Thị trường lao động sáng dần
Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi, trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố) đã thực hiện khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của gần 6.000 doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng của 43.000 lượt doanh nghiệp với gần 154.000 vị trí làm việc và hơn 76.000 người có nhu cầu tìm việc.
Từ kết quả các cuộc khảo sát trên, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, nhận định: “Trong 6 tháng đầu năm, thị trường lao động thành phố có nhiều biến động dưới tác động của nền kinh tế trong nước và thế giới, tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp còn chậm”.
Theo Falmi, nhiều doanh nghiệp sau thời gian ứng phó với đại dịch Covid-19, nguồn lực tài chính còn khó khăn để có thể tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất đáp ứng sự thay đổi về tiêu chuẩn, thị hiếu và yêu cầu mới của khách hàng đối với hàng hóa.
Thời gian qua, thành phố cũng đã có nhiều biện pháp chủ động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh như thu hút đầu tư, giảm lãi suất, hỗ trợ giảm thuế, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới, hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động… Nhờ đó, bức tranh thị trường lao động đang sáng dần lên theo đà phục hồi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, Falmi đánh giá kinh tế thành phố tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khó lường khi thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động xuất nhập khẩu tuy có tăng nhưng còn chậm, tình trạng đơn hàng vẫn chưa hoàn toàn phục hồi về mức trước đại dịch…
Đánh giá chung thị trường lao động 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Hoàng Hiếu cho rằng: “Tình hình lao động, việc làm tiếp tục có nhiều biến động, việc cắt giảm lao động vẫn xảy ra, nhất là các ngành dệt may – giày da, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ…”.
Hai kịch bản cho thị trường lao động
Từ diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm, Falmi dự báo, nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm sẽ diễn biến theo hai kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn có chiều hướng chậm lại, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, dẫn đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi.
Khi đó, Falmi dự báo nhu cầu nhân lực trong 6 tháng cuối, thành phố sẽ cần 145.000-155.000 người.
Kịch bản thứ hai, tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn biến theo chiều hướng tích cực, tình hình kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu khả quan, doanh nghiệp tại Thành phố có cơ hội tăng đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất.
Khi đó, nhu cầu lao động tăng, tạo điều kiện ổn định thu nhập cho người lao động và Falmi dự báo nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm là khoảng 155.000-165.000 người.
Theo Falmi, dù số lượng nhân lực có thay đổi theo kịch bản khác nhau nhưng nhu cầu tuyển dụng vẫn tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu.
Cụ thể, nhu cầu nhân lực của thành phố vẫn tập trung ở khu vực thương mại – dịch vụ (chiếm 64,57% tổng nhu cầu nhân lực), kế đến là khu vực công nghiệp – xây dựng (chiếm 34,62%) và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm 0,81%.
Trong khu vực thương mại – dịch vụ, nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu đã chiếm đến 54,77% tổng nhu cầu nhân lực. Một số ngành chiếm tỷ lệ tuyển dụng cao là thương mại (18,41%); vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng – hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu (4,22%); du lịch (4,67%); tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm (6,19%); kinh doanh tài sản – bất động sản (7,96%)…
Trong khu vực công nghiệp – xây dựng, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm đến 21,97% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, ngành cơ khí chiếm 6,11%; điện tử – công nghệ thông tin chiếm 7,2%; chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 4,02%; hóa dược – cao su chiếm 4,64%.