Phóng viên (PV): Thưa bà, Quy chế tuyển sinh đại học năm 2023 đã có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhằm tăng cơ hội cho thí sinh. Các em cần lưu ý gì khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống?

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy: Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT), các thí sinh không cần lựa chọn giữa phương thức hay tổ hợp xét tuyển như trước, mà chỉ cần đăng ký vào trường, vào ngành mà mình mong muốn. Thí sinh cần cung cấp đầy đủ minh chứng cần thiết nếu có về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, chứng chỉ ngoại ngữ… (ngoài dữ liệu điểm THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT cập nhật sẵn)… Lúc đó, hệ thống sẽ tự xử lý và chọn tổ hợp, phương thức nào tối ưu nhất.

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy trả lời phóng viên về cách điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học. Ảnh: Hồng Hạnh

Việc thí sinh không phải lựa chọn tổ hợp hay phương thức là để tránh sai sót, nhầm lẫn. Năm trước, có những bạn đã đăng ký xét tuyển sớm và trúng tuyển có điều kiện, nhưng khi tích vào ngành đó lại quên tích vào ô đã đỗ xét tuyển sớm. Đây là sai sót chúng tôi đã gặp phải, sau đó việc giải quyết hệ quả vô cùng phức tạp. Bởi khi không đỗ vào nguyện vọng đó, thí sinh sẽ rơi vào những nguyện vọng sau. Và lúc đó sẽ xuất hiện câu hỏi: Tại sao em đỗ rồi nhưng lại không cho em nhập học? Chúng tôi muốn giảm thiểu tối đa cho thí sinh những sơ suất kỹ thuật tương tự.

Điểm lưu ý thứ hai là điểm ưu tiên về khu vực. Các thí sinh sẽ được áp dụng điểm này trong 2 năm liên tiếp (năm thi tốt nghiệp THPT và năm tiếp theo). Với điểm ưu tiên về đối tượng và khu vực, xét trên điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ (quy trên thang điểm 30), nếu tổng điểm của thí sinh đạt từ 22,5 trở lên thì điểm cộng ưu tiên của các thí sinh sẽ giảm dần theo tuyến tính. Như vậy, nếu các thí sinh đã đạt 30 điểm rồi thì không cần cộng điểm ưu tiên nữa. Đây hai điểm mới mà thí sinh cần lưu ý để lựa chọn nguyện vọng phù hợp nhất. 

PV: Hiện đang là thời gian đăng ký xét tuyển, thay đổi nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh cần có chiến thuật đăng ký thế nào để hạn chế rủi ro?

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy: Vì được điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần nên chúng tôi khuyên thí sinh không nên chỉ chọn 1 nguyện vọng duy nhất. Điều này đã từng xảy ra rủi ro ở những năm trước khi có những thí sinh rất tự tin có thể trúng tuyển, thậm chí đã trúng tuyển có điều kiện rồi, nhưng lại không nghiên cứu kỹ các điều kiện sơ tuyển nên khi hậu kiểm, đã dẫn tới những sơ suất không đáng có.

Do đó, thí sinh nên đặt một số nguyện vọng và san đều ở những nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau, đừng dồn tất cả nguyện vọng vào các trường “top” cao. Đây là có thể xem là “chiến thuật” để tăng độ hiệu quả và tỷ lệ trúng tuyển đại học cho các thí sinh. 

Có một điểm nữa tôi muốn chia sẻ, tuy các thí sinh không phải lựa chọn phương thức hay tổ hợp xét tuyển nhưng phải nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học, của ngành học mà mình mong muốn trúng tuyển vào. Bởi các trường phải có xét tuyển bằng tổ hợp, phương thức mà thí sinh có dữ liệu kết quả thì chúng ta mới đăng ký vào. Nếu thí sinh mong muốn vào trường, nhưng đơn vị đó không xét tuyển trên dữ liệu thí sinh đang có thì cũng là lựa chọn sai lầm. 

Nếu thí sinh đã tham gia xét tuyển sớm và trúng tuyển có điều kiện ở một số trường đại học, các em vẫn cần đăng ký nguyện vọng một cách chính thức trên Hệ thống của Bộ GD-ĐT. Nếu không đăng ký, các em sẽ lỡ cơ hội vì chúng ta chưa trúng tuyển chính thức.

Khi đăng ký lên Hệ thống của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất theo mong muốn cũng như thực lực của các em. Có nghĩa là thí sinh có thể trúng tuyển sớm tới 10 trường, nhưng các em chỉ có thể vào học ở 1 ngành, 1 trường. 9 vị trí còn lại sẽ dành cho thí sinh khác. Đây cũng là cách hệ thống lọc đi số lượng thí sinh ảo và dành vị trí cho các thí sinh khác xếp hàng sau.

Vì hệ thống cho thí sinh được đăng ký, đăng ký bổ sung, điều chỉnh thứ tự nguyện vọng không giới hạn số lần, các thí sinh vẫn có cơ hội cho tới thời gian cuối cùng là trước 17 giờ ngày 30-7 vẫn có thể điều chỉnh được nguyện vọng.

PV: Những sai lầm thí sinh thường mắc phải trong việc lựa chọn, đăng ký nguyện vọng xét tuyển là gì, thưa bà?

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy: Thí sinh có thể có những sơ suất khi điều chỉnh, sắp xếp nguyện vọng xét tuyển. Lỗi thứ nhất là về mặt kỹ thuật, các em quên không kết thúc quy trình điều chỉnh, dẫn tới hệ thống không ghi nhận. Khi các thí sinh điều chỉnh xong, nhớ phải “kết thúc quy trình”, sử dụng nút “Hoàn thành” (submit) để hệ thống ghi nhận những điều chỉnh, thay đổi mà các thí sinh vừa thao tác. Nếu không, thí sinh sẽ lỡ đi cơ hội khi có sự thay đổi quyết định. 

Thứ hai, đôi khi thí sinh nhầm lẫn rằng khi đã trúng tuyển vào một nguyện vọng xét tuyển sớm của một trường nào đó, các em bắt buộc phải đặt nguyện vọng 1. Tôi xin đính chính lại, không có trường nào được yêu cầu các thí sinh phải đặt nguyện vọng trúng tuyển xét tuyển sớm thành nguyện vọng 1. Nguyện vọng nào các thí sinh thực sự yêu thích, mong muốn được trúng tuyển nhất dù là bằng phương thức nào, hãy đặt lên đầu tiên.

Việc xét tuyển sớm giúp tăng cơ hội cho thí sinh, để các em yên tâm là mình đã trúng tuyển vào trường, ngành đó. Nhưng các thí sinh vẫn còn một cơ hội nữa để có thể trúng tuyển vào ngành mình yêu thích hơn, đó mới là những nguyện vọng cao hơn (nguyện vọng 1, nguyện vọng 2). Còn trường hợp thực sự yêu thích ngành đã trúng tuyển có điều kiện, khi đó thí sinh có thể đặt kết quả này lên nguyện vọng 1, chắc chắn các thí sinh sẽ đỗ vào nguyện vọng đó. 

Thứ ba là một số thí sinh đặt quá ít nguyện vọng hay dồn nguyện vọng vào một nhóm trường “top” cao, như vậy rủi ro cũng sẽ rất lớn. 

Một điểm nữa tôi muốn lưu ý thí sinh, đó là không nên đặt quá nhiều nguyện vọng. Các thí sinh không cần đặt đến hàng trăm nguyện vọng để có thể trúng tuyển, thay vào đó nên chia nguyện vọng ra các trường ở mỗi vị trí khác nhau.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

HÀ HẠNH (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.