Mục đích cuối cùng của hoạt động chất vấn là cả người hỏi và trả lời cùng nhau làm sáng tỏ các vấn đề nhằm giải quyết kịp thời, hiệu quả những yêu cầu của thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Theo chương trình kỳ họp thứ 8, ba thành viên Chính phủ gồm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, bắt đầu từ sáng nay.
Trong đó, hai nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước và tư lệnh ngành Y tế chắc chắn sẽ được đông đảo cử tri cả nước quan tâm.
Về lĩnh vực Y tế, cùng với một số nội dung khác, cử tri và người dân rất quan tâm đến vấn đề bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân. Đây có lẽ sẽ là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.
Thực tế cho thấy, từ khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực đã tháo gỡ điểm nghẽn về đấu thầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế, nhất là các thiết bị kỹ thuật cao, thiết bị chẩn đoán, điều trị tiên tiến. Điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác đấu thầu nói chung và đấu thầu mua thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế đã được ban hành, song thực tế vẫn còn một số vướng mắc, dẫn tới có những bệnh viện lúng túng, đắn đo trước nguy cơ phải mua giá đắt.
Bệnh nhân thì đang rất cần thuốc, rất cần được điều trị, trong khi bệnh viện có tiền cũng không tự tin đấu thầu, mua sắm. Vậy thì vấn đề nằm ở đâu?
Bên cạnh đó, thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm… cũng đang tồn tại khá nhiều bất cập.
Hiện nay, rất nhiều thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng được nhập về Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá rẻ hơn hàng thật, trong khi việc xử lý chưa tương xứng.
Đó là chưa kể các thực phẩm chức năng có chứa chất cấm, quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng… diễn ra phổ biến.
Do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng, các quảng cáo từ các máy chủ ở nước ngoài nên dường như công tác quản lý còn chưa theo kịp.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, ngoài câu chuyện điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, doanh nghiệp và người dân rất quan tâm đến câu chuyện miễn giảm lãi suất, tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thiên tai.
Thực tế cho thấy, ngân hàng không hề thiếu tiền, song việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp lại khó khăn. Đây là điều mà cử tri rất mong chờ người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước có câu trả lời thoả đáng, đồng thời đưa ra được những giải pháp kịp thời.
Hay như thị trường vàng vừa qua cũng có những bất ổn, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục can thiệp thế nào để ổn định thị trường; sẽ thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối ra sao?…
Có thể nói, chất vấn trên nghị trường không phải là một cuộc thi hay sát hạch mà là một hình thức giám sát, để cộng đồng trách nhiệm, làm rõ thực trạng, đề ra giải pháp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước một cách tốt hơn.
Nói cách khác, mục đích cuối cùng của hoạt động chất vấn là cả người hỏi và trả lời cùng nhau làm sáng tỏ các vấn đề nhằm giải quyết kịp thời, hiệu quả những yêu cầu của thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Vì thế, cử tri và nhân dân rất kỳ vọng vào kết quả phiên chất vấn lần này, với những câu hỏi đúng và trúng, trả lời tường minh, rõ trách nhiệm, nhằm sớm khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nhung-ky-vong-tai-phien-chat-van-19224111102581423.htm