Phát biểu tại buổi lễ Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng lần thứ VI, tối ngày 26/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ: “Vào thời khắc này, khi chúng ta ngồi đây, hàng trăm nghìn y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn đang túc trực bên giường bệnh, trong phòng cấp cứu, hay đến tận nhà dân ở các vùng biên giới, hải đảo xa xôi. Có những nhà khoa học đang miệt mài trong phòng thí nghiệm. Có những cán bộ y tế dự phòng, cán bộ dân số nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đề chăm sóc sức khỏe cho người”.
Bộ trưởng thông tin về ca ghép phổi vào Ngày 30 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ. Đó là 12 giờ căng trí, căng sức để níu giữ sự sống, để hồi sinh một cuộc đời. Và 12 giờ sau mổ, cô gái 21 tuổi đã tỉnh và tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới trong những ngày đầu năm mới. Hơi thở hồi sinh kỳ diệu ấy cũng đã đặt dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói riêng và thầy thuốc Việt Nam nói chung.
Và cách đây hơn một tuần, em bé trong ca can thiệp tim bào thai đầu tiên tại Việt Nam do Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ phối hợp thực hiện đã xuất viện trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình và các y bác sĩ. Các thầy thuốc đã can đảm làm một việc chưa từng có tiền lệ, can đảm tạo nên những dấu mốc lịch sử của y tế nước nhà.
Người đứng đầu ngành y tế tri ân tới đội ngũ y tế toàn ngành: “Xin cảm ơn các đồng chí đã luôn kiên cường, vượt khó, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để đạt được những kết quả đáng tự hào. Xin cảm ơn các đồng chí đã ngày đêm thầm lặng hy sinh để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc”.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, suốt chặng đường 69 năm qua, ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu – “Lương y phải như từ mẫu”, các thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế đã không ngừng phấn đấu, vượt mọi khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố, mở rộng và phát triển; ngành y tế nỗ lực đổi mới để tiến tới sự hài lòng hơn nữa của người bệnh.
Bộ Y tế đã tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động của ngành về phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở. Công tác khám chữa bệnh và chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do mô hình bệnh tật thay đổi, song song với các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi còn nhiều bệnh không truyền nhiễm, các tình trạng sức khỏe khẩn cấp, thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, già hóa dân số…
Bộ trưởng cho hay, dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta có một niềm tin mãnh liệt rằng: Thực hiện đường lối đúng đắn của Đảng, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, sự ủng hộ, phối hợp của các bộ, ban, ngành và chính quyền các cấp, các tổ chức quốc tế, sự đồng lòng của người dân, toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành y tế phấn đấu rèn luyện y đức, chuyên môn để ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả của ngành.
“Những hi sinh thầm lặng của đội ngũ Thầy thuốc Việt Nam không thể đong đếm được. Những cố gắng của các đồng chí không thể mô tả hết bằng lời. Tâm – Trí – Lực của thầy thuốc đã, đang và sẽ mãi dành hết cho người bệnh. Những cống hiến đó được xã hội ghi nhận và cổ vũ”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ.
Nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan gửi những lời chúc sức khỏe tới những người thầy thuốc Việt Nam, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động qua các thời kỳ. “Cảm ơn về những đóng góp của các y bác sĩ cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đóng góp chung vào quá trình xây dựng và phát triển của ngành y tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại chương trình, ngoài phần tôn vinh đội ngũ y bác sĩ nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Ban Tổ chức đã trao giải cho 15 tác phẩm lọt vào chung kết cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần VI, gồm: 1 giải Đặc biệt; 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 5 giải Ba và 6 giải Khuyến khích.
Giải Đặc biệt trị giá 80 triệu đồng đã thuộc về tác phẩm “Bàn tay tài hoa của bác sĩ dám làm việc khó, hồi sinh những mảnh đời bất hạnh” của tác giả Ngô Anh Văn (Báo Sức khỏe và Đời sống). Giải Nhất là phóng sự “Hành trình nghiên cứu vắc-xin” của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Ngoài ra, toàn bộ tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, bao gồm các tác phẩm đạt giải, được in thành sách với tựa đề “Sự hy sinh thầm lặng lần VI”.