Từ ngày 4-19/5, sự kiện thường niên Những ngày Văn học châu Âu sẽ quay trở lại với chuỗi hoạt động đa dạng từ sự kiện thảo luận, workshop, triển lãm tập trung vào văn học giới.
Những ngày văn học châu Âu – chuỗi chương trình được khởi xướng bởi EUNIC (Hiệp hội các tổ chức về văn hóa châu Âu), năm nay sẽ giới thiệu những tác phẩm nữ quyền và queer của các nhà văn trẻ, cũng như gợi mở những hướng tiếp cận khác của những tác phẩm kinh điển của văn chương châu Âu.
Đặc biệt, trong năm nay, sự kiện sẽ khởi xướng những diễn đàn đối thoại cho những nhà văn thuộc dòng ngoại biên của văn chương ở các nước châu Âu và Việt Nam.
Cụ thể hơn, các sự kiện sẽ giới thiệu những tác phẩm quan trọng, cũng như những dòng văn chương khác được khởi xướng bởi một thế hệ các nhà văn trẻ ở cả châu Âu và Việt Nam.
Đặc biệt, một số nhà văn châu Âu cũng sẽ được mời đến Việt Nam và tham gia vào những thảo luận về văn học giới với những cây viết và đối tác Việt Nam.
Nilufar Karkhiran Khozani & Jayrôme C. Robinet – hai nhà văn người Đức, sẽ thảo luận về những xuất bản gần đây của họ, cũng như đưa đến những góc nhìn về phong trào vận động về quyền LGBTQI+ tại Đức.
Họ sẽ dẫn dắt ba workshop về các chủ đề khác nhau về văn chương queer và nữ quyền nhằm hướng đến các cây viết trẻ đang theo đuổi văn chương nằm ngoài dòng chính.
Bên cạnh đó, nhà văn Alena Mornštajnová – người được mệnh danh là “bà hoàng” của văn học Czech, cũng sẽ có những chia sẻ trực tiếp với độc giả yêu văn học Hà Nội về tác phẩm Bác Hana mới xuất bản tại Việt Nam hồi năm 2023.
Ngoài ra, nhà văn và nghệ sẽ đến từ Xứ Wales Joshua Jones sẽ điều phối cuộc thảo luận xoay quanh cuốn sách Room/Ystafell/ Phòng.
Đây là tác phẩm quy tụ trải nghiệm queer của 6 cây viết từ Việt Nam và Xứ Wales – là sự kiện mở màn cho triển lãm thơ và ảnh của 6 tác giả trên tại Goethe-Institut.
Năm nay, Những ngày Văn học châu Âu sẽ có sự tham gia của các tổ chức: Goethe- Institut, Hội đồng Anh, Viện Cervantes, Đại sứ quán Tây Ban Nha, Đại sứ quán Italy, Đại sứ quán Ba Lan và Đại sứ quán Czech.
Sự kiện cũng sẽ đặt ra những thảo luận về các tác giả văn chương kinh điển như nhà thơ Tây Ban Nha Federico García Lorca và gồm các sự kiện mời gọi thảo luận những vấn đề có tính đương đại hơn thông qua câu chuyện và góc nhìn của những nhà văn và dịch giả nữ.
Chia sẻ về chương trình năm nay, ông Oliver Brandt, Chủ tịch EUNIC Việt Nam và Viện trưởng Goethe-Institut cho biết: “Trong những năm gần đây, văn đàn châu Âu chứng kiến sự xuất hiện nhiều hơn của những cây viết nữ và queer.
Các tác phẩm của họ đặt ra những thảo luận đa dạng về giới, đồng thời phản tư về những vấn đề của căn tính queer và người nữ, từ đó mở ra một hành trình nhiều chông gai nhưng cũng không ít vinh quang để đến với bình đẳng xã hội.
Đặc biệt, trong văn chương của những cây viết trẻ, chúng ta tìm thấy những cách biểu đạt và cảm thức khác về sự đa dạng giới”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/nhung-ngay-van-hoc-chau-au-2024-tai-viet-nam-se-tap-trung-vao-chu-de-gioi-270083.html