Chiếc mũ nan anh hùng Trần Can sử dụng trong trận đánh đồi Him Lam rồi hy sinh ngay trước thời khắc chiến thắng sáng 7-5-1954 là một trong số nhiều hiện vật cảm động khác tại triển lãm ‘Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử’.
Triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, do bảo tàng này phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Giới thiệu hơn 300 tài liệu, hiện vật Điện Biên Phủ
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, để kể chuyện Chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc manh nha, tới chiến thắng lừng lẫy và Điện Biên hôm nay.
Trong đó có nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật lần đầu giới thiệu tới công chúng.
Như bản kết luận của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại hội nghị cán bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7-2-1954;
Súng trung liên do tổ chiến đấu của anh hùng Bế Văn Đàn sử dụng trong trận đánh tại Mường Pồn (Lai Châu), tháng 12-1953;
Bản đồ Điện Biên Phủ thu được của quân Pháp, đại tá Đào Văn Trường – quyền tư lệnh Đại đoàn công pháo 351, đã sử dụng chỉ huy pháo binh trong chiến dịch;
Sơ đồ tác chiến do Cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu vẽ, phục vụ cho Sở chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ;
Thư của tướng Navarre viết ngày 11-5-1954 đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho phép sơ tán tù binh là thương binh ở Điện Biên Phủ bằng máy bay…
Triển lãm còn trưng bày chiếc đèn bão sử dụng ở Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cây đèn ấy đã chứng kiến bao đêm vắt óc suy tư, tính toán của những tướng lĩnh chỉ huy chiến dịch cho đến ngày thắng lợi.
Chiếc mũ nan của anh hùng Trần Can
Đáng chú ý, triển lãm còn giới thiệu nhiều hiện vật cảm động của bộ đội, dân quân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Như chiếc mũ nan của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Can sử dụng trong trận đánh đồi Him Lam. Anh chính là người cắm cờ trên đồi Him Lam.
Câu chuyện về lòng dũng cảm và sự hy sinh của người anh hùng này tại triển lãm cũng khiến người xem rất xúc động.
Chuyện kể, trong trận đánh cứ điểm Him Lam mở đầu cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Can – đại đội phó bộ binh, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 – được giao chỉ huy tiểu đội thọc sâu tiêu diệt sở chỉ huy, cắm cờ quyết chiến quyết thắng lên đồn giặc.
Băng qua đạn pháo của địch bắn dữ dội, anh chỉ huy đơn vị nhanh chóng vượt qua lô cốt tiền duyên, đánh sở chỉ huy, cắm cờ quyết chiến quyết thắng trên lô cốt sở chỉ huy của quân Pháp.
Anh đã hy sinh anh dũng vào sáng 7-5-1954, khi chỉ còn cách sở chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 300m.
Cái chết anh dũng của Trần Can ngay trước thời khắc chiến thắng vang lừng đang tới khiến người xem triển lãm xúc động nghẹn ngào về sự hy sinh, hiểu ra cái giá của hòa bình, độc lập.
Còn rất nhiều những hiện vật chiến tranh mà những dân công đã sử dụng để phục vụ cho mặt trận Điện Biên Phủ cũng làm người xem hôm nay rưng rưng vì tinh thần đoàn kết, quyết chiến quyết thắng của toàn dân ta nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc nói riêng.
Như chiếc nón mà cụ Lã Thị Nhài, thôn Phượng Giao, xã Vĩnh Quan, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ dùng che mưa cho gạo khi đi dân công phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, 1954.
Hay chiếc yên ngựa bằng gỗ được ông Bạc Cầm Sinh, bản Che Phai 2, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu, sử dụng để thồ lương thực, thực phẩm tiếp tế phục vụ bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, 1954.
Cùng nhiều hiện vật cho người xem hôm nay hiểu được vì đâu những đoàn quân Việt Nam với vũ khí thô sơ đã làm nên chiến thắng gây chấn động địa cầu, khích lệ rất lớn cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa thực dân.
Triển lãm Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử kéo dài đến hết tháng 5 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.
Tuoitre.vn