Nếu không tận mắt chứng kiến quá trình Nguyễn Văn Trường (22 tuổi, trú tại TP.Đà Nẵng) vá và vẽ lại những tờ tiền giấy ra đời cách đây cả trăm năm, tôi sẽ không thể tin ở VN lại có một nghề vừa lạ vừa “độc” đến như vậy.
NGHỀ CỦA SỰ TỈ MẨN
Bén duyên với thú sưu tầm tiền giấy cổ từ thuở còn học sinh, chàng trai Nguyễn Văn Trường rời quê hương Vĩnh Linh (Quảng Trị) đến TP.Đà Nẵng lập nghiệp với nghề trao đổi và mua bán tiền cổ khi tuổi đời chỉ vừa đôi mươi. Những lần cầm trên tay những tờ tiền có tuổi đời cao nhưng lại bị mủn rách, Trường cứ tiếc hùi hụi, tự nhủ “giá mà nó còn nguyên vẹn chắc sẽ được giá lắm”. Thế rồi nhiều lần như thế, Trường quyết định thử vá những tờ tiền bị rách và phục chế bằng cách vẽ lại những đường nét nguyên bản. “Đó cũng là cách để thử thách năng khiếu hội họa của mình đến đâu sau khi tôi bỏ ngang ngành mỹ thuật (Cao đẳng Sư phạm Huế) vào năm 2021”, Trường kể.
Tờ tiền đầu tiên Trường phục chế là tờ bị rách một góc với chất liệu giấy xưa. Mỗi khi cầm tờ tiền trên tay, câu hỏi lớn nhất mà Trường đặt ra là loại giấy nào thì phù hợp để vá. Anh lân la dò hỏi những người có nhiều kinh nghiệm chơi tiền cổ thì được biết các tiệm bán sách xưa in trên giấy bổi (giấy được làm bằng rơm) nhiều khả năng sẽ khớp với tiền cổ. Mỗi lần đến các tiệm sách ở Đà Nẵng, Trường lại mang về rất nhiều sách xưa để thử nghiệm. Sau nhiều lần vá, cuối cùng Trường đúc kết rằng, loại giấy phù hợp nhất là những trang sách xưa được in vào những năm 1960.
“Để phục chế một tờ tiền, tôi phải tích trữ rất nhiều sách xưa để mỗi lần nhận tiền của khách sẽ không loay hoay đi tìm giấy nữa. Dù vậy, có khi mua cả chục cân sách mà chỉ lấy được vài trang giấy không bị in chữ, hoặc chỉ lấy được phần lề rất nhỏ”, Trường chia sẻ. Để tờ tiền rách trở nên lành lặn và hồi sinh như nguyên bản, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, anh phải lấy giấy vá lại phần bị rách, tiếp đến ép tờ tiền cho cứng để làm thô. “Để tờ tiền trông tự nhiên phải dùng đồ nghề bào giấy cho mỏng, làm sao để mắt thường nhìn vào không thấy được đường chắp nối. Tiếp đó, ép tờ giấy cho thiệt phẳng. Công đoạn cuối là vẽ lại những đường nét đã mất lên phần vừa mới nối vào tờ tiền gốc. Đó cũng là công đoạn khó nhất”, Trường chia sẻ.
Trường đưa tôi xem những tờ tiền cổ mà anh vừa phục chế thành công. Đối chiếu với bản chụp lúc chưa qua bàn tay xử lý của anh, quả thật bằng mắt thường rất khó nhận ra đó là những tờ tiền từng bị trôi màu hoặc rách mất một vài phần… Có được kết quả đó, Trường đã kiên trì rèn luyện từng ngày và tỉ mẩn trong từng nét vẽ.
CAO THỦ BÚT TRE
Tài vẽ đường nét phục chế tiền cổ của Trường làm tôi nhớ đến nhân vật là một nam họa sĩ vẽ tờ 100 USD trông giống như thật trong bộ phim Hồng Kông ra mắt vào năm 2018. Tất nhiên, so với nhân vật hư cấu này, Trường không thể sánh bằng. Nhưng nếu vẽ một tờ tiền lên giấy, Trường hoàn toàn có thể làm được với màu sắc, họa tiết, đường nét… rất giống với tờ tiền gốc. Đưa tôi xem tờ 100 đồng do mình vẽ, Trường giải thích thêm: “Mỗi tờ tiền là mỗi bảng màu. Mẫu tiền vẽ lại để giải trí có thể màu sắc không cần chuẩn lắm. Nhưng với tiền phục chế thì nhất thiết phải tìm được màu chuẩn, đúng với màu tờ tiền đã nhuốm màu thời gian”.
Phải mất cả năm trời mày mò pha chế, Trường mới tìm ra được bí quyết để có được màu tương đồng. Cái khó nữa là phần giấy vá vào là giấy bổi dễ bị nhem màu nên thành phần màu cũng phải kiểm soát kỹ càng. Nếu không, chỉ cần một nét bút đặt xuống, phần giấy mới vá sẽ bị hỏng ngay, công sức vá, ép, bào giấy coi như đổ sông đổ bể. Theo Trường, điểm khó nhất khi phục chế tiền cổ là vẽ những hoa văn, họa tiết li ti lên giấy. Hồi đầu, Trường quay quắt tìm kiếm những loại bút có đầu nhọn nhưng vẫn không thể vẽ đúng độ mảnh. Để vẽ những đường nét này, Trường đã tự tạo bộ đồ nghề độc đáo với những chiếc bút được vót từ tre với mũi siêu nhọn, cho phép vẽ nét nền để những bút cỡ lớn vẽ chồng lên.
“Tôi từng phục chế tờ tiền Thành Thái 20 Piastres – một trong những tờ tiền giấy đầu tiên của VN cách đây khoảng 100 năm. Tờ tiền bị rách thành 3 mảnh nên rất khó khăn khi bóc keo dán để làm sao không mất màu, việc ghép nối cũng phải tinh xảo. Khó nữa là màu của tờ tiền này rất đặc biệt… Phải mất 15 ngày tôi mới phục chế xong. Khi nhận lại, khách hàng mừng ra mặt vì tờ tiền không những quý mà còn có ý nghĩa với chủ nhân”, Trường kể. Anh cũng từng phục chế nhiều tờ tiền có giá trị, như tiền Thành Thái các mệnh giá, bản tiền in thử, tiền Đông Dương, tiền Cụ Hồ giấy rơm… Những loại tiền giấy này rất khó phục chế và tốn rất nhiều thời gian.
“Có loại tiền giấy nào khiến Trường bó tay?”, tôi hỏi. Trường cho biết đó là những tờ tiền đã qua xử lý hóa chất để làm mới hoặc những tờ tiền mà giấy đã bị mủn. Khi nhận được những tờ tiền như thế, Trường sẽ từ chối vì lo không những không phục chế được mà còn làm hỏng. “Có những tờ tiền cũ ít giá trị, trong khi thù lao phục chế có khi bằng tờ tiền đó, tôi sẽ trao đổi với khách để họ cân nhắc có nên làm hay không. Nếu họ muốn làm thì tôi sẵn lòng. Tùy vào độ khó, yêu cầu phục chế của khách mà tiền công có giá từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng”, Trường chia sẻ. (còn tiếp)
Thanhnien.vn
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-nghe-doc-la-phuc-sinh-nhung-to-tien-co-185241014233405929.htm