LTS: Là nhà xuất khẩu cà phê trong top 4 tại Việt Nam, nhà xuất khẩu hạt tiêu số 1 vào thị trường châu Âu, mới đây ông Phan Minh Thông – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh đã có chuyến khảo sát thực tế các vùng trồng cà phê lớn tại Tây Nguyên để chuẩn bị các “kịch bản” cho vụ mùa mới. Ông đã gửi cho Dân Việt bài viết ghi nhận sau chuyến đi.
Tháng 1 năm nay 2024, giá cà phê nguyên liệu từ 70 triệu đồng/tấn và giờ đã tăng lên trên dưới 120 triệu đồng/tấn. Giá cà phê trên sàn Luân Đôn thì điên đảo, chưa bao giờ cà phê robusta vững và “ngự trị” trên cao lâu như vậy, thậm chí giá cao hơn cả Arabica từ 500 USD đến 1.000 USD/tấn. Thị trường số dữ dội nhưng thị trường hàng hóa Việt Nam đứng nguyên một thời gian dài do đến hết cà phê để bán. Im lìm không có nhiều giao dịch. Trên thế giới chỉ còn có Brazil giao dịch hàng cà phê mà thôi.
Thông thường, cứ khi mùa vụ cà phê sắp tới là chúng tôi lại lên đường đi khảo sát, tham quan những cánh đồng cà phê ở Tây Nguyên. Hơn 1 năm nay, do giá cà phê lên cao nhất lịch sử nên hầu hết nông dân chúng tôi gặp đều rất vui. Họ liên tục ươm trồng cây mới.
Nếu bạn lên Tây Nguyên, sẽ thấy hàng ngày những xe công nông hay xe bán tải chở đầy cây giống cà phê đi trồng. Những cây cà phê non nhanh chóng được lấp vào chỗ mà nhiều vườn bỏ bê do giá xuống thấp những năm trước. Hoặc nhiều lô đất dù đã bán cho khách đầu cơ, nếu thấy bỏ không thì chủ đất cũ cũng xin thuê lại để trồng cà phê. Giá cà phê tăng cao giúp họ có thể tái canh vườn già cỗi một cách dễ hơn và có niềm tin hơn rất nhiều.
Khi chúng tôi tới Đắk R’Lấp, Đắk Ru (Đắk Nông), khu vực giáp giới Bình Phước, trước mắt hiện ra những cánh đồng cà phê xanh mướt, cành nào cũng trĩu quả. Hỏi về sản lượng, người dân nơi đây nói năm nay khá đấy.
Chúng tôi trò chuyện với một chủ vườn có 3ha, dự kiến năm nay sẽ thu 8 tấn cà phê nguyên liệu. Vườn này trồng xen canh thêm sầu riêng nữa, và như vậy họ cũng thắng lớn vụ sầu riêng vừa rồi. Khu vực này là thu hoạch sớm nhất Tây Nguyên và dân ở đây trồng xen canh nhiều loại cây trong vườn, như cà phê, hạt điều, sầu riêng và tiêu.
Khi chúng tôi tới Nâm N’rang (huyện Đắk Song), rất nhiều người tái canh cây cà phê bằng cách ghép và cũng trồng mới bằng cây con. Với giống cà phê mới thì chỉ cần 2 năm đã có thu hoạch bói lần đầu.
Tiếp tục, chúng tôi đi đến vùng Đắk Nia (huyện Gia Nghĩa), nhiều vườn dự kiến sản lượng tốt, năng suất khoảng 3 tấn/ha và người dân cũng trồng xen canh rất nhiều. Với đà này, dự đoán năm nay cà phê sẽ cho thu hoạch cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 mới có.
Tương tự, vùng trồng cà phê ở Quang Khê hướng đi Lâm Đồng cũng khá tốt, ước tính năng suất khoảng 3-4 tấn/ha. Thậm chí vùng này năng suất còn tốt hơn các vùng chúng tôi khảo sát trước đó. Dự kiến ở đây cuối tháng 11 mới cho thu hoạch cà phê vụ mới.
Nhìn chung vụ năm nay cà phê sẽ chín hơi muộn, chủ yếu phải cuối tháng 11 mới có. Chúng tôi tiếp tục đi Di Linh, tới các vùng Đinh Trạng Thượng, Lâm Hà, Đan Phượng và Nam Bang thì ở trên này, cà phê cho năng suất cao hơn hẳn, có vùng ước tính được 5 tấn/ha và có thể lên 6 – 7 tấn /ha.
Người dân khá hài lòng với giá cà phê hiện tại, duy chỉ vào mùa thì muộn một chút, cuối tháng 11 mới có hàng vụ mới.
Điều đáng nói là so với mọi năm, lượng hàng bán trước không có nhiều. Có lẽ quá khứ 2 niên vụ vừa qua (năm 2022/2023 và 2023/2024) quá đau thương, nên các doanh nghiệp mua trước và các nhà cung cấp bán trước cũng không nhiều nữa. Tỷ lệ đặt cọc rất cao, trước đây những người bán trước có khi chỉ đặt cọc 10%, 5% hoặc là 0% nhưng giờ lên tới 25%, thậm chí 30% để bán trước.
Mọi năm bán trước tỷ lệ đặt cọc thấp, tới khi vào vụ giá cà phê lên, người bán phá cam kết khiến bao nhiêu doanh nghiệp lâm cảnh lao đao. Còn năm nay, nếu không bán trước mà cùng lúc vào vụ thi nhau bán thì giá không biết thế nào?
Chúng tôi nhận thấy, 2 năm vừa qua thị trường cà phê biến động khó lường, hết bất ngờ này tới bất ngờ khác nên gần như các nhà cung cấp cà phê đều gặp khó khăn. Ước tính có hơn 60% không thể tiếp tục kinh doanh, cho nên sự thận trọng là vô cùng cần thiết.
Năm nay cũng là năm mà châu Âu thực thi nhiều quy định mới đối với hàng hoá nhập khẩu, trong đó có quy định chống phá rừng (EUDR) áp vào mặt hàng cà phê của Việt Nam. Đến giờ, các hướng dẫn cũng chưa thực sự rõ ràng, các công ty trên thế giới mỗi nơi làm một kiểu.
Nhưng tôi chắc chắn một điều, nếu không có EUDR thì không thể xuất khẩu cà phê vào châu Âu. Tuy nhiên, do tình hình thị trường cà phê diễn biến quá nóng trong 2 năm vừa qua và đến giờ gần như không có cà phê suốt 4 tháng để xuất khẩu, lại thêm EUDR nữa, dẫn đến thị trường kinh doanh cà phê nguyên liệu lại càng khó đoán hơn bao giờ hết.
Ai trong ngành cà phê nguyên liệu chắc chắn sẽ không thể nào quên không khí kinh doanh bận rộn, sôi sục trong năm vừa qua. Vừa bận rộn vừa kiếm tiền nhiều tháng liền, giờ bỗng nhiên không bận rộn, không có hàng hoá thì lấy tiền đâu để tồn tại? Lấy tiền đâu trả chi phí cho hàng trăm hàng ngàn công nhân ở những nhà máy đã có cả hàng chục năm rồi?
Hy vọng vụ mùa tới với sản lượng lớn, người dân chăm sóc cà phê tốt hơn, ai cũng bán được giá tốt để tái đầu tư cho vườn cà phê. Khi người dân có lời, họ có thể bỏ tất cả công sức và tình yêu dành cho cây cà phê và trên hết, những người tiêu dùng cà phê trên toàn thế giới sẽ có cà phê ngon để uống với giá phải chăng.
Sài Gòn ngày cuối tuần tháng 9/2024.
Nguồn: https://danviet.vn/nhung-kich-ban-nao-ve-vu-ca-phe-2024-20241002163328779.htm