Dược sĩ Ngô Thị Ngọc Trưng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3 cho biết, trong tình huống thiên tai như lũ lụt, bão lũ, việc chuẩn bị sẵn các loại thuốc cơ bản là cực kỳ quan trọng để giúp phòng ngừa và điều trị kịp thời các bệnh thường gặp.
Dưới đây là danh sách các loại thuốc cơ bản cần có, kèm theo hướng dẫn sử dụng và cảnh báo để bạn có thể bảo vệ sức khỏe tốt hơn trong thời gian mưa bão.
Thuốc giảm đau, hạ sốt (Paracetamol)
Công dụng: Giảm đau, hạ sốt trong các trường hợp sốt cao, đau đầu, đau cơ do thay đổi thời tiết.
Liều dùng: Người lớn: 500-1.000 mg mỗi 4-6 giờ, không quá 4 g/ngày. Trẻ em: Dùng theo hướng dẫn trên bao bì hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cảnh báo: Tránh dùng quá liều, đặc biệt đối với người có tiền sử bệnh gan.
Thuốc chống tiêu chảy (Diosmectite)
Công dụng: Giảm triệu chứng tiêu chảy, hấp phụ hơi trong đường ruột, phục hồi tính thấm của niêm mạc đường tiêu hóa trở về bình thường.
Liều dùng: Người lớn 3 gói x 3 g/ngày trong 7 ngày. Trẻ em trên 2 tuổi 4 gói x 3 g/ngày trong 3 ngày đầu. Sau đó 2 gói x 3 g/ngày trong 4 ngày tiếp theo.
Cảnh báo: Không dùng trong trường hợp tiêu chảy do nhiễm trùng hoặc có máu trong phân, cần điều trị tận gốc bằng kháng sinh nếu do vi khuẩn.
Thuốc chống dị ứng (Loratadine hoặc Cetirizine)
Công dụng: Giảm triệu chứng dị ứng như ngứa, phát ban, nổi mề đay do môi trường ẩm ướt và nước bẩn.
Liều dùng: Loratadine: 10 mg/ngày. Cetirizine: 5-10 mg/ngày tùy mức độ dị ứng.
Cảnh báo: Không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi mà không có chỉ định của bác sĩ.
Dung dịch bù nước và điện giải (ORS)
Công dụng: Bù nước và điện giải cho cơ thể khi bị mất nước do tiêu chảy, nôn mửa hoặc sốt cao.
Cách dùng: Pha 1 gói ORS với nước sạch (tùy theo hàm lượng trên bao bì), uống từng ngụm nhỏ sau mỗi lần đi tiêu hoặc nôn.
Cảnh báo: Sử dụng dung dịch pha trong vòng 24 giờ, sau đó pha mới nếu cần. Không pha với nước khoáng vì sẽ làm tăng tỷ lệ các chất điện giải.
Thuốc sát trùng ngoài da (Betadine, Povidone-Iodine)
Công dụng: Sát trùng các vết thương ngoài da, vết cắt, trầy xước để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Cách dùng: Thoa trực tiếp lên vùng da bị thương sau khi làm sạch.
Cảnh báo: Không bôi trên diện rộng và vết thương lớn mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
Kem chống muỗi, thuốc đuổi côn trùng (DEET hoặc Picaridin)
Công dụng: Phòng chống muỗi đốt, đặc biệt là muỗi mang virus gây sốt rét, sốt xuất huyết, và các bệnh truyền nhiễm khác.
Cách dùng: Thoa đều lên da trước khi ra ngoài, tránh bôi lên vùng mắt và miệng.
Cảnh báo: Tránh dùng cho trẻ dưới 2 tháng tuổi. Với trẻ nhỏ, chỉ bôi lên tay người lớn rồi thoa lên da trẻ.
Thuốc trị ho, cảm cúm (Chlorpheniramine, Acetylcystein)
Công dụng: Giảm các triệu chứng ho, cảm lạnh như sổ mũi, đau họng.
Liều dùng: Người lớn dùng theo liều chỉ định trên bao bì. Trẻ em tham khảo bác sĩ để có liều lượng phù hợp.
Cảnh báo: Không dùng cho người có bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh lý tim mạch mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
Băng bạc, băng cá nhân, dầu gió, nước muối sinh lý…
Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, một số dụng cụ y tế cần thiết như: Băng gạc, băng keo cá nhân giúp che vết thương nhỏ, dầu gió dùng ngoài khi cảm cúm, đau bụng, nước muối sinh lý 0.9% để nhỏ mắt nhỏ mũi, povidon iodine 10% dùng ngoài sát trùng…
Lưu ý khi sử dụng thuốc
Dược sĩ Ngọc Trưng chia sẻ một số lưu ý khi sử dụng tủ thuốc y tế tại nhà:
Bảo quản thuốc: Để thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp. Đặc biệt, cần kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi dùng.
Tư vấn bác sĩ: Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc bệnh nặng, nên liên hệ ngay với cơ quan y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tăng cường vệ sinh cá nhân: Giữ vệ sinh tay, thực phẩm, nước uống để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa và nhiễm khuẩn.
“Trong tình huống lũ lụt, sức khỏe là tài sản quý giá nhất. Hy vọng rằng với sự chuẩn bị và kiến thức đúng đắn, chúng ta có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách an toàn”, bác sĩ khuyến cáo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/phong-benh-sau-mua-lu-nhung-loai-thuoc-va-vat-dung-y-te-nao-can-co-185240918140410586.htm