Bình Dương mùa xuân là mùa cao su thay lá mới, ra hoa và kết trái. Nói đến cao su là người ta thường chỉ nghĩ đến nhựa hay còn gọi là mủ và gỗ của nó. Nếu không phải là người con của những vùng đất trồng loại cây này chắc không ngờ rằng, cây cao su lại có những chùm hoa đẹp như vậy. Không nổi tiếng như hoa sưa hay hoa mận ở miền Bắc, hoa cao su có nét đẹp thân thương và bình dị như những con người đất đỏ miền Đông. Hoa cao su gắn liền với tuổi thơ tôi và những lãng mạn xưa cũ.
Hoa cao su đẹp nhất vào những đêm trăng. Còn nhớ mấy năm cấp 3 ở Tân Uyên, anh bạn học hát vu vơ mấy câu trong bài Sông Bé đêm ngát hương của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mà tôi còn nhớ đến tận bây giờ. “Trăng vừa lên, hoa cao su lâng lâng tỏa hương, thơm làn tóc em, ngạt ngào trong gió đêm, đang gọi mùa xuân đến”. Chắc cũng từ lúc đó mà mỗi cuối tuần về nhà, tôi lại hay ra sau hè ngước lên vòm cây cao su để ngắm nhìn những bông hoa trắng “như muôn vì sao, lắt lay những giọt sương nhuốm mầm xanh lá non”. Đó là lần đầu tiên thấy nhớ một người, và bao dự định tương lai trong trẻo cũng được vẽ lên dưới vòm hoa cao su thanh khiết. Trong ánh mắt của cô nữ sinh năm đó cũng long lanh dưới vòm lá non, bộ áo vừa được thay cho một mùa xuân mới.
Ở quê tôi nhà nhà trồng cao su, trồng riêng trên đất vườn chứ không thuộc của nông trường nào. Để tăng sản lượng, nhà tôi còn tận dụng đất trống quanh vườn trồng thêm vài chục gốc. Thế nên hồi đó, nhà tôi lọt thỏm giữa vườn cây cao su, bốn mùa mát rượi. Gần tết lá cao su rụng đầy, sáng sớm nào má tôi cũng quét gom thành từng đống rồi đốt lên, tôi thường ngồi sưởi cho ấm rồi mới đi đến trường, mùi khói lá còn vương trên chiếc áo len cũ. Vườn cao su lúc vừa chuyển mình thay lá cũng rất đẹp, từng cung bậc từ úa cho đến vàng rồi đỏ. Lúc đó là lúc dừng thu hoạch nhựa cây, rụng xong đám lá già là cao su lại đâm chồi ra lá mới, rồi từng chùm hoa lại chen chúc nhau nở rộ.
Chỉ thêm mấy chục gốc nhưng lượng mủ thu được cũng rất đáng kể. Cộng thêm với lượng thu hoạch được từ vườn chính, mủ cao su hồi đó là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình tôi. Nhờ những dòng nhựa trắng được ví như dòng sữa mẹ mà anh em chúng tôi khôn lớn. Thế nên đối với vùng đất quê tôi, tình yêu đối với cao su như tình yêu đối với cha mẹ, quê hương. Nếu như thân cây cho nhựa trong suốt những năm cây còn trong độ tuổi thu hoạch thì khi già, cây cũng sẽ mang lại nguồn gỗ quý giá. Chưa kể trái cao su đem phơi khô và những nhánh cây, cũng được tận dụng hết để đun lửa nấu nướng trong sinh hoạt hằng ngày. Còn đối với những đứa lãng mạn như tôi thì hoa cao su cho tôi những kỷ niệm êm đềm nhất của thời thơ ấu.
Những đêm trăng ấy, từng chùm hoa cao su dìu dịu tỏa hương. Tôi viết những bài thơ ngây ngô tuổi học trò nhiều mơ mộng. Những đêm ôn bài dưới ánh đèn leo lét bên cửa sổ, bị phân tâm khi mỗi cơn gió đi qua, mang hương thơm lay động lòng cô gái cũng vừa độ tuổi như trăng. Không kìm nén được cảm giác muốn gần hơn với những chùm hoa ngoài kia, cô gái bước ra ngoài tắm mình trong làn hương thanh khiết. Những năm đại học xa nhà, nhớ nhất cũng là nhớ những chùm hoa cao su mà chỉ quê tôi mới có. Tôi đã viết nhật ký vào những đêm như thế, tôi đã trao gửi những ước mơ thời niên thiếu của mình lên những chùm hoa. Tôi cũng có những chuyện buồn mà chỉ có trăng, gió và hoa thấu hiểu. Cái năm mà người bạn học ngày xưa gửi thiệp hồng báo tin, không hiểu sao cũng trùng hợp vào thời gian hoa cao su nở. Đêm đó tôi đã đứng ngoài sương rất lâu, trái tim non trẻ dường như hẫng đi một nhịp, tôi không biết diễn tả như thế nào những cảm xúc không thể gọi tên. Tôi chỉ biết lặng lẽ chìm trong một không gian mà từ lâu nó đã chở che tôi như là tử cung của mẹ. Cũng như sau này tôi chỉ có thể lặng lẽ đứng nhìn người thợ cưa cưa đổ những cây cao su cuối cùng, để nhường đất cho công trình quy hoạch.
Hoa cao su không thơm nồng nàn như hoa sữa, hương hoa rất nhẹ, khẽ khàng trong không gian bàng bạc ánh trăng, trăng của mùa xuân và cả tuổi trẻ của tôi trong đó. Tuổi trẻ với những bài ca đầy tự hào về tình yêu và quê hương mình. “Đêm thanh vắng, nghe làn gió êm lay động vầng trăng. Phấn hoa man mát mùi hương. Ai biết lòng ai có còn vấn vương. Như em chờ anh dịu dàng e ấp trong lá xanh. Thầm lặng năm tháng niềm nhớ thương. Màu xanh tươi mãi với quê hương…”.
Tôi đã có những mùa hoa cao su như thế. Mỗi độ giêng hai về là hình như hoa cũng nở từng chùm trong ký ức mùa xuân xưa.
120 triệu đồng giải thưởng cho cuộc thi viết Hào khí miền Đông
Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí… Tác phẩm dự thi được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (với người nước ngoài) không quá 1.200 chữ, riêng đối với thể loại phóng sự báo chí không quá 1.500 chữ, khuyến khích đính kèm ảnh minh họa của chính tác giả hoặc ảnh có bản quyền do tác giả cung cấp;
Tác phẩm dự thi phải là những sáng tác mới, chưa được sử dụng, chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào, chưa đưa lên các website, blog, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter…của các tổ chức, cá nhân. Các tác phẩm dự thi không được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi kết thúc cuộc thi;
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email [email protected] hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Hào khí miền Đông). Cuộc thi sẽ nhận bài dự thi đến hết 15.11.2023. Bài viết được chọn đăng trên nhật Báo Thanh Niên và báo Thanh Niên điện tử thanhnien.vn sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn/van-hoa/hao-khi-mien-dong