VOV.VN – Quá trình thực thi CPTPP sẽ giúp cho các thành viên tiếp cận tốt hơn thị trường của Vương quốc Anh. Nước này cũng dành cho Việt Nam những cam kết rất cao về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư…
Cùng với việc Chính phủ Anh đã thực hiện các bước cần thiết để phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày 16/5/2024 thì các quốc gia thành viên khác của CPTPP, trong đó có Việt Nam cũng phải hoàn thiện các quy trình nội luật hóa của từng nước.
Việc Quốc hội Việt Nam xem xét đề nghị phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen ngay tại kỳ họp thứ 7 cũng đồng nghĩa, Việt Nam sẽ nằm trong số 6 nước đầu tiên ký nghị định thư CPTPP của Vương quốc Anh.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương về nội dung này
PV: Thưa ông, việc Quốc hội xem xét đề nghị phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại kỳ họp thứ 7 có ý nghĩa như thế nào?
Ông Lương Hoàng Thái: Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã thực hiện chủ trương nhất quán về việc đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ. Đặc biệt, trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế có những bước tiến mạnh mẽ và tham gia những sân chơi với tiêu chuẩn cao, trong đó CPTPP là một trong những hiệp định được kết thúc đàm phán tại Việt Nam.
Hiệp định này khi được thiết kế đã tính đến chuyện cần được mở rộng để thể hiện vị thế của khu vực trong thương mại quốc tế, và Anh là đối tác đầu tiên mà các nước CPTPP quyết định đàm phán gia nhập. Trải qua một giai đoạn, đã kết thúc thành công quá trình đàm phán này.
Các nước đều có chủ trương coi trọng thương mại dựa trên quy tắc theo hướng mở, và cùng hợp tác để thúc đẩy theo xu hướng các bên cùng có lợi. Trong khi đó, Vương Quốc Anh sau khi rời EU thì cũng có xu hướng là tích cực thúc đẩy quan hệ với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho nên hai bên đã cùng gặp nhau ở mục tiêu chung đó, và đi đến kết thúc đàm phán. Chính vì vậy mà vào tháng 7/2023 thì các nước đã ký kết chấp nhận việc Anh tham gia CPTPP.
Tuy nhiên, việc ký kết này cần phải được Quốc hội của các bên phê chuẩn. Và theo quy định nếu Hiệp định được Vương Quốc Anh cùng với tối thiểu 6 nước thành viên phê chuẩn thì sẽ có hiệu lực vào tháng 10/2024. Chính vì vậy chúng ta cũng đã thúc đẩy quá trình phê chuẩn ở trong nước để có thể cùng với Vương Quốc Anh và các nước CPTPP khác đưa hiệp định vào thực thi.
Cho đến nay thì đã có Vương Quốc Anh và 4 nước thành viên CPTPP hoàn tất quá trình phê chuẩn ở trong nước. Và nếu Việt Nam hoàn tất quá trình phê chuẩn này thì Hiệp định nhiều khả năng sẽ được đưa vào thực thi đúng thời điểm mà các nước dự tính.
Chính vì vậy, việc xem xét cho ý kiến của Quốc hội lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó tiếp tục thể hiện chủ trương chung như là khi Quốc hội chúng ta phê chuẩn Hiệp định CPTPP ban đầu.
PV: Việt Nam và các thành viên sẽ được lợi gì khi Vương quốc Anh tthực thi Hiệp định CPTPP, thưa ông?
Ông Lương Hoàng Thái: Việc thực hiện đàm phán gia nhập của Vương quốc Anh vào CPTPP là đàm phán một chiều. Bởi vì Hiệp định CPTPP đã có và các nước thống nhất là tất cả các bên nếu muốn tham gia Hiệp định CPTPP thì phải chấp nhận toàn bộ các quy tắc đã có từ Hiệp định CPTPP. Như vậy, khi Vương quốc Anh đàm phán gia nhập CPTPP tức là Vương quốc Anh đàm phán để mở cửa thị trường cho các nước CPTPP và chấp nhận những quy tắc, luật chơi chung đã được các nước CPTPP thiết lập nên.
Chính vì vậy, quá trình thực thi CPTPP sẽ giúp cho các thành viên CPTPP tiếp cận tốt hơn thị trường của Vương quốc Anh.
Vương quốc Anh cũng dành cho Việt Nam những cam kết rất cao về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Và xét về mục tiêu chung của CPTPP thì Vương quốc Anh cũng đã công nhận nền kinh tế Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc của kinh tế thị trường.
PV: Việt Nam là một trong 10 thành viên tham gia đầu tiên – có thể coi như thành viên sáng lập CPTPP – vai trò của “người phán xử” khi kết nạp các thành viên mới. Việt Nam phải làm sao để có được các lợi ích tốt nhất cho tất cả các bên, trong đó có Việt Nam, thưa ông?
Ông Lương Hoàng Thái: Khi Hiệp định CPTPP được đưa vào thực thi thì chúng ta cũng đã đặt ra một nguyên tắc, đó là: Nếu như những nước quan tâm đến Hiệp định sẵn sàng chơi theo luật chơi chung của Hiệp định, và sẵn sàng mở cửa thị trường cho nhau trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, chấp nhận tất cả những luật chơi chung của thương mại quốc tế đó thì cũng có thể tham gia CPTPP.
Vương Quốc Anh là nước đầu tiên đã khẳng định quyết tâm đó và chúng ta cũng đã cùng với các nước đàm phán thành công việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP.
Trong thời gian tới, CPTPP sẽ tiếp tục xem xét một số nền kinh tế khác có quan tâm đến Hiệp định này. Nếu như chúng ta để ý thì không chỉ có các nước đang nộp đơn xin gia nhập trong thời gian qua đã thể hiện quyết tâm tiếp tục quan tâm đàm phán, mà trong thời gian vừa qua có nhiều nền kinh tế và đặc biệt một số nước ASEAN láng giềng của chúng ta cũng rất quan tâm.
Chính vì vậy, ngoài việc xây dựng một thiết chế mang tính cởi mở và kết nạp thành viên thì chúng ta cũng luôn khẳng định ủng hộ CPTPP, lấy khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đặc biệt lấy vị trí trung tâm của ASEAN làm nòng cốt để thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác với các đối tác trên toàn cầu…
PV: Xin cảm ơn ông!