Tuy nhiên, các cơ quan y tế khẳng định, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine và vẫn là sản phẩm gây nghiện.
Mức độ độc hại tương đương thuốc lá truyền thống
Theo Bộ Y tế, để che giấu độ gắt của nicotine – một chất gây nghiện cao, các nhà sản xuất thuốc lá điện tử sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: bạc hà, táo, cam, chanh… Việc làm này khiến thuốc lá điện tử dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn và có mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ. Thuốc lá điện tử còn chứa vitamin E axetat và THC – một chất kích thích hệ thần kinh có chứa trong cần sa, được cho là tác nhân quan trọng gây ra hàng nghìn trường hợp tổn thương phổi.
Trong khi đó, thuốc lá nung nóng được chế biến theo quy trình đặc biệt từ nguyên liệu thuốc lá điếu thông thường (sử dụng giấy, lá thuốc lá hoặc gỗ có tẩm nicotine). Lượng nicotine, thành phần các chất khác và sự độc hại không khác biệt đáng kể, tương đương với thuốc lá điếu thông thường.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một “biện pháp hỗ trợ cai nghiện”. Thậm chí, những người trẻ chưa từng hút thuốc lá điếu thông thường nhưng sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ nghiện thuốc lá điếu thông thường cao gấp 2-3 lần so với những người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.
* Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có thể gây tổn thương phổi, tim và não, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi.
* Giống như hút thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử cũng tỏa ra các hóa chất độc hại có trong khói xe ô tô và thuốc trừ sâu gây ung thư.
* Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng nhanh chóng gây nghiện nicotine và khó cai nghiện.Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá, các quốc gia đều thống nhất quan điểm: Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng.
WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại. Các bên cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.
Chia sẻ về thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam, TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Trong ba năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng. Theo kết quả nghiên cứu do Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế thực hiện năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố đã tăng 18 lần so với năm 2015, từ mức chỉ khoảng 0,2% tăng lên đến 3,6%.
Đáng chú ý, có tới 8% phụ nữ và trẻ em gái hút thuốc lá điện tử trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ chỉ có 1,2%. Hút thuốc lá điện tử ở trẻ em gái độ tuổi vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ gây ra các hệ lụy về sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ xã hội, môi trường
Cũng theo TS Trần Văn Thuấn, một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác.
Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Tình trạng pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử (Cannabis và Marijuana) đã được ghi nhận ở Trung tâm Chống độc Bệnh Viện Bạch Mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
Nguy hiểm hơn, các loại thuốc phối trộn này đã len lỏi vào học đường, ở trong các gia đình và đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của các em học sinh còn ở độ tuổi rất nhỏ. Cuối năm 2022, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng từng tiếp nhận 4 học sinh (sinh năm 2008) nhập viện cấp cứu do sử dụng thuốc lá điện tử. Thông tin ban đầu được biết trước khi vào viện khoảng một giờ, các nam sinh có sử dụng thuốc lá điện tử, nhưng chưa rõ chủng loại và chưa rõ nguồn gốc. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện cảm giác choáng váng, khó chịu toàn thân, bủn rủn, run tay chân, tức ngực, khó thở, nôn nhiều. Nguyên nhân chung là do các em đã thử hoặc hít phải thuốc lá điện tử.
Một trường hợp khác là bé trai 5 tuổi ở Hà Nội uống khoảng 5ml dung dịch màu vàng của thuốc lá điện tử, 15 phút sau có biểu hiện co giật, nôn ói rồi hôn mê được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bé dương tính với ADB-BUTINACA, một loại ma túy tổng hợp mới. Sau vài ngày điều trị, cậu bé đã xuất viện nhưng vẫn phải được theo dõi sát sao để tránh biến chứng.
Kết quả Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi năm 2021-2022 của Bộ Y tế cho thấy, có hơn 60% thanh thiếu nhiên được người khác cho thuốc lá điện tử; hơn 20% mua trên mạng Iinternet và khoảng 2% mua từ chính bạn học. Việc tiếp cận thuốc lá điện tử hiện nay quá dễ dàng trong khi Luật pháp chưa có các quy định quản lý kịp thời là nguyên nhân chính làm gia tăng lượng người sử dụng tại Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ vốn dễ bị thu hút bởi các trào lưu mới.
Theo Bác sĩ Hồ Thị Hồng, Trung tâm Giám sát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, bên cạnh các tác hại tới sức khỏe như gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng xấu lối sống của thanh thiếu niên, đồng thời gây ra các tác hại trước mắt và lâu dài về môi trường.
Các sản phẩm thuốc lá điện tử hiện nay còn thiếu hướng dẫn người dùng cách vứt bỏ sản phẩm. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2017 và một số nghiên cứu khác cho thấy: hai phần ba lượng thuốc lá điếu bị vứt bừa bãi; chỉ riêng chi phí dọn sạch lượng thuốc lá bị vứt bừa bãi đã là 11 tỷ USD, chưa kể các chi phí môi trường khác trong cả chuỗi cung ứng thuốc lá: trồng cây, sấy,… Thêm vào đó, thiết bị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có rất nhiều thành phần: nhựa, pin, bảng mạch điện, lọ dung dịch…, quy trình dỡ bỏ, phân loại,… nhằm tái chế hay vứt bỏ, tiêu hủy đều phức tạp và tốn kém. Nếu bị vứt bỏ dưới dạng vỡ, nát có thể phát tán ra môi trường các chất độc hại như kim loại, axit, nicotine…
Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như những người xung quanh, bảo vệ môi trường, người dân – đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên nên thực hành lối sống lành mạnh, biết từ chối với những cám dỗ, nói không với thuốc lá và các sản phẩm độc hại.
Một số khuyến cáo của WHO nhằm tăng cường kiểm soát thuốc lá:
– Tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm sức mua nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm thuốc lá, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên.
– Cần xây dựng môi trường không khói thuốc lá đặc biệt lưu ý những khu vực công cộng mà giới trẻ hay đến như nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi.
– Tăng cường thực thi các quy định cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại, và tài trợ dưới mọi hình thức.
– Tăng cường quản lý việc bán thuốc lá cho nhóm trẻ vị thành niên, cấm bán thuốc lá ở khu vực quanh trường học, đặc biệt ngăn chặn việc tiếp cận và sử dụng ngày càng gia tăng thuốc lá điện tử.
– Theo dõi và giám sát việc sử dụng thuốc lá thông qua các công cụ điều tra, giám sát số liệu.