Năm tôi nhập học lớp 8, khu vực Ao Cá gồm 2 lớp 8, cùng 2 lớp 9 và 2 lớp 10. Đây là khu độc lập, không có nhà dân, học sinh ở trong các lán trại tập thể, ăn tại nhà ăn do cô Trương làm quản lý, ở thì có chú Đông người Quảng Ngãi phụ trách phần xây dựng.
Nghe nói chú Đông là du kích Ba Tơ, tập kết ra Bắc được phân công về Từ Hồ quản lý, theo dõi xây dựng và sửa chữa nhà trường. Chúng tôi chỉ có việc học và tu dưỡng đạo đức, lập trường cách mạng, hướng về xứ sở mà nuôi chí bền.
Đã là cán bộ kháng chiến miền Nam, người nhỏ nhất cũng đến tuổi hai mươi. Ở tuổi này chỉ có cách học bổ túc văn hóa theo chương trình cấp tốc mỗi năm 2 lớp mới đuổi kịp mốc thời gian trưởng thành của một đời người. Các môn học được tinh giản, chủ yếu học kỹ Toán, Lý, Hóa, Văn.
Trong từng lớp, trình độ tiếp thu không đồng đều, người trẻ tiếp thu nhanh, người lớn tuổi sức học hạn chế, ở các tiết học thầy đã giảng tỉ mỉ, những lúc không lên lớp cán sự bộ môn tranh thủ phụ đạo thêm theo kiểu “Con béo kéo con gầy”, giúp đồng môn, đồng đội cùng hiểu, cùng tiến.
Ở đây người tứ xứ tụ hội, nào là người các tỉnh khu 5, khu 6, khu Trị Thiên, miền Đông, miền Tây Nam Bộ… Có cả người miền Bắc vào chiến trường công tác ở các cơ quan dân chính Đảng các cấp ở miền Nam. Nhưng tất cả chúng tôi cùng chung hoàn cảnh kháng chiến, từ chiến trường khói lửa trở về hậu phương, rất dễ hòa đồng hội nhập.
Về Từ Hồ, tôi gặp được chị ruột cùng thoát ly một lần, cùng ở chiến trường Quảng Nam, nhưng chiến tranh khói lửa mịt mù, suốt 7 năm trời chị em không thể gặp nhau. Nay trên đất Bắc chị em đoàn tụ, chao ôi mừng vui khôn tả.
Nhưng rồi, tất cả chúng tôi tuy sống trên miền Bắc XHCN, ăn gạo miền Bắc, uống nước Hưng Yên, được bà con miền Bắc sẻ chia đùm bọc mà quân số vẫn thuộc miền Nam. Ai còn sức khỏe sẵn sàng trở lại miền Nam kháng chiến, nhiều người ở vài năm xung phong trở lại chiến trường, có người giấu vết thương để được về Nam.
Tôi vào lớp 8, chị tôi học xong lớp 10, học thêm lớp báo chí cấp tốc, cuối năm 1972 trở lại quê hương Quảng Nam như một phóng viên chiến trường. Và chị em tôi đã làm “một cuộc chia ly không dám hẹn ngày gặp lại”. Khi ấy tôi rưng rưng nhớ hai câu thơ của Hồ Thấu: “Chiến trường ai khóc chia phôi/ Khải hoàn ai nhắc tới người hôm qua” mà dõi theo bóng hình trẻ trung của chị đang nhón chân đi về phía quê hương may ít rủi nhiều.
Giữa năm 1972, Mỹ lại tiến hành ném bom ác liệt miền Bắc, Trường HT2 – Từ Hồ phải tiếp tục sơ tán lên phía Tân Yên, Bắc Giang, đóng ở các làng Cao Kiên, Đông Điều gần chợ Nhã Nam có ngã ba Nhã Nam – một đường lên Trại Cau Thái Nguyên, một đường qua Yên Thế có vườn cam Bố Hạ, một đường xuống Bắc Ninh, Hà Nội. Cuối năm 1972 đầu năm 1973, sau Hiệp định Paris ký kết, trường quay về địa điểm cũ. Giữa năm 1973 tốt nghiệp lớp 10, tôi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội học dự bị để thi đại học.
Theo học chương trình cấp III bổ túc văn hóa mỗi năm 2 lớp tập trung vào 4 môn Toán, Lý, Hóa, Văn, vì thế kiến thức các môn cơ bản khá chắc, qua bồi dưỡng thêm khóa dự bị, chúng tôi có thể thi đại học cùng một đề, cùng một kỳ thi đại trà với học sinh phổ thông.
Năm ấy (1974) khối 10 của chúng tôi có nhiều người trúng tuyển vào đại học trong nước, thời gian đã quá lâu tôi chỉ nhớ được một số trường hợp, như cô Lan Tin quê Duy Xuyên, cô Kiều người Đại Lộc vào Đại học Dược – Hà Nội; Khoa người Phú Yên vào Đại học Giao thông; anh Kháng, cô Bình, cô Thúy người Nam Bộ vào Trường Bưu diện Vĩnh Phúc; chị Phan Thị Quyên vợ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, dâu Quảng Nam, vào Khoa Kinh tế Trường Bách Khoa Hà Nội…
Một số người đạt điểm cao, đủ tiêu chuẩn theo học ở nước ngoài, như Phan Văn Tính người Bình Dương (Thăng Bình), Nguyễn Thị Hà người Bình Thuận đi Nga; anh Huỳnh người Thừa Thiên đi Ba Lan; tôi cùng với Nguyễn Công người Tam Kỳ, Lê Minh Hải người Bình Định đi Bungaria…
Nhiều người sau khi tốt nghiệp cấp III, để chuẩn bị cán bộ cho sự nghiệp xây dựng miền Nam sau này, Cục cán bộ B cử họ theo học tại các trường trung – cao cấp chính trị, cao đẳng, đại học thuộc các ngành công an, báo chí, văn hóa, giáo dục, y tế. Ngay trong khi đang học tại Trường HT2 – Từ Hồ, theo yêu cầu của chiến trường nhiều đồng chí được cử theo học các lớp chính trị cấp tốc để trở lại miền Nam chiến đấu.
Sau ngày 30/4/1975, nước nhà thống nhất, học sinh HT2- Từ Hồ trở về miền Nam công tác, phần đông trong họ được đào tạo trở thành những cán bộ có quá trình tham gia kháng chiến, có trình độ chuyên môn bài bản, góp phần xây dựng quê hương trong thời bình.
Bây giờ, sau gần nửa thế kỷ chúng tôi đã là lớp người “xưa nay hiếm”, trở thành ông nội bà ngoại, nhìn lại những chặng đường đã qua, đã trải nghiệm; nhìn lại những năm tháng sống trên đất Bắc, những năm tháng học tập tại Trường HT2 – Từ Hồ thì đó thật sự là một quãng đời đẹp, chứa đựng những ký ức không thể nào quên của thời tuổi trẻ.
Trong công cuộc kháng chiến ở miền Nam, ở quê hương, chúng tôi đã hồn nhiên trong trắng theo tiếng gọi của Đảng, của Mặt trận Dân tộc giải phóng lên đường tham gia cách mạng. Khi ấy, vì hoàn cảnh chiến tranh chúng tôi ít được học, ra hậu phương miền Bắc XHCN được Đảng, Nhà nước xem chúng tôi như những “hạt giống đỏ”, cho ăn học nâng cao trình độ văn hóa, mở rộng kiến thức để bắt kịp tiến trình phát triển cách mạng, phục vụ lâu dài trong những năm sau này.
Đặc biệt chúng tôi được nhân dân miền Bắc, nhân dân các làng Mễ Thượng, Mễ Hạ, Bình Phú, Từ Tây, Đông Tảo kính yêu năm xưa cưu mang, đùm bọc, được các thầy cô tận tình chỉ dạy từng phép toán, câu văn. Ơn nghĩa ấy chúng tôi luôn ghi lòng tạc dạ.
Chúng tôi luôn quan niệm Trường HT2 – Từ Hồ là cái nôi, một mắt xích quan trọng đã trang bị kiến thức cơ bản, tạo động lực để chúng tôi trưởng thành. Trong số “học sinh” bổ túc văn hóa năm xưa, có nhiều người trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, giảng viên đại học, giảng viên chính trị, tướng lĩnh, cán bộ lãnh đạo các cấp…
Nhưng cái quý nhất, dù ở cương vị nào trong xã hội, dù cư trú nơi phố thị hay về an nghỉ tuổi già nơi làng quê, hóc núi; dù cuộc sống kinh tế – xã hội có thay đổi đến đâu, trong hoàn cảnh nào chúng tôi vẫn một lòng sắt son với sự nghiệp cách mạng; vẫn giữ được tấm lòng trong trắng, yêu nước thương dân của thuở ban đầu: “Lên đường như đứa trẻ thơ/ Quản chi gian khổ bụi bờ chông gai”.
Dẫu đã ở tuổi xế chiều nhưng trong mỗi chúng tôi vẫn tràn đầy năng lượng, da diết nhớ về những năm tháng trẻ trung với ký ức đẹp ở cái nôi kiến thức HT2 – Từ Hồ trên đất Mễ Thượng, Mễ Hạ, Bình Phú, Từ Tây, Đông Tảo – Hưng Yên năm xưa.