?
Sở dĩ lễ đón có nghi thức truyền thống của thổ dân Maori vì người Maori là tộc người đầu tiên khai phá và sinh sống tại New Zealand; người Maori chiếm 15.1% tổng dân số. Bên cạnh tiếng Anh, ngôn ngữ của người Maori được sử dụng rộng rãi tại New Zealand.
Một trong những đặc điểm dễ nhận biết của người Maori chính là xăm hình hoa văn lên mặt bằng dao làm từ xương mài nhọn, răng cá mập hoặc đá.
Họ cho rằng hình xăm này giúp cho người đàn ông mạnh mẽ và dữ tợn hơn trong các cuộc chiến đấu cũng như hấp dẫn phụ nữ tốt hơn.
Người Maori có văn hóa chào hỏi khá độc đáo gọi là “Hongi”. Đó chính là chào hỏi bằng cách cọ mũi vào nhau và kết thúc lời chào bằng cái nắm tay. Hành động này mang ý nghĩa là truyền cho nhau hơi thở của sự sống.
Trang phục cũng là một trong những điểm nhấn trong văn hóa người Maori, chủ yếu là được làm từ thực vật, lông chim và da động vật. Thông thường, phụ nữ sẽ mặc các bộ váy dài bằng da thú còn đàn ông sẽ mặc áo choàng cùng với khố hoặc váy da. Để chuẩn bị được vật liệu và hoàn tất quá trình khâu áo thì cần phải mất đến mấy tháng.
Một số hình ảnh tại lễ đón đặc biệt:
Chiến binh Maori múa vũ khí chào đón khách (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).