KHÔNG SA ĐÀ VÀO CÂU HỎI KHÓ
Theo thạc sĩ Lê Minh Huy, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), trước hết thí sinh (TS) nên đọc kỹ đề trong vòng từ 2 – 5 phút, gạch chân các câu hỏi mà mình có khả năng làm được để ưu tiên làm trước.
Chẳng hạn với đề thi môn toán, TS nên làm thật kỹ từ câu 1 đến câu 35 vì đây là các câu hỏi dễ, đừng làm quá nhanh dẫn đến sai sót không đáng có.
Đối với những TS có mục tiêu từ 8 điểm trở lên thì nên giải quyết các câu 1 đến câu 35 trong 30-45 phút để kịp làm các câu sau. Cuối cùng, nên dành 10 phút cuối để kiểm tra toàn bộ bài làm, ưu tiên kiểm tra các câu dễ, đọc qua một lần và dò lại việc tô mã đề hoặc số báo danh.
Còn cô Trần Thị Hồng Nhung, giáo viên Trường quốc tế Á Châu, lưu ý trước khi bắt đầu làm bài thi môn tiếng Anh, TS cần nhìn lướt qua tất cả các phần của đề để xác định vị trí các dạng câu hỏi và sự phân bố các câu hỏi dễ và khó để tính toán thời gian hợp lý.
Cô Nhung hướng dẫn cụ thể: “Trong quá trình ôn tập, dựa vào đề thi tham khảo các em đã cơ bản nắm được những nội dung nào sẽ thuộc dạng câu hỏi dễ và những nội dung nào là câu hỏi khó. Các em cần đảm bảo làm đúng các câu hỏi dễ trước rồi mới chuyển sang làm những câu khó, đặc biệt là các câu hỏi về từ vựng và thành ngữ. Nếu gặp những từ vựng và thành ngữ không biết thì các em nên bỏ qua câu đó và đánh dấu lại để làm sau, không nên dừng lại quá lâu sẽ không kịp thời gian để làm những câu hỏi dễ phía sau”.
“Trong quá trình làm, không nên sa đà vào những câu quá khó, tốn nhiều thời gian, câu nào đọc và nghĩ không ra hướng giải quyết trong 5 phút thì chuyển qua làm câu khác. Và cuối cùng là không được để trống câu nào, các em cần dành 2-3 phút cuối giờ kiểm tra lại toàn bộ đáp án và hoàn tất các câu hỏi còn để trống”, cô Nhung thêm lời khuyên.
Thầy Huy cũng lưu ý một số TS gặp các câu hỏi khó thì sa đà, mất nhiều thời gian, giải quyết không ra thì gặp áp lực tâm lý. “Hãy để các câu hỏi khó làm sau cùng. Khi giải những câu hỏi này thì nên thử mọi cách có thể, phân tích kỹ từng giả thiết đề bài cho, nếu làm không ra hoàn toàn thì cố gắng phân tích loại trừ đáp án hoặc có thể suy nghĩ để sử dụng máy tính cầm tay để giải quyết bài toán này”, thầy Huy nhắc nhở TS.
Thầy Huy cũng khuyên TS hít sâu, thở chậm, tâm lý tự tin, nên uống đủ nước, có thể nhai thêm kẹo bạc hà giúp tỉnh táo trong lúc làm.
LƯU Ý KHI TÔ ĐÁP ÁN
Giáo viên Trần Thị Hồng Nhung chỉ ra rằng với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, việc tô đáp án cũng rất quan trọng. TS nên tô đáp án ngay trong lúc làm bài, làm chắc câu nào thì khoanh trong đề (để dễ dàng kiểm tra lại đáp án cuối giờ) và tô ngay đáp án câu đó. Câu nào không chắc thì đánh dấu trong đề để làm sau cũng như để không bị sót. Còn nếu TS muốn tập trung làm xong mới tô đáp án thì phải tô ít nhất 10 phút trước khi hết giờ làm bài để có thời gian tô cẩn thận, tránh tô nhầm trong lúc vội vã và có thời gian kiểm tra lại bài làm.
Theo cô Nhung, TS cũng cần cẩn thận với các lỗi sai thường gặp do đọc đề không kỹ. Ví dụ ở môn tiếng Anh, các câu hỏi về từ đồng nghĩa, trái nghĩa, rất nhiều TS không đọc kỹ đề và chọn từ đồng nghĩa (closest meaning) cho các câu hỏi về từ trái nghĩa (opposite meaning). Tương tự, trong 2 bài đọc hiểu, các TS cũng cần cẩn thận với các câu hỏi về thông tin không có trong bài đọc hoặc thông tin không đúng so với bài đọc. Cụ thể là các câu có chứa “not mentioned/not true/not indicated/except”, nếu đọc không kỹ đề bài, TS sẽ có xu hướng chọn ngay đáp án có xuất hiện trong bài đọc. Đối với các câu hỏi về từ vựng, thành ngữ không biết, TS cần luyện cách đoán nghĩa dựa vào ngữ cảnh của câu hoặc bài đọc và loại trừ đáp án sai dựa vào từ loại, giới từ và từ nối đi cùng…
ĐỪNG QUÁ LỆ THUỘC MÁY TÍNH CẦM TAY
Với môn toán, lời nhắc nhở của thầy Lê Minh Huy đối với TS là đừng nên lệ thuộc quá nhiều vào máy tính cầm tay. Theo thầy Huy, trong các câu đầu, nhiều TS nghĩ rằng chỉ cần biết cách bấm máy là có thể giải quyết được. Quan niệm này không đúng bởi thực tế đề thi những năm gần đây có xu hướng có các câu hỏi “chống” máy tính cầm tay, yêu cầu TS phải nắm vững kiến thức mới làm bài được. Do đó TS cần ôn tập kỹ lại các dạng toán trong từng chương trước khi thi.
Ngoài ra, giáo viên Lê Minh Huy nhắc nhở thêm: “Trong quá trình làm bài, các TS cẩn thận đọc kỹ đề và tránh sai sót. Đặc biệt, TS hay nhầm lẫn giữa số nghiệm và nghiệm, đồ thị f(x) và đồ thị f'(x), hoặc giải phương trình bất phương trình logarit thì quên điều kiện xác định…”.
10 lưu ý trước khi bước vào kỳ thi
Theo thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), để đảm bảo điều kiện đủ để bước tiếp vào bậc ĐH thì TS không được chủ quan, lơ là mà cần chuẩn bị chu đáo để tự tin đạt kết quả tốt nhất với 10 lưu ý sau đây:
1. Kiểm tra thông tin và xếp ngăn nắp các loại giấy tờ mang vào phòng thi: Phiếu báo dự thi, thẻ học sinh, CCCD. Nếu có sai sót thì báo cho nhà trường, còn phát hiện sai trong những ngày đến điểm thi thì báo cho thầy cô coi thi.
2. Chuẩn bị các vật dụng được phép mang vào phòng thi: máy tính cầm tay không có thẻ nhớ, không có chức năng soạn thảo văn bản, bút bi, bút chì 2B, gôm, thước kẻ, compa, atlat…
3. Xem lại hệ thống kiến thức các môn thi, chú trọng 3 môn của khối thi mà đã được đầu tư nhiều.
4. Tìm hiểu vị trí, khoảng cách từ nhà đến điểm thi. Ngày 26.6 đến điểm thi làm các thủ tục thi nên quan sát xem phòng thi có máy điều hòa nhiệt độ, quạt máy, vị trí nhà vệ sinh… biết để thích nghi.
5. Đọc kỹ các văn bản về nội quy phòng thi, cách hướng dẫn làm bài thi tự luận, thi trắc nghiệm. Những trường hợp được xét đặc cách… để khi gặp sự cố cận ngày thi và trong những ngày thi thì phụ huynh, học sinh biết cách xử lý cho hợp pháp.
6. Trong những ngày này nếu lỡ xảy ra các triệu chứng về sức khỏe phải đi bác sĩ khám, mua thuốc theo toa chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống. Nhớ nói với bác sĩ không kê toa thuốc có hoạt chất an thần vì dễ gây buồn ngủ, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi thi và làm bài thi.
7. Không tạo áp lực gây tâm lý căng thẳng. Hãy biết tự tạo niềm vui cho chính mình bằng cách không thức khuya, cần uống nhiều nước, dành thời gian giải trí như xem phim, nghe nhạc, chơi game, chat “tám” với bạn, đá banh… Lên cho mình một “set menu chữa lành” sau thi.
8. Khoảnh khắc thời gian này có rất nhiều cảm xúc, hãy trân quý và lưu lại. Đó có thể là một chữ ký, một lời chúc trên vạt áo, một bức hình thả tim cho nhau, một clip ngắn lớp chúng mình, một trải nghiệm đi học trễ, trốn tiết…
9. Hãy bình tĩnh khi phát hiện quên mang giấy báo dự thi, CCCD, thẻ học sinh. Cứ vào phòng thi rồi báo cho thầy cô coi thi biết. Thậm chí lỡ rớt mất hộp bút cứ vào phòng thi rồi sẽ được các bạn chia sẻ hoặc thầy cô coi thi hỗ trợ.
10. Mình không cần phải là hoa hồng, cẩm tú cầu, lily, quỳnh hoa… Dù có là một bông hoa dại, các em vẫn đẹp theo cách của riêng mình.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-loi-can-tranh-khi-lam-bai-thi-tot-nghiep-thpt-185240623221541404.htm