Vở kịch thể nghiệm “Mình nói chuyện mình” (tác giả, đạo diễn Đoàn Khoa) đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt sau 5 suất diễn tại Nhà hát Thực nghiệm Trường Múa TP HCM.
Nếu tác giả là người sáng tạo thứ nhất, tạo ra những tính cách cho các nhân vật; đạo diễn là người sáng tạo thứ hai, sắp xếp, bố cục hợp lý các nhân vật cho các diễn viên, sau cùng diễn viên là người quyết định sự thành công của vở diễn trên sân khấu, thì trong “Mình nói chuyện mình” đạo diễn Đoàn Khoa đã có một cuộc thể nghiệm trọn vẹn.
Trong “Mình nói chuyện mình” – Đoàn Khoa vừa là tác giả lại kiêm luôn đạo diễn, rồi cả diễn viên. Từ góc độ diễn viên – Đoàn Khoa đã mở rộng kịch bản để mỗi diễn viên tự tiếp nhận, đúc kết qua các buổi diễn để làm rõ hơn tính cách nhân vật. Đoàn Khoa cũng phá vỡ mọi rào cản quen thuộc của cách viết kịch, chọn một lối đi riêng, đi vào nhận thức để sửa đổi, để răn mình.
Một cảnh trong vở kịch thể nghiệm “Mình nói chuyện mình” của Đoàn Khoa
Cách dàn dựng, cách bố cục ánh sáng trong “Mình nói chuyện mình” cũng được xử lý theo hướng mới tiết kiệm tối đa âm nhạc. Bởi theo Đoàn Khoa, hơi thở cuộc sống chính là sự im lặng để tiếp nhận. Những thể nghiệm mới này người xem đã tìm thấy ở các nhân vật sự cảm thông, để rồi vỡ òa nhận ra chính mình trong câu chuyện kịch.
Hậu trường của vở kịch thể nghiệm này cũng có nhiều thông tin tích cực, đầu tiên là vai diễn người đàn bà – Đoàn Khoa đã “đo ni đóng giày” cho nghệ sĩ Tú Trinh, nhưng bà từ chối bởi “tôi bây giờ có tuổi rồi, chậm lắm, ra sân khấu lỡ quên câu thoại sẽ làm “hư” vở diễn”. Đạo diễn Đoàn Khoa cũng thú nhận, chính sự từ chối đó khiến ông nhẹ lòng. Vì một khi ra sàn diễn, diễn viên phải sống với nhân vật một cách đúng nghĩa, chứ không thể dễ dãi vừa diễn vừa chờ nhắc tuồng.
Đạo diễn Đoàn Khoa cũng tiết lộ sở dĩ anh cáng đáng cả vai trò diễn viên là vì “xoay người không ra”. Khán giả đã xúc động với vai diễn “đèn đường” của Đoàn Khoa, có người đã bật khóc ở chi tiết cây đèn đường nâng niu một hộp nhạc sau tiếng nổ thức tỉnh. Đoàn Khoa – chỉ bằng hình thể, ánh mắt và hơi thở đã khiến cả khán phòng rưng rưng.
Cùng với kịch thể nghiệm “Mình nói chuyện mình”, sàn diễn TP HCM vừa có thêm một loại hình kịch mới – kịch phi lý. Nghệ sĩ Chinh Ba đã giới thiệu đến khán giả TP HCM thể loại kịch phi lý với vở diễn mang tên “Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn” (vừa công diễn tại một phim trường ở quận Bình Thạnh, TP HCM), vở diễn này cũng đã được đông đảo khán giả đón nhận. Theo nghệ sĩ Chinh Ba, thực hiện loại hình kịch mới nhằm đa dạng thêm loại hình thưởng thức nghệ thuật cho công chúng, nhất là đối tượng khán giả trẻ.
Có thể nói sàn diễn hôm nay và ngày mai sẽ không chết, khán giả sẽ không quay lưng một khi người nghệ sĩ vẫn làm nghề một cách tự trọng và tử tế, vẫn đốt cháy năng lượng của người nghệ sĩ trên sàn diễn.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/nhung-net-moi-cua-san-khau-kich-2023081622072727.htm