Tiếng lao xao vọng lại từ xa trên đường ra chợ, mỗi lúc càng nghe rõ hơn những âm thanh cuộc sống của miền cát.
Thường những khu chợ cá, chợ hải sản họp ngay sát mép nước từ tờ mờ sáng. Các bà, các chị miệng thì nói cười, tay cắp rổ, thúng hay vai quẩy sẵn quang gánh, còn đôi mắt luôn dõi về phía biển, nơi có những con thuyền chuẩn bị cập bờ. Ở những vùng biển ngang, ngư dân chỉ đi biển trong ngày nên hải sản còn tươi rói chưa qua ướp đá.
Thuyền tiến sát bờ, bà con ào xuống nước, có khi ngập ngang lưng để đón thuyền, đưa tay thoăn thoắt đỡ những mẻ tôm, cá, mực…. Các ngư dân có dáng người rắn rỏi, nước da đen bóng, nụ cười “thu hoạch” rạng rỡ. Giọng nói đặc trưng của mỗi vùng miền thể hiện rất rõ ở các khu chợ này. Những phương ngữ chỉ có dân bản địa mới hiểu khiến cho du khách có phần lạ lẫm, nhưng luôn cảm nhận được “hồn biển” mạnh mẽ mà hồn hậu từ những giọng nói, tiếng cười mang âm vang ấy.
Tôi đã từng “căng tai” để nghe bà con nói chuyện ở những vùng chợ biển miền Trung như Hải Tiến (Thanh Hóa), Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Cửa Lò (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Tam Tiến (Quảng Nam). “Câu được câu chăng” nhưng tôi đã cảm được nhịp sống biển, thấy được nỗi vất vả mưu sinh hay được biết thêm tập quán lao động, sinh hoạt, buôn bán ở từng địa phương.
Ở nơi có đội tàu đánh bắt xa bờ thì sản phẩm thu được sẽ đa dạng hơn, có cả cá bé lẫn các loại cá to như cá thu, cá bớp, cá ngừ đại dương… Những loại cá này sau khi kéo lưới sẽ được ngư dân phân loại luôn và ướp đá hay bảo quản lạnh sâu trong kho hàng trên tàu để đảm bảo độ tươi ngon. Nếu tới Bình Định, du khách hãy tới cảng cá Tam Quan để thấy được cảnh tượng “vác cá” khi tàu cập cảng. Không riêng gì đàn ông mà những người phụ nữ cũng tham gia vận chuyển trên vai những chú cá ngừ to, nặng tới vài chục kg.
Còn khi ghé cảng cá An Thới lâu năm ở Phú Quốc (Kiên Giang), du khách sẽ “mãn nhãn” khi chứng kiến “cảnh tượng” nhộn nhịp của đội tàu cá trở về với nguồn lợi hải sản dồi dào, từ những sọt cá cơm than là nguồn nguyên liệu cho đặc sản nước mắm của Đảo Ngọc đến những mẻ cá thu, cá mập, cá bớp tươi xanh.
Tạp chí Heritage