Vũ Khoan – tâm tình gửi lại (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Lienviet phát hành) tập hợp các bài báo, bài viết, bài phát biểu đã in báo hoặc chưa xuất bản của ông Vũ Khoan xung quanh hai chủ đề lớn.
Tâm và tầm của ông Vũ Khoan
Một là phần “Ngoại giao Việt Nam và thế giới”, phản ánh những suy nghĩ của Phó thủ tướng về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước thông qua một số tác phẩm báo chí, bài viết.
Đọc sách, bạn đọc được hiểu thêm về các nhà ngoại giao tài tình của đất nước, từ Chủ tịch Hồ Chí Minh tới ông Nguyễn Cơ Thạch, ông Nguyễn Duy Trinh…
Đặc biệt những người làm ngoại giao có thể tìm thấy cho mình nhiều kiến thức về lịch sử ngoại giao Việt Nam cũng như những bài học quý báu cho nghề ngoại giao.
Phần hai “Khát vọng Việt Nam: cơ hội và thách thức trong cục diện thế giới mới”, đề cập tới nhiều vấn đề nổi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, ngành đối ngoại nói riêng, những tâm tư của ông về các vấn đề của đất nước cũng như những chỉ dẫn của ông dành cho thế hệ trẻ.
Bạn đọc nhận ra một nhà lãnh đạo luôn quan tâm đến tình hình đất nước và có nhiều góp ý tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, thẳng thắn với Đảng, Nhà nước, nhiều bộ ngành, địa phương, giới trẻ ngay cả khi ông đã nghỉ hưu.
Sách còn có thêm phần phụ lục, gồm những bài viết về ông Vũ Khoan của gia đình, đồng chí, bạn bè.
Bạn đọc hiểu thêm về tâm và tầm của ông Vũ Khoan, những đóng góp của ông đối với công cuộc phát triển đất nước cũng như con người cá nhân đạt đủ “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và dũng” của ông.
Bài học quý từ Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Trong một bài viết, ông Vũ Khoan kể nhiều câu chuyện thú vị khiến ông rút ra nhiều bài học quý giá cho chính mình và cho những người làm phiên dịch, làm ngoại giao nói chung.
Một lần, Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua thăm Liên Xô sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Ông Vũ Khoan khi ấy còn là một thanh niên trẻ, được cử làm phiên dịch cho ông Phạm Văn Đồng.
Khi đi thăm nhà máy sản xuất ô tô Lenin ở Matxcơva, ông giám đốc chỉ vào một bức ảnh trưng bày về quan hệ Xô – Việt nói: Đây là đồng chí, ý nói Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Ông Vũ Khoan lập tức nói lại rằng không phải và đính chính đó là ông Dương Bạch Mai – tổng thư ký Hội hữu nghị Việt – Xô.
Lúc ấy ông giám đốc đỏ bừng mặt, nhưng ông Vũ Khoan vẫn chưa kịp nhận ra mình đã láu táu không đúng chỗ, đúng lúc.
Khi đoàn về tới Đại sứ quán nước ta, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không vào hội trường ngay mà rủ ông Vũ Khoan đi bách bộ trong vườn.
Sau vài câu chuyện trao đổi, Thủ tướng Phạm Văn Đồng bỗng bảo ông Vũ Khoan: “Đáng ra Khoan chẳng cần cải chính làm gì, làm vậy chỉ đặt ông giám đốc nhà máy vào thế khó xử”.
Lúc ấy ông Vũ Khoan mới nhận thấy mình “hố” nên đã xin lỗi Thủ tướng, hứa không bao giờ hành xử như vậy nữa.
Lần ấy, ông Vũ Khoan không chỉ học được bài học không “láu táu” mà còn học được bài học về cách hành xử rất con người của ông Tô (bí danh của Thủ tướng Phạm Văn Đồng).
Thủ tướng đã không làm chàng trai trẻ mất mặt trước đám đông mà tìm cách uốn nắn nhẹ nhàng ở chỗ riêng tư.
Ông Vũ Khoan kể, sau này, khi nắm giữ các vị trí lãnh đạo, khi uốn nắn sai sót của cán bộ cấp dưới ông luôn tránh làm họ “mất mặt”.
Giai đoạn làm phiên dịch tiếng Nga cho các nhà lãnh đạo cao cấp của Nhà nước ta, ông Vũ Khoan còn có những lần “ngượng chín người” khác và cũng nhờ đó mà học được những bài học nhớ đời.
Ông Vũ Khoan (1937 – 2023) sinh ra tại huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội).
Ông là một chính trị gia và là nhà ngoại giao Việt Nam, từng giữ chức bí thư Trung ương Đảng, phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Thương mại, thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao…