Liên quan thương vụ thâu tóm hơn 6.000 m2 đất vàng của Công ty THHH MTV – Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) tại bất động sản số 33 Nguyễn Du và số 34 – 36 – 42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM), hôm 27/10, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với Huỳnh Thế Năng (nguyên Tổng Giám đốc Vinafood 2) và Đinh Trường Chinh (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân).
2 bị can bị khởi tố để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại khu đất vàng nói trên.
Trước đó, tháng 8/2022, UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi khu đất theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai.
Trước những diễn biến liên tục tại khu đất vàng, nhiều người thắc mắc, các hộ dân đang sống ‘treo” tại đây hiện ra sao.
Ngày 15/11, PV VTC News có mặt tại khu đất nói trên. Theo thời gian, hiện trạng khu đất ngày càng xuống cấp nghiêm trọng: Toàn khu nhếch nhác, tường rào chờ đổ sập, nhà cửa các hộ dân thủng dột, ọp ẹp…
Ông C., người sống 40 năm tại đây cho biết, sau khi khu đất được Nhà nước thu hồi, nguyên lãnh đạo các doanh nghiệp sai phạm bị khởi tố, hiện gia đình ông và 29 hộ dân khác lại một lần nữa rơi vào bế tắc.
“Trước đây khi Nhà nước chưa thu hồi thì chúng tôi còn biết đến chỗ Công ty Vinafood 2 với Việt Hân để đòi, để phán ánh. Còn bây giờ, đất bị thu hồi, lãnh đạo doanh nghiệp thì lại bị khởi tố, chúng tôi thật sự không biết kêu ai nữa”, ông C. nói.
Lối vào nhếch nhác như khu ổ chuột.
Khoảng 2 năm trước, Công ty Việt Hân từng đưa ra giá đền bù gần 150 triệu đồng/m2 cho gia đình ông C. Dù giá đất trong khu vực thời điểm đó ở khoảng 300 triệu đồng/m2, gia đình ông vẫn chấp nhận mức giá mà Công ty Việt Hân đưa ra với hy vọng thoát cảnh sống “treo”.
Thế nhưng, khi gia đình ông C. sắp dọn đi, thì Công ty Việt Hân hủy bỏ giao dịch.
“Nhà tôi là 70m2, hồi đó họ trả 12 tỷ đồng. Đồng ý xong xuôi rồi, nhưng đến lúc sắp chuyển đi thì họ hủy. Ở vị trí này, lõi của trung tâm quận 1, giá 150 triệu đồng nói thật chỉ để tượng trưng thôi, chứ 300 – 500 triệu cũng khó kiếm được đất ở đây mà mua.
Còn chúng tôi, cả đời sống ở đây rồi, nhà cửa xuống cấp đâu có được sửa, vì nằm trong quy hoạch. Chúng tôi chỉ mong những ngày còn lại của cuộc đời được sống ở nơi khang trang chút”, ông C., giãi bày.
Nói về “lối thoát” hiện tại, bà G., cư dân “đời đầu” tại đây cho rằng, giờ chỉ chờ phương án Nhà nước đồng ý áp dụng Nghị định 61 của Chính phủ để hóa giá nhà thì người dân mới có thể thoát cảnh sống “treo”.
“Nghị định 61 của Chính phủ đã có từ 1994, rất nhiều khu đất rơi vào trường hợp tương tự như chúng tôi đây đã được áp dụng hóa giá nhà. Chúng tôi cũng không đòi hỏi gì hết, chỉ mong được hóa giá nhà, được giao dịch, được cấp sổ thôi. Đời chúng tôi đã sống “treo” gần nửa thế kỷ, chẳng nhẽ đời con cháu chúng tôi lại tiếp tục vậy”, bà G. nói.
Theo bà G., khu đất này trước đây là nơi ở tập thể của các cán bộ, nhân viên Vinafood 2 từ sau ngày Giải phóng miền Nam. Thời điểm đó, vị trí này chỉ là một đồi đất. Sau khi khai hoang, mọi người cùng dựng nhà rồi chăn thả gia súc, gia cầm và sinh sống cho tới bây giờ.
Liên quan tới các sai phạm tại khu đất, trước đó, Thanh tra Chính phủ có kết luận gửi Thủ tướng để báo cáo kết quả kiểm tra thông tin báo chí phản ánh cùng việc khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án.
Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt mánh khóe của Vinafood 2 và Công ty Việt Hân trong thương vụ thâu tóm đất công tại dự án nói trên.
Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, năm 2010, sau khi được TP.HCM giao dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du và số 34 – 36 – 42 Chu Mạnh Trinh với diện tích 6.274,5m2 theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần, Vinafood 2 lập tức liên kết, góp vốn với Công ty Việt Hân thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại.
Trong thời gian hợp tác, Vinafood 2 đã 4 lần cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 1647/VPCP-KTN ngày 15/9/2015 (giai đoạn từ sau ngày 15/9/2105 đến ngày 29/1/2016).
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã lợi dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) số BB971073 kèm chứng thư xác định trị giá tài sản đảm bảo hơn 7.000 tỷ đồng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho 7 công ty khác hơn 6.000 tỷ đồng bằng cách lập dự án khống.
Thy Huệ