Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một dự án cực lớn, thu hút mọi lực lượng, mọi ngành cùng chung tay đóng góp.
Hy vọng, một vùng lúa chất lượng cao với hệ thống đồng ruộng được quy hoạch hiện đại sẽ đem tới những thay đổi lớn cho bà con nơi đây. Chắc chắn, cuộc sống của nhân dân vùng này sẽ được nâng lên một mức mới…
Tuy nhiên, với giá lúa và năng suất hiện nay thì thu nhập của bà con cũng chỉ có thể tăng thêm vài chục phần trăm. Trong lúc đó, để thay đổi mạnh mẽ thu nhập cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì có lẽ cần kết hợp thêm nhiều hoạt động khác ngoài việc trồng lúa.
Tôi vẫn ước ao mỗi gia đình nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm có thể thu nhập ít nhất từ 100 triệu đồng trở lên. Thậm chí, hiện nay, nhiều nhà có thu nhập tới cả bạc tỷ! Đấy là những mô hình mà bà con ta nên học tập.
Làm gì để giúp bà con đồng bằng sông Cửu Long có thể nâng cao thu nhập?
Tôi luôn theo dõi qua báo, đài về thông tin sản xuất của bà con trong vùng. Ở đâu có những mô hình hay, ngành nghề cho thu nhập cao, tôi đều ghi chép lại để thông báo, chia sẻ với mọi người. Bên cạnh đó, tôi cũng động viên các nhà khoa học hãy hướng dẫn cho bà con nông dân những kỹ thuật tiên tiến và ngành nghề mới để đạt thu nhập cao hơn mà bà con có thể học tập. Rất mong mọi người tiếp tục ủng hộ việc này.
Có rất nhiều ngành nghề, rất nhiều đối tượng cho ta những kết quả bất ngờ. Ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài việc trồng lúa, bà con còn làm thêm nhiều việc khác mà cho thu nhập rất cao.
Xin nêu một vài ví dụ mà báo chí đã đưa tin (tính tiền lãi theo triệu đồng/ha/năm): lúa 45 triệu đồng/ha, lạc 70-90 triệu đồng, tôm xen lúa 90 triệu đồng, khoai lang 90-100 triệu đồng, dâu tằm 130 triệu đồng, ổi Đài Loan 270 triệu đồng, nhãn hữu cơ 200-400 triệu đồng, táo 340 triệu đồng, ốc nhồi 400 triệu đồng, na 400-500 triệu đồng, rau công nghệ cao (ở thành phố Hồ Chí Minh) từ 700-750 triệu đồng, măng cụt 1 tỷ, sầu riêng 1,9 tỷ đồng… Đấy là chưa kể đến việc nuôi tôm, nuôi cá, và các loài thủy đặc sản khác…
Tôi đã đi suốt 13 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bà con quá chân chất, hiền lành. Ở nhiều nơi, nhà cửa còn đơn sơ, trong nhà chỉ có chum rượu là lớn! Nước nôi thì rất sẵn. Sông có ngay cạnh nhà. Nếu mỗi nhà dành ra khoảng 10-20m2 để xây bể nuôi lươn thì thu nhập sẽ rất cao.
Ở miền Bắc, lươn chỉ nặng khoảng 300g, trong khi ở miền Nam có con lươn nặng tới 1,5kg. Nuôi lươn rất đơn giản và mang lại thu nhập cao. Vậy, xin bà con nơi sông nước hãy thử nghĩ tới việc nuôi lươn.
Nhân tiện, tôi xin mời bà con tới thăm trang trại nuôi dế của anh Lê Thanh Tùng ở Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Ở đây, anh nuôi hàng triệu con dế. Nuôi dế dễ lắm! Trẻ em và người già đều có thể làm được. Chỉ cần vài cái thùng nhựa hoặc thùng carton là có chỗ để nuôi dế. Dế đẻ dữ lắm! Mỗi ngày, ta có thể thu được hàng vạn trứng. Trứng ấp khoảng một tuần là nở thành dế con, nuôi thêm một tháng là có thể bán được rồi.
Anh Tùng còn dùng dế để nuôi cà cuống. Cà cuống mới là mặt hàng đắt giá! Nuôi chúng cũng rất đơn giản. Chúng tôi đã viết rất cụ thể về kỹ thuật nuôi lươn trong bể không bùn, nuôi dế, nuôi cà cuống,… Tất cả có trong bộ sách “1001 cách làm ăn” do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành. Trong bộ sách đó còn có cuốn mà bà con rất mê đọc, đó là cuốn “cách nuôi ốc nhồi”. Nuôi ốc nhồi mới sướng! Nuôi chúng quá dễ! Ở đồng bằng Sông Cửu Long thì chỗ nào cũng có thể nuôi ốc nhồi. Xin đừng coi thường việc này. Rất nhiều người đã thu tới hàng trăm triệu nhờ nuôi ốc nhồi.
Nếu mạnh dạn hơn, bà con có thể nghĩ tới nghề nuôi rắn ri voi. Anh Lê Hồng Minh ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng là người đi đầu trong việc này. Hiện rất nhiều nơi đã nuôi rắn ri voi. Đây là loài rắn nước không độc, có con nặng tới cả chục ký, nuôi đơn giản mà thu nhập thì cao vô cùng!
Tôi không muốn nhắc tới rất nhiều giống cá, giống tôm, giống cây ăn quả mà bà con ta đã biết rõ. Chúng là những đối tượng dễ dàng đưa thu nhập của các gia đình lên hàng trăm triệu mỗi năm!
Về kỹ thuật, chúng tôi cũng đã huy động các nhà khoa học viết cụ thể trong bộ sách “1001 cách làm ăn” đối với từng đối tượng đó. Vấn đề còn lại là mỗi gia đình chọn lấy nghề gì? Đấy là trách nhiệm của bà con. Nếu mỗi nhà quyết tâm làm thêm một nghề phù hợp (bên cạnh trồng lúa) thì mục tiêu đạt 100 triệu đồng trở lên cho mỗi gia đình hoàn toàn có thể thực hiện được.
Hãy bắt tay với chúng tôi để mọi nhà ở đồng bằng sông Cửu Long đều có thể vươn lên giàu có.
Nguồn: https://danviet.vn/di-tim-nghin-le-mot-cach-lam-giau-cua-nong-dan-nhung-nghe-hai-ra-tien-o-dong-bang-song-cuu-long-bai-cuoi-20241101162008362.htm