Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều di sản trong lĩnh vực văn hóa, nổi bật là những gợi mở cho việc phát triển Hệ giá trị văn hóa Việt Nam, phát triển văn hóa theo hướng phát triển con người.
Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị con người Việt Nam
Tháng 11.2022, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” được tổ chức. Hội thảo quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa với 80 bài tham luận. Kim chỉ nam của hội thảo chính là những gợi mở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc hồi tháng 11.2021.
Trong đó, Tổng Bí thư có ý kiến chỉ đạo tổng quát: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tổng Bí thư cũng yêu cầu khẩn trương xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Tổng Bí thư có những gợi mở quan trọng về những thành tố trong các hệ giá trị, trong đó, hệ giá trị văn hóa bao gồm các thành tố: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.
Là người giữ cương vị cao nhất lãnh đạo thực hiện đường lối của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh trong bài viết Lý luận, thực tiễn và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam…
Chúng ta xác định con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư chỉ đạo: phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh đi đôi với đấu tranh chống lại những phản văn hóa để bảo vệ những giá trị chân – thiện – mỹ.
Làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Không chỉ có những chỉ đạo về văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn chú trọng về xây dựng văn hóa theo hướng học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay từ khi là Chủ tịch Quốc hội, năm 2010, ông luôn một lòng với việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội ngày 12.5.2010), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi đó nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh và Tấm gương phong cách Hồ Chí Minh”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi ấy cũng đánh giá: “Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, cội nguồn sức mạnh của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 15.5.2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chỉ thị này tiếp nối các Chỉ thị 06 (ngày 7.11.2006) và Chỉ thị 03 (ngày 14.5.2011) đã ban hành trong các nhiệm kỳ đại hội trước của Đảng.
Việc thực hiện Chỉ thị 05 gắn trọng tâm với công tác xây dựng Đảng, thực hiện Nghị quyết 04 khóa 12 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên chỉ đạo sâu sát, đôn đốc toàn Đảng, toàn dân tích cực thực hiện Chỉ thị số 05. Theo Tổng Bí thư, cần “gắn liền học tập và làm theo. “Học tập” là tiền đề, là điều kiện; “làm theo” là thực hành và vận dụng sáng tạo, tích cực và tự giác; đồng thời đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu”. Việc “làm theo” này gắn với trách nhiệm, đạo đức công vụ đi vào nền nếp là nội dung quan trọng, được xác định là nhiệm vụ lớn của Đảng.
Gần đây nhất, Đảng ban hành Quy định số 144 ngày 9.5.2024, quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới mà nội dung rất tương đồng với các phạm trù đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên từ những năm xưa. Đây cũng là định hướng của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như một điều tự nhiên, sinh động nhưng hiệu quả và thực chất.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/nhung-goi-mo-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-ve-phat-trien-van-hoa-185240725002217318.htm