Cảm cúm dễ bị nhầm với cảm lạnh dẫn đến điều trị sai cách, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Cùng tìm hiểu sự khác nhau giữa hai căn bệnh này trong bài viết sau.
1. Một số thông tin cơ bản về cảm lạnh và cảm cúm
Dưới đây là một số thông tin giúp bạn hiểu cơ bản về bệnh cảm lạnh và cảm cúm:
1.1. Cảm lạnh
Căn bệnh này có thể do nhiều loại virus khác nhau gây ra và xảy ra ở nhiều thời điểm trong năm. Tuy nhiên, thời điểm dễ mắc bệnh nhất là khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh.
Đau họng thường là biểu hiện đầu tiên của cảm lạnh
Bệnh chủ yếu gây ra những ảnh hưởng đến các cơ quan hô hấp như họng, mũi và xoang. Trẻ em thường có tần suất bị bệnh nhiều hơn người lớn. Các triệu chứng bệnh thường ở mức độ nhẹ, diễn ra chậm rãi, chẳng hạn như mệt mỏi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, ho có đờm,… Tình trạng này có thể khỏi sau khoảng 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị.
1.2 Cúm
Bệnh cúm thường do các chủng virus A, B, C gây ra. Những chủng virus này thường xuyên thay đổi cấu trúc kháng nguyên. Do đó, dù bị nhiễm bệnh nhưng bạn vẫn có thể bị tái phát.
Một số triệu chứng của bệnh như đau họng, chảy mũi, khó thở, mệt mỏi,… Những triệu chứng này nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn. Trẻ nhỏ bị cảm cúm có thể gặp phải những triệu chứng như nôn mửa hay quấy khóc vô cớ,…
Sốt cao thường là biểu hiện cảm cúm
Cảm cúm có thể lây lan rất nhanh và tạo thành dịch. Đáng lo ngại hơn khi căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm xoang, thậm chí gây tử vong. Bà bầu bị cảm cúm có nguy cơ sảy thai, dị tật thai nhi hoặc bị đe dọa tính mạng.
Những người bệnh dễ gặp phải biến chứng của cảm cúm như người cao tuổi, trẻ nhỏ, mẹ bầu, người có bệnh nền, người béo phì,…
2. Hướng dẫn phân biệt cảm cúm và cảm lạnh
Những chi tiết dưới đây sẽ giúp bạn có thể phân biệt rõ hơn giữa cảm cúm và cảm lạnh:
2.1.Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh cảm lạnh có thể do hàng trăm loại virus khác nhau gây ra. Tuy nhiên, cảm cúm thì thường do virus cúm với 3 chủng chủ yếu là A, B, C. So với chủng virus cúm C thì virus cúm A và B phổ biến hơn và nguy hiểm hơn.
2. 2. Về triệu chứng bệnh
– Cảm lạnh:
Các triệu chứng của bệnh thường xảy ra từ từ. Đầu tiên thường là tình trạng đau họng. Sau đó, vào ngày thứ 4-5, bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng chảy nước mũi, nghẹt mũi hay ho. Một số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em có thể bị sốt nhẹ. Thông thường, bệnh sẽ khỏi sau khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, tùy vào thể trạng và mức độ bệnh cũng như quá trình chăm sóc chưa được tốt, bệnh có thể kéo dài đến 2 tuần.
– Cảm cúm:
Biểu hiện thường gặp nhất của bệnh là tình trạng số cao từ 39 đến 40 độ C. Hơn nữa, tình trạng sốt cũng có thể kéo dài đến 3 – 4 ngày. Bên cạnh đó, người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác như đau đầu dữ dội, đau bụng, mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy, ớn lạnh,…. Những triệu chứng này không diễn biến từ từ như cảm lạnh mà thường xảy ra đột ngột và nghiêm trọng. Thời gian bị bệnh cũng có thể kéo dài hơn. Thông thường, người bệnh có thể khỏi cảm cúm sau 1 đến 2 tuần,
2.3. Về biến chứng
Bệnh cảm lạnh thường lành tính hơn cảm cúm và thường không gây ra biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, người bệnh hen suyễn bị cảm lạnh thì cần lưu ý vì nó có thể là nguyên nhân làm gia tăng cơn hen suyễn ở người bệnh, gây tắc nghẽn xoang, viêm phế quản,…
Bà bầu bị cảm cúm có thể gặp biến chứng nguy hiểm
Cảm cúm có thể tự khỏi nhưng cũng có thể gây ra những biến chứng vô cùng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, suy đa tạng, nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong. Hội chứng Reye là biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra ở những trẻ bị bệnh đang trong độ tuổi từ 2 đến 16 tuổi. Hội chứng này có thể xảy ra rất đột ngột, chỉ sau vài ngày khởi phát triệu chứng và làm tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh.
2.4. Về phương pháp phòng ngừa bệnh
– Cảm lạnh:
Hiện không có vắc xin phòng tránh cảm lạnh. Tuy nhiên, đây là bệnh lành tính và nếu được chăm sóc đúng cách, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Bạn có thể phòng ngừa cảm lạnh bằng những phương pháp sau:
+Thường xuyên rửa tay: Lưu ý, virus gây cảm lạnh có thể tồn tại trên da nhiều giờ đồng hồ, do đó việc rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, cồn hoặc dung dịch tẩy rửa. chính là phương pháp phòng bệnh rất hiệu quả.
+ Không đưa tay lên miệng, mũi và mắt khi chưa rửa tay.
+ Không nên tiếp xúc gần với những người bị cảm lạnh hoặc có biểu hiện nghi ngờ bệnh.
– Cảm cúm:
Hiện nay, biện pháp tốt nhất để phòng ngừa cảm cúm là tiêm phòng bệnh mỗi năm. Nhờ có vắc xin, cơ thể sẽ tạo ra hệ miễn dịch chủ động để có thể bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập và tấn công bởi virus. Bên cạnh đó, có thể phòng ngừa bệnh bằng những cách sau:
Có thể tiêm phòng để hạn chế nguy cơ mắc cảm cúm
– Không tiếp xúc với những người bị nhiễm cúm hoặc đang có những triệu chứng nghi ngờ bệnh cúm. Nếu bạn trò chuyện với người bệnh ở khoảng cách gần, nhất là khi người bệnh ho, hắt hơi thì bạn có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, cồn hay dung dịch khử khuẩn.
– Không nên chạm tay lên mắt, mũi, miệng,….
– Nên duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh như ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng, hạn chế thức khuya, thường xuyên vận động, tập thể dục đều đặn. Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, ăn uống đa dạng thực phẩm để cung cấp dưỡng chất đầy đủ cho cơ thể. Đặc biệt, cần uống nhiều nước mỗi ngày.
– Thường xuyên khám sức khỏe để xử trí những bất thường hiệu quả, bảo vệ sức khỏe.
Trên đây là những thông tin giúp bạn cảm cúm và cảm lạnh để nhận biết bệnh sớm và xử trí bệnh hiệu quả, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm. Nếu có biểu hiện nghi ngờ bệnh và có nhu cầu đặt lịch khám sớm, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, các tổng đài viên sẽ tư vấn chi tiết hơn cho bạn.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/nhung-luu-y-giup-ban-tranh-nham-lan-giua-cam-cum-va-cam-lanh