Chiều tối 8-9, đang lái xe và thưởng thức một bản nhạc quen thuộc trên đài phát địa phương thì bỗng dưng một bản nhạc lễ vang lên đột ngột, tôi vội vã bật điện thoại để xem có phải đó là điềm chẳng lành mà cả vương quốc đang lo lắng suốt từ sáng hôm đó.
Vâng, chúng tôi bàng hoàng khi thấy các trang tin đồng loạt xuất hiện màu đen và loan báo “Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị băng hà”.
“London Bridge is fallen down” (*) đã thành hiện thực!
Lục lại hồi ức cách đây nhiều năm, tôi thấy mình có chút may mắn khi tận mắt thấy Nữ hoàng hiện diện ngay chính thành phố tôi đang ở. Đó là ngày 18-11-2010, lần đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy Nữ hoàng bằng xương bằng thịt, chứ không phải là những bức tranh hay tượng sáp trưng bày ở các bảo tàng.
Khi ấy, bà đến thăm Trường ĐH Sheffield – nơi tôi làm việc – cùng Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh, để chính thức khai trương Viện Khoa học Thần kinh Sheffield và tham gia các hoạt động khác như gặp gỡ các nhà nghiên cứu, tham quan phòng thí nghiệm…
Mặc dù biết Nữ hoàng sẽ đến trường vào khoảng giữa trưa nhưng mới tầm 9 giờ, chúng tôi cùng mọi người bắt đầu đứng chờ, cố gắng tìm cho mình chỗ đẹp nhất với hy vọng thấy được bà trọn vẹn. Mặc dù tiết trời gần cuối thu se lạnh nhưng vẫn không ngăn được dòng người ngày càng đông. Họ đứng dày đặc hai bên đường Western Bank, con đường chính nơi xe Nữ hoàng dự kiến đi qua trước khi dừng lại ở đại sảnh của tòa nhà Firth Court.
Cuối cùng thì giữa trưa, chiếc xe Roll Royce màu mận chín chở Nữ hoàng cũng xuất hiện, mọi người đồng loạt vỗ tay hoặc vẫy tay liên tục. Khuôn mặt thật sáng, nụ cười thật tươi và đôn hậu – đó là cảm nhận đầu tiên của tôi ngay thời khắc được thấy Nữ hoàng.
Nữ hoàng Elizabeth II được Hiệu trưởng Trường ĐH Sheffield, ông Peter Middleton (trái), chào đón vào tháng 11-2012 Ảnh: TRƯỜNG ĐH SHEFFIELD
Hôm ấy, bà mặc chiếc áo khoác dài màu đỏ có cài nhánh hoa hồng trang sức màu bạc trên ngực trái, trên tay cầm đóa hoa màu hồng nhạt điểm xuyết những bông nhỏ màu trắng. Nữ hoàng đội chiếc mũ màu đỏ và mang găng tay đen, đeo trên tay chiếc túi cũng màu đen. Trông bà toát lên vẻ sang trọng, quý phái và uy nghiêm!
Bà đi một chút, dọc theo dòng người đang chờ đón sau hàng rào an ninh một cách chậm rãi, như để tri ân tấm chân tình của người hâm hộ trước khi tiến vào đại sảnh của tòa nhà Firth Court.
Kể từ đó, gia đình tôi bắt đầu chú ý nhiều hơn về thông tin của Nữ hoàng và Hoàng gia. Mỗi lần có người thân đến thăm, chúng tôi thường dẫn họ đến tham quan lâu đài Windsor nơi bà ở, lâu đài Westminster hoặc cung điện Buckingham nơi bà làm việc.
Rồi một lần nữa, tôi lại có dịp thấy Nữ hoàng vào tháng 4-2015, khi bà đến dự lễ Phục sinh Hoàng gia tại nhà thờ lớn ở trung tâm TP Sheffield.
Nữ hoàng băng hà là tin sốc cho cả Vương quốc Anh và Khối Thịnh vượng chung. Ngay khi tin tức về sự ra đi của bà được công bố, cầu vồng đã xuất hiện trên lâu đài Windsor và cung điện Buckingham như để xác nhận lời của đại văn hào người Anh William Shakespeare (1564-1616): “Không có sao chổi nào xuất hiện khi người ăn mày ngã gục nhưng chính bầu trời báo hiệu sự ra đi của hoàng tử”.
Gần như toàn dân Anh đều đồng cảm: “Chúng tôi đã mất Nữ hoàng tuyệt vời của mình. Bà đã làm đúng nghĩa vụ và cống hiến cho toàn dân cho đến cuối cuộc đời. Tất cả chúng tôi sẽ nhớ bà vì bà là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng tôi”.
Đó là một trong hàng triệu lời biểu cảm tri ân Nữ hoàng trong những ngày qua. Tại Sheffield và các thành phố khác, các quyển sổ chia buồn được đặt ở nhiều nơi để người dân có thể gửi gắm tâm tư đến Nữ hoàng và Hoàng gia.
Lời chia buồn được đặt tại một siêu thị
Nữ hoàng là ngọn hải đăng đã dẫn dắt các thần dân của bà đến bến bờ bình dị, hạnh phúc một cách an toàn, bất kể họ ở nơi nào trên thế giới, bất chấp sóng gió cá nhân hay khuynh hướng chính trị.
Đã từ lâu, bà là biểu tượng vững chắc trong lòng dân Anh, là tinh thần của nước Anh.
Nữ hoàng có một vai trò rất quan trọng trong đời sống của nước Anh. Bà đảm nhận các nhiệm vụ hiến pháp, đại diện và thực hiện rất nhiều chương trình bận rộn trong suốt cả năm. Có lẽ bà là người đảm đương nhiều công việc nhất – là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Khối Thịnh vượng chung, người đứng đầu Nhà thờ Anh, người đứng đầu lực lượng vũ trang và người bảo trợ các tổ chức từ thiện.
Trong suốt những năm trị vì, Nữ hoàng đã mở rộng Khối Thịnh vượng chung, từ 7 quốc gia lên 56 và trải dài trên mọi lục địa. Bà đã mang đến cho nước Anh sự ổn định và sức mạnh cần thiết. Với 70 năm trên ngai vàng, bà là Nữ hoàng trị vì lâu nhất của nước Anh. Đó là một thành tựu và là ân sủng phi thường. Sức ảnh hưởng của bà đã chạm vào hàng triệu người trên thế giới. Bà đi đến đâu, biển người chào đón bà nồng nhiệt đến đấy.
Trong bối cảnh Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), chính phủ Anh cũng đã tận dụng chính sách ngoại giao của Nữ hoàng và Hoàng gia để tạo điều kiện cho các mối quan hệ thương mại với Khối Thịnh vượng chung và phần còn lại của thế giới. Vương quốc Anh đã phát triển và hưng thịnh như ngày nay không thể thiếu công lao trị vì của Nữ hoàng.
Lúc đương thời, Nữ hoàng đã thu hút và mang lại lợi ích thương mại rất lớn. Theo ước tính năm 2017, tài sản Hoàng gia Anh trị giá 67,5 tỉ bảng Anh với phần lớn chủ yếu dựa vào quyền sở hữu đối với các tài sản như Crown Estate và cung điện Buckingham. Hoàng gia đóng góp 1,9 tỉ bảng Anh mỗi năm cho nền kinh tế.
Cả nước Anh sẽ được nghỉ vào ngày 19-9 để tiễn biệt Nữ hoàng về cõi vĩnh hằng. Dự kiến sẽ có gần 1 triệu người đến viếng Nữ hoàng từ 17 giờ ngày 14-9 đến 6 giờ ngày 19-9 tại Hội trường Westminster (mở cửa 24 giờ/ngày). Dòng người chờ đến lượt có thể lên đến gần 5 dặm và thời gian chờ có thể hơn 30 giờ.
Ngôi sao Elizabeth Đệ nhị đã tắt, một kỷ nguyên mới bắt đầu. Vương miện Hoàng gia hơn 1.000 năm tuổi một lần nữa được trao cho người kế nhiệm của Nữ hoàng – Đức vua Charles Đệ tam.
(*) Đây là mật khẩu của Hoàng gia Anh thông báo với chính phủ, nghĩa là Nữ hoàng đã mất.