TP – Nhà khảo cổ học dưới nước Mensun Bound kể lại một số di tích phi thường mà ông đã tận mắt chứng kiến, được mô tả chi tiết trong cuốn sách mới do ông đồng sáng tác – “Kỳ quan sâu thẳm”.
Ông Mensun Bound, đồng tác giả cuốn khảo cổ đại dương “Kỳ quan sâu thẳm” |
Ông Mensun Bound, người từng dẫn đầu đội phát hiện ra con tàu Endurance của nhà thám hiểm Ernest Shackleton, đã viết lại lịch sử hàng hải thế giới thông qua các vật thể đắm tàu mà ông đã tìm thấy xuyên suốt sự nghiệp của mình.
Ông Bound tiết lộ một số vật phẩm quan trọng nhất và phi thường nhất từng được cứu vớt dưới đáy biển.
Khẩu đại bác trong Trận Trafalgar
Khẩu đại bác của tàu HMS Agamemnon |
HMS Agamemnon là con tàu đầu tiên và yêu thích của Đô đốc Horatio Nelson, người chỉ huy đã giúp Đế quốc Anh đánh bại quân đội của Napoleon vào Trận Trafalgar năm 1805. “Đó là con tàu mà ông Nelson lần đầu tiên chiến đấu với quân Pháp và cũng là nơi ông gặp tình yêu đời mình, Phu nhân Hamilton”, ông Bound cho biết.
Ngoài Trận Trafalgar, con tàu cũng đã được sử dụng trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ, rồi của Pháp. Sau đó, con tàu mắc cạn ngoài khơi bờ biển Uruguay trong khi đang truy đuổi một hạm đội tàu Pháp và cuối cùng bị mắc kẹt trong một bãi bùn. “Họ đã cứu được tất cả khẩu đại bác ngoại trừ một khẩu- trong hồ sơ, còn có một mô tả rất rõ ràng về cách họ vô tình đánh rơi một khẩu xuống nước”.
Tàu Endurance bị đắm vào tháng 10/1915. Con tàu được tìm thấy ở độ sâu 3.008 mét dưới biển Weddell vào tháng 3/2022 |
Năm 1997, ông tìm thấy khẩu súng mất tích bằng thiết bị sonar âm thanh. “Chúng tôi thực sự không ngờ tới. Nhưng nó vô cùng khổng lồ”. Sau khi lột bỏ lớp vỏ bị ăn mòn của khẩu đại bác, ông đã có một khám phá hiếm hoi: con số khắc trên khẩu pháo trùng khớp với hồ sơ lưu trữ về một khẩu súng đã được bắn trong Trận Trafalgar. Do đó, đây là khẩu pháo duy nhất còn tồn tại được chứng minh là đã tham gia trận hải chiến nổi tiếng nhất từ trước đến nay. “Trận chiến đó đã thay đổi lịch sử và chấm dứt giấc mơ chinh phục nước Anh của Napoleon”.
Cuốn Kinh thánh từ Endurance
Quyển Kinh thánh của nhà thám hiểm Ernest Shackleton |
Năm 1914, ông Shackleton và 27 thủy thủ đoàn đã đi trên con tàu Endurance đến Nam Cực với mục tiêu trở thành những người đầu tiên băng qua lục địa này. Đây là hành trình cuối cùng của “thời đại hoàng kim” của thám hiểm Nam Cực.
Sau khi đi giữa băng trôi và gặp phải gió mạnh, con tàu bị đóng băng và thủy thủ đoàn buộc phải từ bỏ Endurance cùng hầu hết đồ đạc của họ. “Để lên bờ, họ chỉ có thể mang theo một số ít tư trang cá nhân, chỉ nặng khoảng 1kg”, ông Bound cho biết.
Ông Shackleton đã xé một vài trang quan trọng ra khỏi cuốn Kinh thánh để mang theo, sau đó bỏ lại quyển sách nặng nề trong tuyết. “Nhưng có một ngư dân trong đoàn tên là Thomas McLeod, đến từ Scotland – một người rất sùng đạo. Chúng tôi không nghĩ ông ấy biết đọc, nhưng ông ấy đã nghĩ rằng việc bỏ lại Kinh thánh là trêu đùa với số phận”, ông Bound nói.
Khi không ai nhìn, ông McLeod đã lấy quyển Kinh thánh và giấu nó trong đồ đạc của mình. Cuối cùng, ông McLeod đã được cứu, và quyển Kinh thánh được tặng cho Hội Địa lý Hoàng gia ở London.
Ông Bound vẫn thấy “thật tuyệt vời” khi cả 28 thành viên thủy thủ đoàn đều sống sót sau vụ đắm tàu đó, cũng như quyển Kinh thánh. “Điều đó gần như bất khả thi”, ông nói.
Mũ giáp cổ bằng đồng
Mũ giáp Giglio, trước và sau khi được phục chế |
Năm 1961, một thợ lặn người Đức đã phát hiện ra một xác tàu đắm ngoài khơi đảo Giglio của Ý. Một trong những hiện vật được cứu vớt là một chiếc mũ đồng của Hy Lạp vào khoảng năm 600 trước Công nguyên, khi đế chế Etruscan đang ở đỉnh cao. “Nó được chế tạo bằng kỹ năng gia công xuất sắc, mà chúng ta không thể tái tạo được ngày nay”, ông Bound nói.
Trên mũ có hình ảnh những con lợn rừng, rắn lục có nanh, được khắc họa “với chi tiết cực kỳ tinh xảo. Chiếc mũ đồng này là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất của thời kỳ này”, ông cho biết. Ông Bound coi đó là biểu hiện của công nghệ cổ đại. “Nó là một vật phẩm chiến tranh đích thực – bất kỳ ai sở hữu chiếc mũ đó đều gửi tín hiệu rằng họ quan trọng, giàu có và quyền lực”, ông nói.
Ông Bound là một trong số ít chuyên gia được tận mắt nhìn thấy chiếc mũ giáp. Chiếc mũ được thợ lặn người Đức cho ông xem vào những năm 1980, vài năm trước khi ông qua đời. Kể từ đó, không ai biết chuyện gì đã xảy ra với chiếc mũ, mặc dù chính phủ Ý vẫn đang tìm kiếm thông tin về nó.
Vàng từ một tàu buôn Bồ Đào Nha
Vàng được phát hiện trong xác tàu đắm Espaarte |
Năm 1554, Espaarte, một chiếc thuyền buồm Bồ Đào Nha, đang trở về từ chuyến đi đến Ấn Độ thì bị gãy cột buồm và chìm gần Pháo đài Saint Sebastian trên đảo Mozambique. “Bồ Đào Nha là một quốc gia đáng kinh ngạc về nghề đi biển và họ đã mất rất nhiều tàu trong quá trình”, ông Bound nói.
Năm 2001, ông đã phát hiện ra một con tàu được cho là Espaarte khi rà soát đáy biển của một kênh đào trước pháo đài. Những kho báu mà họ phát hiện ra gần xác tàu đắm bao gồm gia vị, vỏ ốc xà cừ (từng được sử dụng làm tiền ở một số vùng châu Phi), đồ sứ nhà Minh thế kỷ 16 và khoảng 50kg vàng ròng.
“Tôi đã từng tìm thấy vàng trước đây, nhưng chưa bao giờ với khối lượng lớn như thế này – những thỏi vàng lớn, cũng như dây chuyền và đồ trang sức bằng vàng”, ôngBound nói.
Không có bằng chứng nào cho thấy con tàu chở những người nô lệ. Thay vào đó, ông Bound cho rằng vàng trên tàu là một phần của hoạt động buôn bán gia vị, lụa, đồ gốm và đồ sơn mài đang phát triển trên biển.
“Vàng đóng vai trò chủ chốt trong việc mở rộng thương mại quốc tế (đó là loại tiền tệ quốc tế vào thời điểm đó) và người Bồ Đào Nha là một trong những người châu Âu đầu tiên đi khắp châu Phi. Họ đang cố gắng tìm ra Con đường tơ lụa trên biển”. Có khả năng người Bồ Đào Nha đã khéo léo đổi vàng lấy bạc ở phía Đông, nơi bạc có giá trị hơn vàng. “Chúng tôi không rõ. Nhưng chỗ vàng đó hẳn có sức mạnh rất lớn. Chắc chắn là có người đã chịu tổn thất lớn khi con tàu này chìm”.
Nguồn: https://tienphong.vn/nhung-kho-bau-duoi-day-dai-duong-post1677447.tpo