Kỹ thuật và Sản xuất-chế biến, Kinh doanh và quản lý là những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất ở 4 tỉnh Đông Nam Bộ.
Đây là kết quả đề án khảo sát tuyển dụng nhân sự tại 4 tỉnh Đông Nam Bộ (TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu) do nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP HCM thực hiện, công bố cuối tuần trước.
Nhóm đã khảo sát 1.800 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp chế biến – chế tạo và Thương mại – tiêu dùng (chiếm 58%).
Những công việc được tuyển dụng nhiều là Kỹ thuật (15.140 việc làm), tiếp đến là Công nghệ kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kinh doanh và Quản lý với số lượng nhân sự được tuyển dụng mới dao động 10.000-11.000 người cho mỗi lĩnh vực.
Trong các trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM, sinh viên Đại học Bách khoa được ưu tiên tuyển dụng cao nhất ở cả 4 tỉnh, thành Đông Nam Bộ, với 24,4% nhà tuyển dụng lựa chọn. Tiếp đến là sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên và Kinh tế-Luật – khoảng 16%. Chỉ số này ở các trường còn lại khoảng 7,5-10%.
Với trường ngoài hệ thống Đại học Quốc gia TP HCM, xu hướng tuyển dụng thể hiện sự khác biệt theo lĩnh vực. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Kinh doanh – Quản lý ưu tiên ứng viên tốt nghiệp từ Đại học Kinh tế TP HCM hay Đại học Ngoại thương cơ sở II. Trong lĩnh vực Kỹ thuật, Công nghệ, doanh nghiệp ưu tiên tuyển sinh viên tốt nghiệp từ trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM, Công nghiệp, Nông Lâm.
Các doanh nghiệp cho biết mức lương khởi điểm họ đề xuất cho cử nhân phổ biến là 5-10 triệu mỗi tháng. Cử nhân vẫn có thể nhận mức lương khởi điểm 10-15 triệu đồng nhưng không nhiều. Với ứng viên có trình độ thạc sĩ, mức này khoảng 10-20 triệu đồng và 15-30 triệu đồng với người có bằng tiến sĩ.
Cũng theo kết quả khảo sát, từ nay đến 2025, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở bốn tỉnh miền Đông Nam Bộ dự kiến giảm 12,6%. Trong đó, lĩnh vực Kiến trúc và Xây dựng (-31,2%), Dịch vụ xã hội (-30,5%), giảm mạnh nhất.
Một số lĩnh vực khác cũng có nhu cầu tuyển dụng giảm đáng kể, đều trên 23% là Nghệ thuật; Toán và thống kê; Nông, lâm nghiệp và thủy sản (-23,12%). Còn lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật; Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân giảm trên 20%.
Chỉ hai lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng tăng là Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Pháp luật, từ 0,35% đến 7,7%.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Chủ nhiệm đề tài, cho biết đây là lần đầu tiên Đại học Quốc gia TP HCM thực hiện khảo sát cơ bản về tiền lương và xu hướng tuyển dụng. Nhóm không đưa ra đánh giá cụ thể hơn.
Với kết quả ghi nhận ban đầu, nhóm nghiên cứu đề xuất Đại học Quốc gia TP HCM tiếp tục thực hiện khảo sát định kỳ với phạm vi lớn, chi tiết hơn để dự báo nhu cầu của nhà tuyển dụng, phục vụ cho công tác quy hoạch ngành đào tạo.
Lệ Nguyễn