(Dân trí) – Xứ Đoài xa xưa là nơi sinh sống của người Việt cổ, nổi tiếng với kho tàng di sản văn hóa đặc sắc, có giá trị tiêu biểu, là nơi tiếp xúc, trao đổi văn hóa với Thăng Long.
Xứ Đoài xưa bao gồm một vùng rộng lớn ở phía Tây Hà Nội như khu vực Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ… Trong ảnh là xã Vật Lại (Ba Vì).
Năm 1972, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 2 di chỉ văn hóa Sơn Vi (cách ngày nay 30.000 – 11.000 năm) khi khai quật ở xã Vạn Thắng và thôn Thái Bạt (thuộc xã Tòng Bạt). Tại 2 di chỉ này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều công cụ lao động và sinh hoạt bằng đồng.
Theo thời gian, xứ Đoài là địa bàn cư trú chính của bộ tộc Văn Lang, nơi phát tích nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Ảnh chụp tại xã Tòng Bạt (Ba Vì).
Một số văn tự cổ cho biết, Thục Vương chiếm nước Văn Lang, đổi tên là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa), dân cư cũng gọi là Lạc Việt, hậu duệ là người Mường ở mạn xứ Đoài. Trong ảnh đền thờ An Dương Vương trong khu di tích thành Cổ Loa.
Xứ Đoài xưa có rừng, gò đồi và một phần đồng bằng nhỏ bé nhưng ngày nay rừng chỉ còn ở huyện Ba Vì. Núi Ba Vì vẫn còn đó. Tên Ba Vì được giữ nguyên theo tiếng Mường. Núi có 3 đỉnh, đỉnh Vua cao nhất 1.296m, đỉnh Tản Viên cao 1.281m và đỉnh Ngọc Hoa cao 1.120m. Trong ảnh là núi Ba Vì.
Núi Ba Vì được ví là “nóc nhà” của Hà Nội.
Không chỉ có truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, xứ Đoài còn có truyền thuyết về cây mía, và trung tâm của cây mía chính là làng cổ Đường Lâm (rừng nước ngọt) nay thuộc thị xã Sơn Tây. Ảnh chụp cổng làng cổ xã Đường Lâm (Sơn Tây).
Đình cổ Mông Phụ nằm giữa xã Đường Lâm.
Xứ Đoài có nhiều ngôi đình đẹp nổi tiếng như: Đình So, Mông Phụ, Tây Đằng, Thanh Lũng, Thụy Phiêu được xây dựng cách đây từ 500 – 600 năm với các kiến trúc, họa tiết hoa văn được chạm khắc vô cùng độc đáo, tinh xảo. Trong ảnh là đình So (xã Công Hòa, Quốc Oai).
Đình Phú Hữu thuộc xã Phú Sơn, Ba Vì.
Với vị thế là một trong tứ trấn bên cạnh Kinh đô – Thủ đô của nước Việt từ xưa đến nay, xứ Đoài luôn là nơi tiếp xúc, trao đổi văn hóa với Thăng Long – Hà Nội, tiếp nhận những yếu tố mới, nét đẹp văn hóa từ kinh đô Thăng Long – Hà Nội để làm phong phú hơn bản sắc của riêng mình. Trong ảnh là đình Tây Đằng (Ba Vì).
Xứ Đoài được bao bọc bởi sông Hồng và sông Đà, lại có sông Đáy chảy qua. Theo tâm thức dân gian, sông Hồng cùng với sông Đà gọi là “thủy Tổ”, núi Ba Vì gọi là “sơn Tổ” và Phú Thọ gọi là “địa Tổ”, hợp thành “tam Tổ” của nước Nam. Như vậy, xứ Đoài có thủy Tổ và sơn Tổ, nên người xưa gọi là “đất thiêng”. Ảnh chụp sông Đà và núi Ba Vì.
Ngày nay Xứ Đoài còn có nhiều hồ nhân tạo, rộng lớn nhất là Đồng Mô, suối Hai… Chiều chiều, từng đàn chim bay về rừng cây trên các đảo nổi trong ánh hoàng hôn thanh bình. Trong ảnh là hoàng hôn hồ Đồng Mô.
Trong lịch sử vùng văn hóa xứ Đoài, Thành cổ Sơn Tây có vị trí, vai trò rất quan trọng. Thành cổ Sơn Tây là công trình kiến trúc quân sự cổ được xây dựng bằng đá ong, với diện tích 12ha. Thành được xây dựng năm 1822, có 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông; xung quanh thành có hào nước bao bọc.
Một buổi chiều quê thanh bình tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai.
Chùa Thầy, một thắng cảnh nổi tiếng của vùng Quốc Oai.
Dantri.com.vn