Theo dòng chảy của lịch sử, Đồng Nai đã hình thành nên những làng nghề nổi tiếng như: làng nghề đá Bửu Long, gốm Tân Vạn (TP.Biên Hòa), đúc gang Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu), trồng nấm (TP.Long Khánh), trầm hương (H.Tân Phú), gỗ mỹ nghệ (H.Trảng Bom, H.Xuân Lộc)…
Nghệ nhân Phạm Duy Linh chế tác sản phẩm từ đá xanh theo đơn đặt hàng của khách. Ảnh: N.LIÊN |
Những làng nghề truyền thống ở Đồng Nai được hình thành theo sự phát triển của từng giai đoạn, từ thời xa xưa cho đến những năm nửa cuối của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Do đó, mỗi làng nghề ở Đồng Nai đều chất chứa trong đó những câu chuyện mang bản sắc văn hóa riêng, tạo nên một Đồng Nai hội tụ bởi với sự phong phú, đa dạng các bản sắc văn hóa.
* Những làng nghề trăm tuổi
Sẽ chẳng xa lạ khi điểm danh những làng nghề nổi tiếng và lâu đời tại Đồng Nai như: làng nghề đá Bửu Long, làng gốm Tân Vạn hay làng đúc gang Thạnh Phú. Bởi đây là những làng nghề hình thành từ rất sớm, trong cuộc khai hoang mở cõi của những người di dân vào Đồng Nai. Đây là những làng nghề có số tuổi hàng trăm vẫn còn tồn tại đến ngày nay dù đã qua thời thịnh vượng nhất.
Làng nghề đá Bửu Long là một trong những làng nghề lâu năm nhất ở Đồng Nai. Làng nghề đá Bửu Long nằm dọc theo sông Đồng Nai thuộc P.Bửu Long (TP.Biên Hòa), có tuổi đời hơn 300 năm và được hình thành bởi những người Hoa bang Hẹ từ Trung Quốc đến sinh sống. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, làng nghề đá Bửu Long vẫn là một trong những làng nghề nổi tiếng cả nước, đóng góp nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật khắp cả nước với những sản phẩm điêu khắc từ đá xanh, một loại đá mà chỉ vùng Bửu Long mới có được. Ngày nay, nghề điêu khắc đá vẫn được kế thừa và phát triển theo kiểu cha truyền con nối. Nhiều thợ giỏi, nghệ nhân điêu khắc được tôn vinh. Sản phẩm đá điêu khắc từ làng nghề Bửu Long đa dạng từ vật dụng gia đình cho đến các linh vật, phù điêu, mảng trang trí cấu kết kiến trúc trong nhà ở, chùa, đình miếu…
Nghệ nhân Phạm Duy Linh (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) là thế hệ thứ 3 trong gia tộc làm nghề đá tại P.Bửu Long cho biết, hiện cơ sở sản xuất đá điêu khắc của ông có 3 nghệ nhân và 13 người thợ điêu khắc đang làm việc. Họ đều là những người được truyền nghề từ cha ông và cũng là số người ít ỏi còn gắn bó với nghề điêu khắc đá tại làng đá Bửu Long hiện nay. Theo ông Linh, nghề điêu khắc đá Bửu Long đã trở thành biểu tượng làng nghề của Đồng Nai. Để tưởng nhớ đến nghề truyền thống, những nghệ nhân đã góp sức xây dựng ngôi nhà tổ nghề đá gọi là Miếu tổ sư có kiến trúc hoàn toàn bằng đá xanh. Miếu tổ sư cũng là nơi hội tụ của nghệ nhân đá khắp cả nước vào ngày giỗ tổ nghề (13-6 âm lịch) hàng năm, và theo chu kỳ 3 năm/lần, Miếu tổ sư sẽ tổ chức lễ hội (người dân địa phương thường gọi là lễ hội chùa Bà) thu hút người dân từ các vùng lân cận về dự lễ hội.
Những giá trị văn hóa, lịch sử tại các làng nghề của Đồng Nai được đánh giá có tiềm năng để khai thác, phát triển sản phẩm du lịch làng nghề. |
Cùng với làng nghề đá Bửu Long, phía bên kia sông Đồng Nai, làng nghề gốm Tân Vạn cũng ghi danh vào lịch sử các làng nghề ở Đồng Nai. Ngày nay, khi xã hội phát triển, các cơ sở gốm được di dời vào cụm công nghiệp, làng gốm Tân Vạn vẫn giữ được nét văn hóa làng nghề với những đồ vật sử dụng trong sinh hoạt, những khu lò nung gốm thủ công, hay những sản phẩm gốm đất đen đặc trưng vẫn còn được người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày như: lu, hũ, chậu trồng cây cảnh… Ngày nay, gốm Biên Hòa trở thành biểu trưng của Đồng Nai, trở thành quà tặng, kỷ vật tặng người phương xa đến Đồng Nai.
Ngược dòng sông Đồng Nai về phía thượng nguồn, làng nghề đúc gang Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cũng là cái tên nổi tiếng. Ngày nay, tuy không còn là nghề thịnh hành nhưng làng nghề đúc gang Thạnh Phú vẫn được người dân nhớ tới và lấy biệt danh của làng nghề để làm tên đường trong khu dân cư: Xóm Lò Thổi.
* Làng nghề thế hệ mới
Đồng Nai không chỉ có làng nghề cổ trăm năm, từ những năm nửa sau của thế kỷ XX, Đồng Nai đón nhiều cuộc di dân từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc, đặc biệt, sau giải phóng miền Nam năm 1975, Đồng Nai là vùng kinh tế mới với những vùng dân cư tập trung rải đều tại các địa phương. Trong quá trình dịch chuyển, người dân đã mang theo nghề từ quê hương đến vùng đất mới và phát triển thành những làng nghề thế hệ mới.
Tìm hiểu về cây dó bầu trước khi được sủi trầm |
Trong số đó, làng nghề trầm hương (H.Tân Phú) với tuổi đời khoảng 20 năm nhưng được đánh giá là làng nghề lớn nhất cả nước, tập trung tại các xã Phú Trung, Phú Sơn. Với hàng trăm cơ sở sản xuất trầm hương, làng nghề trầm hương là nơi cung cấp các sản phẩm liên quan đến trầm như: cây giống, thuốc tạo trầm, trầm thô, tinh dầu, nước cất… Trong đó phải kể đến sản phẩm tinh dầu trầm hương đạt chuẩn OCOP 4 sao, được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, làng nghề trầm hương còn là nơi tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Các sản phẩm từ trầm hương cung cấp cho thị trường Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất… từ nhiều năm nay.
Cũng như làng nghề trầm hương, các làng nghề mộc mỹ nghệ tại Đồng Nai cũng là những làng nghề thế hệ mới, tập trung tại các huyện: Trảng Bom và Xuân Lộc. Tuy nhiên, mỗi làng nghề được khai thác và phát triển theo thế mạnh riêng. Trong đó, làng nghề mộc mỹ nghệ tại H.Trảng Bom tạo nên những sản phẩm độc đáo từ những mảnh gỗ vụn phế thải qua bàn tay của những những người thợ sáng tạo và tài hoa. Còn với làng nghề gỗ mỹ nghệ của H.Xuân Lộc thì tạo ra những giá trị nghệ thuật điêu khắc từ rễ và gốc cây. Qua bàn tay của các nghệ nhân, những gốc, rễ cây được thổi hồn thành những bức tượng, tranh, linh vật… tạo nên sự độc đáo và lạ mắt.
Bà Vũ Thanh Hương (TP.HCM), người chuyên kinh doanh các sản phẩm đồ lưu niệm, mỹ nghệ tại các khu du lịch cho biết, hệ thống cửa hàng lưu niệm của bà thường nhập một số mặt hàng gỗ mỹ nghệ từ các cơ sở ở Đồng Nai để bán cho du khách. Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Đồng Nai được khách du lịch đánh giá cao về chất lượng và độ thẩm mỹ, nhất là những du khách nước ngoài, họ thường mua về làm kỷ niệm khi tới Việt Nam.
Ngọc Liên
.