Chiều 5/11, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Á.
Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Á được tổ chức nhằm chia sẻ về tiềm năng và lợi thế của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam trong khu vực cũng như tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực châu Á.
Thông tin về tổng quan các FTA trong khuôn khổ ASEAN, ông Quyền Anh Ngọc – Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – cho biết, trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các nước cam kết xóa bỏ, cắt giảm thuế nhập khẩu, không cam kết đối với thuế xuất khẩu. Cùng với đó, việc mở cửa thị trường hàng hóa tương tự các FTA ASEAN hiện hành.
Ông Quyền Anh Ngọc – Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – thông tin về tổng quan các FTA trong khuôn khổ ASEAN. Ảnh: Phương Cúc |
Các nước ASEAN xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 85,9%-100% số dòng thuế; lộ trình dài nhất từ 15-20 năm kể từ khi FTA có hiệu lực. Bên cạnh đó, các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 90,7%-98,3% số dòng thuế; lộ trình dài nhất từ 15-20 năm kể từ khi FTA có hiệu lực.
Điểm khác biệt về thuế với hiệp định này là các nước áp dụng cam kết thuế quan khác nhau với các đối tác khác nhau cho một số mặt hàng trong khi các FTA khác chỉ áp dụng một biểu cam kết thuế quan.
Cũng theo ông Quyền Anh Ngọc, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu được các nước xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực gồm thủy sản, thịt, rau quả, nông sản. Bên cạnh đó, một số loại máy móc, trang thiết bị cơ khí; dụng cụ phụ tùng, máy móc, máy vi tính và thiết bị linh kiện điện tử. Ngoài ra, còn có một số nhóm hàng giày, dép và bộ phận, phụ kiện của giày, dép; nguyên liệu dệt, hàng dệt may, quần áo, hóa chất.
Đối với cam kết mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cam kết toàn bộ 11 ngành hàng với khoảng 110/115 phân ngành dịch vụ (theo phân loại của WTO) từ dịch vụ viễn thông, tài chính, giao thông vận tải tới các dịch vụ khác như dịch vụ liên quan tới sản xuất, dịch vụ nghe nhìn… Mặt khác, mở cửa toàn bộ khách sạn, nhà hàng, kho bãi, đại lý vận tải hàng hóa, chuyển phát nhanh và một số phân ngành dịch vụ chuyên môn như dịch vụ kế toán, kiểm toán, kiến trúc, nghiên cứu và phát triển khoa học tự nhiên, cho thuê không kèm người điểu khiển đối với máy bay.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng, hàng hóa Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế đáng kể. Theo ông Quyền Anh Ngọc, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu giải quyết bài toán khan hiếm đầu vào, trong khi thuế nhập khẩu ưu đãi tại thị trường đích tạo lợi thế cạnh tranh rõ ràng. Môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi thúc đẩy đầu tư và kinh doanh, quy tắc xuất xứ linh hoạt đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Đặc biệt, việc đơn giản hóa giao dịch, thông quan và phát hành hóa đơn tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí. Ngoài ra, cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị khu vực mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những lợi thế này, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng mới. Việc hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, hiệp hội và nghiên cứu kỹ lưỡng các cam kết quốc tế cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp là yếu tố then chốt để khai thác tối đa cơ hội. Bằng cách nắm bắt lợi thế và chủ động thích ứng, hàng hóa Việt Nam có thể khẳng định vị thế trên thị trường xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Với mục tiêu tận dụng ưu đãi từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường – Tham tán Thương mại tại Indonesia – đã đưa ra những phân tích cụ thể.
Hội thảo giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực châu Á. Ảnh: Phương Cúc |
Thứ nhất, Indonesia sở hữu những đặc điểm thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam như văn hóa Á Đông gần gũi, thị trường dễ tính hơn so với các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Khoảng cách địa lý gần giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.
Thứ hai, hàng hoá Việt Nam đã dần khẳng định vị thế tại Indonesia với giá trị kim ngạch xuất khẩu gia tăng và có lợi thế so sánh trong nhiều nhóm hàng nông, thủy sản. Việc kết nối đường bay thẳng giữa hai nước thông qua Vietnam Airlines và Vietjet Air cũng là lợi thế để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo ông Cường, thị trường Indonesia cũng đặt ra một số thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp cần lưu ý đến các biện pháp bảo hộ cao của Indonesia như hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu, chứng nhận Halal, tiêu chuẩn quốc gia (SNI) và quy định về cảng nhập khẩu. Indonesia cũng thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời sở hữu địa hình chia cắt với nhiều đảo, dẫn đến chi phí logistics gia tăng.
Nhận thức rõ những thách thức này, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường Indonesia phù hợp, tận dụng lợi thế của FTA, tìm hiểu kỹ các quy định và tiêu chuẩn của thị trường, đồng thời nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.
Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI. Cùng đó, chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan Việt Nam trong trường hợp Indonesia khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại có liên quan tới sản phẩm của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Nhằm tránh bị lừa đảo hay tranh chấp thương mại, ông Phạm Thế Cường khuyến nghị, doanh nghiệp cần cảnh giác khi thấy việc đàm phán giá cả, hợp đồng đang diễn ra nhanh chóng, ít mặc cả, chấp nhận giá cao; không cung cấp hoặc cung cấp giấy tờ pháp lý doanh nghiệp dưới nhiều pháp nhân khác nhau. Do đó, trước khi ký hợp đồng doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác Indonesia phải cung cấp chứng nhận/sổ đăng ký kinh doanh (NIB) và mã số thuế (TIN).
Mặt khác, thực hiện thẩm tra đối tác thông qua Thương vụ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, các hiệp hội của Indonesia, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam CIC. Đặc biệt, doanh nghiệp lưu ý không chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản cá nhân. Điều khoản hợp đồng chặt chẽ, lưu ý điều khoản bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mình; trong đó, phải có điều khoản về tranh chấp, khiếu nại.
Nguồn: https://congthuong.vn/nhung-luu-y-khi-doanh-nghiep-xuat-khau-sang-thi-truong-chau-a-357002.html